Ngày 1/6/2002 NHNN thực hiện cơ chế lãi suất thoả thuận đối với VND ở mức 8,5% - 9,5%/năm, tỷ giá thị trường tự do tăng cao so với tỷ giá ở ngân hàng, tình hình ngoại tệ căng thẳng, một số ngân hàng thực hiện hoán đổi sang đồng tiền thứ ba, hợp thức hoá USD cho doanh nghiệp mua ngoại tệ trên thị trường tự do.
+ NHNN nới lỏng biên độ giao dịch tỷ giá, tăng quyền tự chủ cho các NHTM. Từ 1/7/2002 NHNN đã nới lỏng biên độ dao động để ổn định tỷ giá trên thị trường, biên độ giao dịch mua bán ngoại tệ của các tổ chức tín dụng đối với hầu hết các kỳ hạn giao dịch tăng lên ± 0,25% so với mức ± 0,10% trước đó đối với nghiệp vụ giao ngay; lên ± 0,50% so với mức ± 0,40% của nghiệp vụ giao dịch kỳ hạn 30 ngày; lên ± 2,53% so với mức ± 2,5% của nghiệp vụ giao dịch kỳ hạn trên 90 ngày. Việc điều chỉnh tăng biên độ đáp ứng yêu cầu của các TCTD cũng như của các doanh nghiệp có nhu cầu mua bán ngoại tệ với ngân hàng, không bị gò bó trong khuôn khổ chật hẹp như trước đây và phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngày 13/9/2002 NHHN ra quyết định 958/2002/QĐ-NHNN quy định quản lý ngoại hối đối với việc mua bán chứng khoán của tổ chức, cá nhân nước ngoài; sửa đổi phương pháp tính và tỷ lệ khống chế trạng thái ngoại hối của các TCTD. Năm 2003, NHNN cho phép các NHTM thực hiện nghiệp vụ quyền lựa chọn tiền tệ (Option), giảm tỷ lệ kết hối các doanh nghiệp xuống 0%. Các biện pháp trên giúp thu hút ngoại tệ, ổn định tỷ giá đem đến sự thặng dư của cán cân vốn, cán cân tổng thể mặc dù cán cân thương mại thâm hụt. Ngày 28/5/2004 NHNN đã cho phép các NHTM được thoả thuận tỷ giá kỳ hạn với khách hàng trên cơ sở chênh lệch lãi suất cơ bản do NHNN công bố và lãi suất USD của FED. Đây là một điểm đổi mới quan trọng trong điều hành chính sách tỷ giá, vì
chúng sẽ giúp làm giải toả tâm lý của thị trường về những kỳ vọng tương lai đối với các biến động tỷ giá.
+ Ngày 8/12/2004 NHNN ban hành quyết định số 1452/2004/QĐ-NHNN về điều chỉnh giao dịch hối đoái của các TCTD có hiệu lực thi hành thay thế những quy định được ban hành từ năm 1998. Nội dung quyết định trên đã mở rộng quyền giao dịch ngoại tệ; nới lỏng quy định về kiểm soát, cung cấp thêm cho thị trường công cụ phòng ngừa rủi ro Option; làm thị trường ngoại tệ diễn biến linh hoạt và tỷ giá phản ánh cung cầu ngoại tệ đúng đắn hơn. Từ năm 2004 – 2006, USD bị mất giá so với các đồng tiền chủ chốt nhưng vẫn lên giá so với VND gây bất lợi trong nhập khẩu. FED điều chỉnh tăng lãi suất liên tục nên rút ngắn chênh lệch lãi suất USD và VND, góp phần ổn định tỷ giá USD/VND. Ngày 1/6/2006 chính phủ ban hành Pháp lệnh ngoại hối theo hướng tự do hoá các mức lãi suất trong nghiệp vụ Option, không kiểm tra chứng từ giao dịch ngoại tệ, bỏ mức khống chế trần tỷ giá giao dịch kỳ hạn….các quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế theo hướng tự do hoá, giúp Việt Nam tiến sát đến việc gia nhập WTO. Quý III, quý IV/2006 vốn nước ngoài đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán tăng mạnh kéo theo dân chúng cũng chuyển đổi USD thành VND để đầu tư làm tỷ giá bán và tỷ giá mua công bố bằng nhau ở ngân hàng. Ngày 31/12/2006, NHNN ban hành quyết định 2554/QĐ-NHNN nới lỏng biên độ dao động tỷ giá USD/VND từ ±0,25% lên ±0,5%.
+ Tuy nhiên, trong năm 2005 đến 2006, tình hình thế giới bất ổn cùng với việc Mỹ tuyên chiến với các tổ chức và quốc gia có liên quan đến khủng bố và vũ khí hạt nhân làm USD giảm giá so với EUR, JPY nhưng lại tăng giá so với VND đẩy giá vàng tăng kỷ lục gây bất lợi cho xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam với các đối tác thương mại tăng cao, nhưng năm 2004 NHNN công khai duy trì tỷ giá biến động không quá 1% làm ảnh hưởng đến tính linh hoạt trong điều hành tỷ giá. IMF đã xếp Việt Nam trở lại nhóm các nước có cơ chế cố định truyền thống từ năm 2005.