Cấu trúc thị trường tiền tệ liên ngân hàng Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam giai đoạn 2012 2015 (Trang 55 - 59)

Chương 2 : Hoạt động của thị trường tiền tệ liên ngân hàng Việt Nam

2.1. Quá trình hình thành và phát triển thị trường tiền tệ liên ngân hàng Việt Nam

2.1.2. Cấu trúc thị trường tiền tệ liên ngân hàng Việt Nam

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng Việt Nam được phân chia thành bốn thị trường bộ phận, bao gồm:

2.1.2.1. Thị trường cho vay, gửi tiền giữa các TCTD

Trong thời gian qua, thị trường cho vay gửi tiền (TTCVGT) đã có những bước tiến đáng kể, quy mô giao dịch ngày càng tăng qua các năm. Hoạt động cho vay, gửi tiền giữa các TCTD đã góp phần quan trọng giúp các

TCTD điều hòa vốn khả dụng. Các đối tượng đi vay, nhận tiền gửi trên thị trường chủ yếu là các TCTD nhỏ (các TCTD cổ phần). Một số TCTD lớn (Ngoại thương, Công thương, Á châu,..), có khả năng và uy tín trên thị trường đã trở thành những “trung tâm” cung ứng nguồn vốn khả dụng thông qua việc nhận tiền gửi, đi vay từ TCTD với lãi suất thấp và sau đó gửi tiền hoặc cho vay lại thành viên khác với lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch lãi. TCTD nước ngoài và một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài là những tổ chức cung ứng tiền đồng chủ yếu trên thị trường do có lợi thế huy động vốn, mạng lưới chi nhánh nằm ở những tụ điểm dân cư, thành phố, trong khi đó các TCTD cổ phần nhỏ chủ yếu đi vay, nhận tiền gửi trên thị trường do tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các TCTD cổ phần này rất nhanh.

Hiện nay, giao dịch cho vay, gửi tiền giữa các TCTD được thực hiện phi tập trung. Thị trường vẫn tồn tại tình trạng phân nhóm theo loại hình TCTD: TCTD nhà nước, TCTD cổ phần, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh. Các TCTD trong nhóm thường sẵn sàng hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn về vốn khả dụng với các điều kiện cho vay đơn giản hơn. Nhóm các chi nhánh NH nước ngoài cho vay, gửi tiền trong nhóm với mức lãi suất thấp hơn so với các nhóm khác. Khi các TCTD cổ phần nhỏ vay, các ngân hàng lớn thường yêu cầu phải có thế chấp với các điều kiện chặt chẽ hơn.

2.1.2.2. Thị trường mua, bán GTCG giữa NHNN với các TCTD qua Nghiệp vụ thị trường mở

Nghiệp vụ thị trường mở được NHNN đưa vào thực hiện từ 7/2000. Các giao dịch mua bán GTCG giữa NHNN với các TCTD qua NVTTM vừa được diễn ra trên thị trường sơ cấp (khi NHNN phát hành tín phiếu NHNN qua thị trường mở) vừa diễn ra trên thị trường thứ cấp (khi NHNN mua, bán lại các tín phiếu NHNN, tín phiếu Kho bạc và các loại GTCG khác với các

TCTD thành viên) qua hình thức giao dịch tập trung do NHNN tổ chức. Đến nay, NVTTM đã trở thành một trong các công cụ CSTT chủ yếu của NHNN để điều tiết vốn khả dụng của các TCTD. NVTTM là kênh để NHNN thu thập thông tin về tình hình nguồn vốn của các TCTD và tình hình TTTT làm cơ sở cho việc điều hành CSTT. Hoạt động NVTTM góp phần phát triển TTTT, hỗ trợ các TCTD sử dụng vốn có hiệu quả hơn. Quy mô NVTTM ngày càng được mở rộng, kỳ hạn giao dịch đa dạng phù hợp với tình hình vốn khả dụng của TCTD và nhu cầu điều tiết tiền tệ của NHNN. Cơ chế, quy trình nghiệp vụ ngày càng hoàn thiện: quy trình thanh toán được rút ngắn, từ thanh toán sau 2 ngày kể từ năm 2000, rút xuống còn 1 ngày vào năm 2001, và từ năm 2002 đến nay thanh toán ngay trong ngày thực hiện giao dịch. Định kỳ giao dịch cũng được rút ngắn, từ 10 ngày/phiên năm 2000 xuống còn 1 phiên/tuần vào năm 2001, 2 phiên/tuần vào năm 2002, 3 phiên/tuần từ tháng 11/2004, đến nay NHNN thực hiện theo định kỳ hàng ngày. Cuối năm 2004, NHNN áp dụng công nghệ trang Web trong giao dịch NVTTM cho phép thành viên kết nối trực tuyến với NHNN. Từ năm 2007 tới nay, NHNN áp dụng chương trình phần mềm AFD trong giao dịch NVTTM, tạo điều kiện thuận lợi cho NHNN và các TCTD thành viên tiếp cận thông tin liên quan đến NVTTM dễ dàng, thuận lợi hơn.

2.1.2.3. Thị trường mua, bán có kỳ hạn GTCG giữa các tổ chức tín dụng:

Hiện nay, các hoạt động mua, bán có kỳ hạn giữa các tổ chức tài chính ở Việt Nam còn tương đối ít, trong đó chủ yếu các giao dịch mua, bán có kỳ hạn là giữa các TCTD với nhau. Tuy nhiên, qua đợt khảo sát thị trường mua, bán GTCG tại Việt Nam trong tháng 4/2009 của chuyên gia ADB, chuyên gia ADB cho rằng phần lớn các giao dịch mua, bán có kỳ hạn GTCG tại Việt Nam là các giao dịch bán/mua lại chứ không phải là giao dịch repo [14].

Theo phân loại của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), giao dịch mua bán có kỳ hạn được phân loại thành (1) giao dịch mua lại (repo), (2) giao dịch bán/mua lại (sell/buy-backs) và (3) cho vay chứng khoán, theo đó, giao dịch mua lại được định nghĩa là việc bán một tài sản có (GTCG) kèm theo một hợp đồng mua lại tài sản có (GTCG) từ chính đối tác giao dịch [4]. Lãi suất áp dụng đối với giao dịch mua lại được điều chỉnh bởi giá bán và giá mua lại; Giao dịch bán/mua lại là hai giao dịch mua, bán hẳn độc lập nhau, áp dụng giá kỳ hạn (forward price) trên cơ sở giá giao ngay có tính tới mức sinh lợi theo lãi suất thị trường. Loại giao dịch này tương đối đơn giản về mặt pháp lý và nghiệp vụ thực hiện và được sử dụng phổ biến ở các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, giao dịch bán/mua lại không cho phép việc điều chỉnh giá theo giá thị trường và yêu cầu phải bổ sung phần giá trị thế chấp bị thiếu hụt, do đó, có thể dẫn tới rủi ro đối tác lớn hơn so với giao dịch cho vay chứng khoán hay giao dịch mua lại; Giao dịch cho vay chứng khoán là việc bên sở hữu chứng khoán cho đối tác vay chứng khoán để nhận được một khoản phí. Bên vay chứng khoán có nghĩa vụ phải chuyển lại số lượng chứng khoán tương đương của chứng khoán đã vay hoặc chuyển lại đúng chứng khoán đã vay. Nếu giao dịch vay chứng khoán kết hợp với cho vay lượng tiền mặt tương đương (tiền mặt được bên vay chứng khoán cho bên cho vay chứng khoán vay) thì các đặc điểm kinh tế của một hợp đồng mua lại được xác lập.

2.1.2.4. Thị trường mua, bán ngoại tệ liên ngân hàng

Năm 1999, NHNN ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng theo mô hình tập trung. Hiện có khoảng 65 TCTD là thành viên thị trường, thực hiện giao dịch qua trang giao dịch điện tử do Reuters cung cấp. Hàng ngày, thành viên thị trường phải báo cáo bằng FAX cho NHNN về giao dịch để NHNN xác định tỷ giá giao dịch liên ngân hàng bình quân. NHNN tham gia mua bán trên thị trường với vai trò là một

thành viên và can thiệp thị trường khi cần thiết. Việc thu thập thông tin về thị trường vẫn mang tính thủ công, gây bất tiện cho NHNN và các TCTD. Mặc dù hiện nay, các thành viên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng giao dịch tập trung qua mạng giao dịch điện tử Reuters, tuy nhiên, Reuters không cung cấp thông tin giao dịch của khách hàng cho NHNN do yêu cầu bảo mật đối với khách hàng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam giai đoạn 2012 2015 (Trang 55 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)