Chương 1 CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
1.4. Các công trình nghiên cứu
Trong những năm qua các nhà khoa học nước ta đã quan tâm giải quyết tốt các vấn đề kỹ thuật và kinh tế nhiều công trình nghiên cứu về hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp đã được tiến hành, việc nghiên cứu và ứng dụng được tập trung và ngày càng phát huy hiệu quả các vấn đề như: Lai tạo các giống cây trồng mới có năng suất cao, bố trí luân canh cây trồng vật nuôi với từng loại đất, thực hiện thâm canh toàn diện, liên tục trên cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Điển hình một số nghiên cứu sau:
Nghiên cứu của Nguyễn Thị Ngọc Loan (2019) với đề tài: Thúc đẩy chuyển dịch đất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Chuyển dịch đất đai có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội, đóng góp tích cực trong việc giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội; tạo thêm nhiều việc làm, ổn định đời sống cho người dân nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp. Đề tài nghiên cứu về tác động của chuyển dịch đất nông nghiệp đến tăng trưởng và phát triển kinh tế, qua đó gợi mở một số vấn đề nhằm thúc đẩy chuyển dịch đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Bình (2017) với đề tài: “Sử dụng đất nông nghiệp bền vững tại thị xã Hương Trà”. Nghiên cứu đã lựa chọn và đề
xuất hướng sử dụng đất nông nghiệp cho các loại hình sử dụng đất của một thị xã/huyện điển hình vừa có khu vực gò đồi, đồng bằng và đầm phá – ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế, làm cơ sở cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững trên cơ sở vận dụng phương pháp đa chỉ tiêu (MCE) và hệ thống thông tin địa lý (GIS) để giải bài toán đánh giá đất đa chỉ tiêu (kết hợp với kết quả đánh giá thực trạng sử dụng đất, hiệu quả sử dụng đất của các loại hình sử dụng đất theo từng đơn vị đất đai). Xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về đánh giá tiềm năng đất đai trong sản xuất nông - lâm nghiệp ở các khu vực của thị xã Hương Trà trên quan điểm khai thác sử dụng đất hiệu quả, nhằm phục vụ tốt cho công tác quy hoạch sử dụng đất nói chung và đất nông nghiệp nói riêng trong tương lai.
Nghiên cứu của Trần Trọng Phương (2016) với đề tài: “Đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp và đề xuất một số giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái ở huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội”. Huyện Đan Phượng có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội thuận lợi cho phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái như: điều kiện đất đai, địa hình, vị trí địa lý. Trong giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện ở mức khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần ỷ trọng các ngành phi nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu đã đề xuất sản xuất nông nghiệp theo 3 tiểu vùng, trong đó: tiểu vùng 1- sông Đáy có 4 loại hình sử dụng đất và 20 kiểu sử dụng đất; tiểu vùng 2 ven sông Hồng: có 3 loại hình sử dụng đất và 13 kiểu sử dụng đất, trong đó tập trung phát triển loại hình sử dụng đất lúa màu với tổng diện tích 930 ha, chiếm 65,49% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của tiểu vùng; tiểu vùng 3 Tiên Tân: có 2 loại hình sử dụng đất và 9 kiểu sử dụng đất, trong đó tập trung phát triển: lúa xuân - hoa hồng (21,28%), ngô - lúa mùa - hoa (25,53%). Nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp của huyện Đan Phượng trong thời gian tới.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu mới chỉ giải quyết được phần nào những vấn đề được đặt ra trong việc sử dụng đất đai hiện nay. Có những mô
hình cho năng suất cây trồng cao, bảo vệ môi trường nhưng hiệu quả kinh tế thấp, có mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao trước mắt, song chưa có gì đảm bảo cho việc khai thác lâu dài, ổn định, đặc biệt có nơi còn làm huỷ hoại môi trường, phá huỷ đất. Vì vậy cần có các công trình nghiên cứu ở từng điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương để đưa ra các giải pháp thích hợp hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Chương 2
ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU