Ngành này còn có tên gọi là Pentastomida (Năm lỗ miệng) là do lúc đầu người ta quan sát nhầm 2 đôi móc bám nằm sâu vào cơ thể ở quanh lỗ miệng trông giống như 4 lỗ miệng nữa. Sau này lấy tên hình lưỡi (Linguatulida) là vì cơ thể của chúng giống hình chiếc lưỡi của động vật có xương sống. Con trưởng thành ký sinh trong đường hô hấp và phổi của động vật có xương sống, chủ yếu là bò sát, chim và thú, kể cả người. Ấu trùng di chuyển trong vật chủ trung gian (thường là mồi săn của vật chủ chính).
Lấy cấu tạo cơ thể của loài Linguatula serrata làm ví dụ. Loài này trưởng thành ký sinh trong xoang mũi của thú ăn thịt như chó sói, chồn, chó nhà hay cả thú ăn cỏ như trâu, dê, bò, ngựa... (hình 8.8).
Ấu trùng chủ yếu sống ở thỏ rừng và thỏ nhà. Con cái dài tới 13cm, còn con đực thì bé hơn nhiều (không quá 2mm). Hình dạng cơ thể hơi nhọn ở đuôi, tiết diện cắt ngang hơi tròn. Có tầng cuticun không chứa kitin bọc ngoài, phân đốt ngoài
nhưng không phân đốt trong. Miệng nằm ở gần mút trước, hai bên có 2 đôi nhú có móc kitin tận cùng. Do đời sống ký sinh nên nhiều nội quan tiêu giảm như tuần hoàn, hô hấp, bài tiết. Bao cơ có cấu tạo theo kiểu giun đốt nhưng tế bào cơ lại cấu tạo theo kiểu chân khớp. Ruột là
một ống thẳng từ đầu đến cuối. Ở một số loài có tuyến trán tiết enzyme tiêu hoá mô vật chủ và tiết chất chống đông máu. Hạch thần kinh dưới hầu phát triển hơn nhiều so với hạch thần kinh trên hầu. Tuyến trứng hình ống, có 2 ống dẫn và 1 tử cung cùng với một đôi túi nhận tinh, lỗ sinh dục ở cuối cơ thể. Con đực có tuyến tinh, túi chứa tinh, 2 ống dẫn tinh và cơ quan giao phối kép, lỗ sinh dục ở phía trước, sau lỗ miệng. Trứng bé, cùng với dịch nhầy của mũi vương vãi và dính vào cây cỏ rồi vào dạ dày của thỏ. Trong dạ dày thỏ, trứng nở thành con non, có 2 nhú cơ có móc, phía trước có chủy là cơ quan khoan. Ấu trùng xâm nhập qua thành ruột, vào máu, di chuyển đến gan, màng treo ruột và các nội quan khác. Sau đó kết kén nằm bất động ở đó. Sau 1 vài tháng, ở vị trí ký sinh, ấu trùng lột xác lớn lên và đạt kích thước 4 – 6mm, giống với trưởng thành nhưng còn thiếu cơ quan sinh dục.
Hiện mới biết 95 loài thuộc 15 giống, 2 bộ là bộ Cephalobaeda và Porocephalida. Đại
diện có các giống như Porocephalus, Kiricephalus, Arinilifer... ký sinh trên rắn, trăn và có vật chủ trung gian là thú bé; các giống Sebekia, Leiperia, Diesingia... ký sinh ở cá sấu, có vật chủ trung gian là cá, giống Linguatula ký sinh ở thú ăn thịt có vật chủ trung gian là thú ăn cỏ. Việt Nam có loài Raillietiella orientalis ký sinh trong cơ thể các loài rắn hổ mang và rắn ráo.
Về vị trí phân loại của Hình lưỡi còn chưa được rõ ràng. Cơ thể có tầng cuticun bọc ngoài, có cơ vân, sinh trưởng và phát triển qua lột xác, đó là đặc điểm của động vật chân khớp. Tuy nhiên xếp chúng vào phân ngành nào của động vật chân khớp thì vẫn còn có các ý kiến khác nhau: Một số tác giả xếp chúng vào phân ngành Có kìm chủ yếu dựa vào sự giống nhau bề ngoài và có lối sống giống nhau giữa Hình lưỡi và Có kìm nội ký sinh. Một số khác lại xếp lớp này vào phân ngành Có mang do chúng có sự giống nhau về ấu trùng của chúng và ấu trùng naupilus của giáp xác.