1.2. Cơ sở lý luận về huy động vốn dân cư trong Ngân hàng thương mại
1.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng hiệu quả hoạt động huy động vốn dân cư của ngân
hàng thương mại.
1.2.3.1. Nhân tố chủ quan
a. Chính sách huy động vốn dân cư của ngân hàng
- Chính sách lãi suất và phí dịch vụ của ngân hàng
Lãi suất được coi là giá cả của các sản phẩm dịch vụ tài chính, đối với khu vực dân cư lãi suất huy động là yếu tố rất nhạy cảm. Ngân hàng sử dụng hệ thống lãi suất tiền gửi như một công cụ quan trọng trong việc huy động tiền gửi từ dân cư và thay đổi quy mô nguồn vốn. Để duy trì và thu hút thêm nguồn vốn, ngân hàng cần ấn định mức lãi suất cạnh tranh, thực hiện những ưu đãi về giá cho những khách hàng lớn, gửi tiền thường xuyên. Hơn nữa hệ thống lãi suất cần linh hoạt, phù hợp với quy mô và cơ cấu nguồn vốn. Song song với đó là đưa ra các dịch vụ đa dạng phong phú đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng với mức phí hợp lý.
Tuy nhiên, ngân hàng cũng cần phải chú ý rất nhiều đến lãi suất tiền vay để có thể có các hoạt động kinh doanh hợp lý, đem lại các khoản thu nhập cao nhất cho ngân hàng để bù đắp được các khoản chi phí đã bỏ ra và vẫn mang lại lợi nhuận cho ngân hàng.
b. Hình thức huy động vốn dân cư của ngân hàng
Hình thức huy động vốn càng phong phú thì ngân hàng càng có khả năng thu hút được nhiều nguồn. Do vậy các ngân hàng luôn tìm cách đa dạng hóa hình thức huy động để cạnh tranh thu hút tiền gửi từ dân cư. Ngân hàng có thể đưa ra nhiều loại hình tiền gửi tiết kiệm với nhiều kỳ hạn, các hình thức tiết kiệm dự thưởng hấp dẫn, tiết kiệm trả lãi bậc thang theo bậc về thời gian gửi tiền và quy mô gửi tiền ...
c. Vị thế, uy tín của ngân hàng
Nghiên cứu cho thấy, hành vi của người dân nước ta thường tin tưởng vào một ngân hàng hoạt động lâu năm hơn một ngân hàng mới thành lập, do vậy các Ngân hàng thương mại nhà nước thường có xu hướng huy động dân cư rất tốt. Mặc dù không phải tất cả các ngân hàng có thâm niên hoạt động lâu hơn, thì đều tốt hơn, mà vì ngân hàng nào hoạt động lâu năm, thì khách hàng có thể hiểu rõ về ngân hàng đó như: uy tín, thế lực trên thị trường, nguồn vốn, khả năng thanh toán chi trả... Do đó, các NHTM cần nâng cao uy tín thông qua các nghiệp vụ của mình, từng bước thỏa mãn tối đa nhu cầu của người gửi tiền, hoạt động kinh doanh có lãi và giữ chữ tín trong lòng khách hàng là tiền đề cho việc huy động vốn.
d. Hệ thống mạng lưới của ngân hàng
Ngân hàng có mạng lưới huy động vốn càng rộng rãi thì càng có khả năng thu hút được dân cư đến giao dịch. Các ngân hàng ở gần trung tâm tài chính, thành thị, khu đông dân cư…thường có khả năng huy động vốn cao. Đồng thời các ngân hàng cũng không ngừng mở rộng mạng lưới ra các vùng nông thôn, miền núi,vùng sâu vùng xa, tạo ra một mạng lưới huy động rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng gửi tiền.
e. Khả năng ứng dụng công nghệ trong triển khai hoạt động huy động vốn dân cư.
Hiện nay, khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão. Trong lĩnh vực ngân hàng việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến đã và đang giúp cho các ngân hàng đơn giản hóa quy trình giao dịch thanh toán cũng như hỗ trợ đắc lực trong việc cung ứng sản phẩm dịch vụ của mình. Công nghệ ngân hàng giúp ngân hàng mở rộng các kênh phân phối, cung cấp được các sản phẩm tiện ích hớn, giúp quy trình thanh toán, giao dịch diễn ra nhanh chóng, thuận tiện đồng thời cũng hỗ trợ ngân hàng trong vấn đề quản lí. Nhờ công nghệ hiện đại ngân hàng đã thu hút được sự quan tâm của ngân hàng tới sản phẩm dịch vụ của mình từ đó có thể dễ dàng huy động vốn từ nền kinh tế. Trong hoạt động huy động vốn dân cư, công nghệ giúp cho việc phát triển các sản phẩm thanh toán ứng dụng công nghệ cao (như tiết kiệm
online) và các kênh thu hút tiền gửi hiệu quả nhiều hơn rất nhiều so với truyền thống.
f. Đội ngũ nhân sự
Khách hàng luôn muốn giao dịch kinh doanh với các ngân hàng có trụ sở kiên cố và bề thế, có công nghệ hiện đại, có đội ngũ cán bộ công nhân viên nhiệt tình, có trình độ chuyên môn cao. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải đầu tư hiện đại hoá công nghệ, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên. Trong môi trường kinh doanh hiện nay, ngân hàng có thái độ phục vụ tốt sẽ chiếm được tình cảm của khách hàng, tạo được hình ảnh tốt đối với các khách hàng quen thuộc cũng như tiếp cận thêm được những khách hàng mới đến gửi tiền. Có thể nói ngân hàng cần phải chú trọng tới thái độ và phong cách phục vụ đối với khách hàng, nếu chất lượng dịch vụ và đội ngũ nhân sự tốt thì hoạt động huy động vốn sẽ gặp nhiều thuận lợi.
1.2.3.2. Nhân tố khách quan
a. Nhân tố kinh tế
Là yếu tố quan trọng ảnh hưởng mạnh mẽ và thường xuyên tới quá trình huy động vốn dân cư của ngân hàng. Sự ảnh hưởng này thông qua sự thay đổi của yếu tố sau: Sự biến động mang tính chu kỳ của nền kinh tế. Khi nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao thì ngân hàng có điều kiện gia tăng số vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và người dân vì đây là thời kỳ các tổ chức kinh tế làm ăn phát đạt, người dân có thu nhập cao hơn nên lượng tiền dành cho tiết kiệm cũng tăng. Tốc độ tăng trưởng cao cũng làm nhu cầu vốn trong nền kinh tế tăng mạnh, lãi suất cho vay tăng làm lãi suất huy động tăng là động lực và điều kiện thuận lợi cho ngân hàng đẩy mạnh công tác huy động vốn. Ngược lại, khi nền kinh tế suy thoái hoặc rơi vào khủng hoảng sẽ kéo theo sự sụt giảm thu nhập của các tổ chức kinh tế và người dân, làm sụt giảm lượng tiền gửi vào ngân hàng và giảm khả năng huy động vốn.
- Lạm phát: Nếu lạm phát tăng cao, lãi suất thực giảm, giá trị đồng tiền sụt giảm làm mất lòng tin của người gửi tiền kéo theo hiện tượng rút tiền ồ ạt làm hoạt động huy động vốn của ngân hàng gặp nhiều khó khăn.
- Tỷ giá: Đây là nhân tố tác động gián tiếp tới cơ cấu nguồn vốn huy động. Nếu tỷ giá giảm người dân sẽ có xu hướng tiết kiệm bằng nội tệ nhiều hơn. Đồng thời làm ảnh hưởng tới hoat động xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu giảm thu nhập làm giảm tiền gửi vào ngân hàng, nhất là các ngân hàng chuyên phục vụ các doanh nghiệp này. Khi đó ngân hàng thuận lợi trong việc huy động nội tệ nhưng việc huy động ngoại tệ lại gặp khó khăn làm cho cơ cấu nguồn vốn bất hợp lý.
b.Yếu tố an ninh chính trị và chính sách của chính phủ
- Chính sách của Chính phủ
Ngân hàng là một trung gian tài chính, hoạt động của ngân hàng có ảnh hưởng lớn tới hệ thống tài chính quốc gia. Do đó, hệ thống ngân hàng chịu sự điều chỉnh của rất nhiều quy định, chính sách của Nhà Nước.
Công tác huy động vốn của ngân hàng sẽ phát huy hiệu quả khi Chính phủ ban hành các quyết định, chỉ thị, văn bản… tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các NHTM hoạt động. Với các quy định, văn bản ban hành đồng bộ, kịp thời tới toàn hệ thống ngân hàng sẽ góp phần nâng cao khả năng tăng nguốn vốn huy động từ dân cư.
- An ninh chính trị
Đất nước có hệ thống luật pháp nghiêm minh, giữ vững được an ninh chính trị thì người dân sẽ có lòng tin vào Chính phủ và hệ thống ngân hàng, từ đó sẽ an tâm khi gửi tiền và ngược lại. Việt Nam hiện nay được đánh giá là quốc gia có nền chính trị và an ninh ổn định nhất trong khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho các NHTM Việt Nam hoạt động và đẩy mạnh công tác huy động vốn.
c. Đối thủ cạnh tranh
Sức ép cạnh tranh trên thị trường huy động vốn hiện nay là rất lớn: cạnh tranh giữa các ngân hàng trong nước với nhau; giữa ngân hàng với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài; giữa ngân hàng với các định chế tài chính khác như bảo hiểm, công ty tài chính, tiết kiệm bưu điện,... Sự cạnh tranh gay gắt này làm cho hiệu quả từ hoạt động huy động vốn dân cư của ngân hàng càng khó khăn hơn, đòi hỏi các ngân hàng phải nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường và đưa ra được
những sản phẩm tốt để thu hút khách hàng nhằm nâng cao hiệu quả huy động vốn dân cư.
d. Thu nhập của dân cư
Phân bố dân cư, thu nhập của người dân là một nguồn lực tiềm tàng có thể khai thác nhằm mở rộng quy mô huy động vốn của ngân hàng thương mại. Vì vậy những khu vực đông dân cư, với thu nhập cao thì sẽ dễ dàng hơn trong việc huy động vốn đối với ngân hàng.
Môi trường văn hoá như tập quán, tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt của dân cư ảnh hưởng nhiều đến quyết định kinh tế về tiêu dùng và tiết kiệm của người có thu nhập, mức độ chấp nhận rủi ro khi gửi tiền vào các tổ chức tín dụng hay quyết định chi tiêu số tiền nhàn rỗi của mình vào đầu tư bất động sản, chứng khoán...
1.3. Kinh nghiệm huy động vốn dân cư của một số ngân hàng thương mại Việt Nam và bài học cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt