III. Phân ngành Có kìm (Chelicerata)
1. Lớp Giáp cổ (Palaeostraca) hay Miệng đốt (Merostomata)
Có 2 bộ là bộ Giáp lớn và bộ Đuôi kiếm.
1.1 Bộ Giáp lớn (Gigantostraca)
Hiện biết có khoảng 200 loài hoá thạch. Đây là chân khớp có kích thước lớn, cơ thể dài tới 2m, thoạt nhìn giống với bò cạp khổng lồ. Cơ thể có sơ đồ chung của có kìm: Phần đầu ngực có mắt đơn và mắt kép ở phía lưng, có 6 đôi phần phụ ở phía bụng (1 đôi kìm và 5 đôi chân nghiền có tấm gốc dùng để nghiền mồi). Sáu đốt bụng trước có phần phụ là nắp sinh dục trên đốt thứ 8 và các đôi chân mang ở các đốt tiếp theo (thường thiếu đôi chân trên đốt thứ 9). Lối sống của giáp lớn ở vùng biển nông, bơi chậm hay bò dưới đáy, một số sang nước ngọt hay chuyển lên trên cạn. Thức ăn của chúng là các động vật không xương sống như giáp xác, thân mềm, trùng ba thùy sống gần đó (hình 9.6B).
1.2 Bộ Đuôi kiếm (Xiphosura)
Xuất hiện ở đầu đại Cổ sinh, hiện nay chỉ còn 5 loài. Ở Việt Nam thường gặp 2 loài sam và so, được coi là hoá thạch sống.
Đặc điểm cấu tạo: Cơ thể đuôi kiếm có phần đầu ngực và bụng (ứng với bụng trước) tập trung thành 2 khối khớp động với nhau và tận cùng là gai đuôi (ứng với bụng sau) cũng khớp động với bụng. Trên giáp đầu ngực có mắt đơn và mắt kép, trên giáp bụng còn dấu vết của cơ ở bên trong. Đầu ngực mang 6 đôi phần phụ là đôi kìm ngắn và 5 đôi chân dài, tận cùng của chân là kìm (trừ đốt cuối). Mỗi chân đều có tấm nghiền ở gốc. Chân vừa là cơ quan chuyển
vận vừa là cơ quan bắt và nghiền mồi. Chân cuối là điểm tựa khi Đuôi kiếm đào đất, hang hốc để đẻ trứng. Bụng có 6 đôi phần phụ là nắp sinh dục hình tấm trên đốt thứ 8, che lỗ sinh dục ở gốc và 5 đôi chân mang. Chân mang là phần phụ 2 nhánh, dẹp thành tấm, có mang sách xếp dưới tấm ngoài... Chân mang vừa có chức năng bơi (đuôi kiếm bơi ngửa) vừa có chức năng hô hấp. Gai đuôi khoẻ, đầu ngọn gai tựa vào cát khi con vật di chuyển. Nội quan của đuôi kiếm còn giữ nhiều đặc điểm của tổ tiên: cơ quan bài tiết có 4 đôi tuyến háng (một dạng biến đổi của hậu đơn thận, hệ thần kinh bậc thang kép (hình 9.8).
Đuôi kiếm sống ở vùng nước biển nông, độ sâu phổ biến là 4 – 10m, đôi khi chúng phân bố sâu vào vùng cửa sông. Thức ăn của chúng là trai, ốc, giun đốt, động vật không xương sống khác sống ở đáy và tảo. Hiện nay còn lại 5 loài là Xiphosura polyphemus phổ biến ở vùng biển bắc và Trung Mỹ, Tachypleus gigas ở vịnh Thái Lan, T. tridentatus phân bố khá rộng, T. hoeveni ở quần đảo Molucca. Ở vùng biển nước ta thường gặp loài Carcimoscorpius rodunticauda và Tachypleus tridentatus
(họ Xiphosuridae). Vào tháng 7 - 8 sam lên bãi cát để sinh sản. Sam đực bám vào sam cái, sam cái đào hố đẻ trứng, sam đực tưới tinh dịch thụ tinh. Trứng lớn 1,5 – 3,3mm, giàu noãn hoàng, được cát giữ độ ẩm và nhiệt độ. Sau khoảng 6 tuần thì trứng nở thành ấu trùng giống trưởng thành nhưng thiếu gai đuôi. Sau nhiều lần lột xác hình thành sam trưởng thành.
Đuôi kiếm được dùng làm phân bón ở một số vùng biển châu Mỹ. Ở Đông Nam Á một số loài được dùng làm thức ăn. Gần đây máu của loài sam Tachypleus gigas
được dùng để chế một loại thuốc thử có giá trị thương mại cao được gọi là LAL (limulus amoebocyte lysate) dùng để kiểm tra nội độc tố do vi khuẩn gram âm sống trong ruột tiết vào máu (thuốc này có độ nhạy rất cao, có thể dùng thay thế vaxin thỏ vẫn được dùng trước đây.