3.1 .Phương hướng phát triển lao động trí thức nữ ở nước ta
3.2. Một số giải pháp cơ bản phát triển lao động trí thức nữ trong sự nghiệp
3.2.6. Cần có chính sách tôn vinh phù hợp
Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng các hình thức động viên về chính trị và tinh thần, các hình thức tôn vinh những trí thức có cống hiến xuất sắc. Điều đó được thể hiện ở việc thực hiện có nền nếp việc xét các chức danh khoa học và trao các giải thưởng quốc gia về văn hoá, khoa học; tặng thưởng huân chương, tuyên dương công trạng đối với những trí thức có công...
Chính sách tôn vinh trí thức nêu trên cũng thể hiện tư tưởng coi trọng hiền tài trong truyền thống dân tộc: “hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp…”. Tuy nhiên, còn nhiều lĩnh vực và đối tượng vẫn chưa được chú ý thoả đáng.
Nên chăng Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần có một giải thưởng dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực khoa học Xã hội và nhân văn. Ở đây chúng tôi nói thêm, hiện nay giải thưởng Kovalepxkaia - do nước ngoài tài trợ, là sự động viên khuyến khích rất lớn dành cho các nữ trí thức thuộc lĩnh vực KH&CN Việt Nam, nhưng đồng thời nó cũng tạo ra sự cách biệt lớn giữa các nhà khoa học nữ trên lĩnh vực này với các nhà khoa học nữ trên các lĩnh vực khác như xã hội và nhân văn. Nhiều chị rất xuất sắc trên lĩnh vực xã hội và nhân văn, có nhiều tài năng nhưng chưa nhận được sự động viên, khuyến khích kịp thời từ phía nhà nước, xã hội và các tổ chức quốc tế. Vì vậy, rất cần có những giải thưởng khác nhau dành cho các nhà khoa học xuất sắc trên các lĩnh vực khác nhau từ phía Nhà nước sẽ là nguồn cổ vũ lớn lao, một sự động viên tinh thần cũng như vật chất quan trọng đối với trí thức nữ. Đó cũng là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ nói chung và trí thức nữ nói riêng.
Ngoài ra, cũng rất cần có hình thức động viên, khen thưởng đối với đội ngũ trí thức nữ trẻ, bao gồm các nữ thư ký, nữ trợ lý biết tin học, giỏi ngoại ngữ, có trình độ chuyên môn nhất định. Nếu được chăm lo trở thành những trợ lý, thư ký giỏi, xuất sắc, một mặt họ sẽ giúp những chuyên gia “Đàn chị” tập trung vào việc lớn, mặt khác họ sẽ là các chuyên gia giỏi, tài năng trong tương lai. Đây chính là nhằm tạo ra đội ngũ kế cận và là một trong những
bước đi trong quy trình đào tạo cán bộ của Đảng và Nhà nước cần phải quan tâm.
3.2.7. Tuổi về hưu của nữ trí thức
Một vấn đề cần quan tâm hiện nay của trí thức nữ và đã trở thành kiến nghị chính thức của chị em với Đảng và Nhà nước, đó là việc xem xét lại tuổi về hưu của trí thức nữ, nhất là các chuyên gia nữ có trình độ thực sự, các nhà khoa học nữ tài năng hiện đang làm việc ở nhiều ngành phù hợp với sức khoẻ của phụ nữ. Không nên đồng loạt đặt tuổi về hưu của phụ nữ là 55. Làm như vậy sẽ hạn chế khả năng đóng góp của trí thức nữ. Bởi vì, phụ nữ sau khi tốt nghiệp ĐH thường phải thực hiện chức năng gia đình, sinh con, nuôi con (như phần trên đã đề cập). Như vậy, trên con đường phấn đấu gian khổ của lao động trí tuệ, chị em vừa phải gánh nặng gia đình (làm vợ, làm mẹ), lại phải chạy với tốc độ nhanh hơn nam giới có cùng trình độ và cùng độ tuổi từ 7 - 10 năm. Để đạt được kết quả hay vị trí như một nam giới có cùng bằng cấp thì chị em phải chi phí rất lớn về công sức và thời gian. Trên thực tế, trí thức nữ, nhất là trí thức nữ nghiên cứu khoa học, thường làm việc có hiệu quả cao khi con cái đã lớn, gia đình ổn định. Lúc đó, họ có nhiều thời gian chuyên tâm cho khoa học, đóng góp được nhiều hơn (hiện nay, một số nhà khoa học nữ ở độ tuổi 65 - 70 vẫn tham gia nghiên cứu khoa học và làm quản lý có hiệu quả, có uy tín cao). Do đó, tuổi về hưu của trí thức nữ nên chăng kéo dài thêm 5 - 10 năm, tức là khoảng 60 - 65 tuổi. Nếu thực hiện được giải pháp này sẽ tận dụng được sự đóng góp đáng kể của một bộ phận trí thức nữ có thực tài và thể hiện được quan điểm bình đẳng về giới.
Cần nhấn mạnh thêm rằng chính sách này chỉ nên áp dụng riêng cho trí thức nữ thôi. Với phụ nữ lao động chân tay nên vẫn là 55 tuổi thì được về hưu.
Một số trường đại học và Viện nghiên cứu hiện nay đã có chủ trương giữ lại những nhà khoa học có học hàm, học vị (cả nam và nữ) cho đến tuổi 65, thâm chí hơn tuổi 65. Chủ trương đó có cơ sở thực tế và xuất phát từ nhu cầu sử dụng, vì càng lâu năm, trí thức càng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và giảng dạy chuyên môn, họ cũng sẽ là những người đỡ
đầu cho các nhà khoa học trẻ, hướng dẫn thế hệ trẻ đi vào con đường nghiên cứu khoa học… Chủ trương này nên được hiện thực hoá và cần được Nhà nước đưa vào văn bản hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế sàng lọc, đánh giá khả năng của trí thức nữ trước khi xem xét tuổi về hưu của họ. Tránh tình trạng người giỏi chưa muốn về hưu thì “phải” về hưu, còn những người ít tài lại muốn và được ở lại vị trí công tác khi không đủ sức lực và tài năng. Chỉ có như vậy mới thu hút được những nữ trí thức có tài năng phục vụ lâu dài cho đất nước. Đó là trách nhiệm của những người quản lý, của những nhà làm công tác tổ chức.
Nói tóm lại, cần quán triệt hơn nữa quan điểm giới trong đào tạo, sử dụng và đãi ngộ trí thức nữ là một vấn đề lớn và bức thiết hiện nay. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi có quan điểm đúng đắn và sự hiểu biết đầy đủ khả năng, nhu cầu thực tiễn của trí thức nữ nước ta, nhằm tạo ra và phát triển tài nguyên trí tuệ của đất nước, phải có tầm nhìn chiến lược đối với sự nghiệp “trồng người” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi..
Chính sách đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đối với trí thức nữ vừa phải thống nhất với chính sách thuộc các lĩnh vực đó đối với trí thức nói chung, vừa phải đáp ứng những đòi hỏi đặc thù của những trí thức là nữ. Chính sách đó không đơn thuần là quyền lợi cho trí thức nữ, mà còn có quan hệ đến sự hưng thịnh của cả dân tộc, có liên quan đến nhịp độ phát triển của đất nước.
Một xã hội tiến bộ, ưu việt phải là xẫ hội tạo được những điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi để cho phụ nữ nói chung và trí thức nữ nói riêng đều có cơ hội phát triển tài năng, góp phần phát triển đất nước. Vì vậy, việc giáo dục tuyên truyền trong toàn xã hội về bình đẳng giới, đưa vấn đề giới vào việc xây dựng luật, lập kế hoạch và chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước là một việc làm cần thiết và cấp bách.
3.2.8. Tăng cường các chính sách xã hội đối với gia đình
Dù ở bất kỳ cương vị nào, phụ nữ đều phải dành thời gian và có trách nhiệm đối với gia đình.
Như đã trình bày ở chương 1, một đặc điểm đáng lưu ý ở nước ta, phần lớn phụ nữ thành đạt trong khoa học, quản lý thường là những phụ nữ có gia
đình ổn định, được chồng con giúp đỡ về cả vật chất, tinh thần. Hoàn cảnh này không phải ở đâu cũng có. Điều đó cho thấy, yếu tố gia đình rất quan trọng đối với phụ nữ Việt Nam nói chung và đối với trí thức nữ nói riêng, đòi hỏi các nhà làm chính sách quan tâm đặc biệt đến yếu tố này.
Do bị chi phối bởi công việc gia đình, chị em chịu thiệt thòi hơn nam giới trong việc học tập và nâng cao trình độ, nắm bắt thông tin và tham gia các hoạt động xã hội. Vì vậy, chính sách xã hội phải tập trung giảm nhẹ công việc gia đình cho phụ nữ. Ngoài các chính sách về tạo việc làm, tăng thu nhập cho trí thức nữ…đã nêu ở trên, Nhà nước cần quan tâm tăng cường các hệ thống dịch vụ gia đình nhằm giảm nhẹ công việc nội trợ cho phụ nữ, như: “công nghệ hoá” việc sản xuất các phương tiện, dụng cụ bếp núc nội trợ gia đình; Mở rộng và nâng cao chất lượng hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở y tế, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em; Cải tiến chế độ bảo hiểm xã hội, xây dựng và ban hành chế độ cân bằng trách nhiệm của nam giới trong việc cùng chăm sóc con cái và các thành viên trong gia đình.
Việc khuyến khích nam giới tham gia vào công việc chăm sóc gia đình cần phải được tăng cường và mở rộng. Theo kinh nghiệm ở một số nước công nghiệp phát triển, từ năm 1980, chế độ nghỉ đẻ đã thay đổi từ chỗ bảo vệ sức khoẻ người mẹ sau khi sinh, sang quyền chăm sóc con cái của cả cha và mẹ. Chế độ cho người cha nghỉ trông con được bổ sung thêm vào chế độ nghỉ đẻ của người mẹ. Chế độ này đã được áp dụng ở Mỹ từ năm 1994. Đặc biệt là các nước Bắc Âu đã đi rất xa trên phương diện này, nhất là Thuỵ Điển - đất nước mà phụ nữ được gọi là “những bà hoàng”. Đây là mô hình mới của Thuỵ Điển về sự bình đẳng giữa các giới. Ở nhà, trong các doanh nghiệp, trong lĩnh vực chính trị hay trước pháp luật, phụ nữ Thuỵ Điển trên thực tế đang trở nên bình đẳng với nam giới. Với khẩu hiệu “Không có bình đẳng trong xã hội nếu không có bình đẳng trong gia đình”, Thuỵ Điển đã có quy định “tháng của người cha” khi người vợ sinh nở. “Tháng của người cha”, người bố được hưởng 85% lương. Lương này không thể chuyển sang cho người mẹ nếu người bố không hưởng quyền ấy. Bình đẳng giới đã biểu hiện thành luật và trên thực tế ở Thuỵ Điển, vì vậy các nhà ngôn ngữ học cho biết:
không thể dịch khái niệm “chủ gia đình” sang tiếng Thuỵ Điển. Đây là mô hình mà nhiều nước đang hướng tới nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới - cơ sở và động lực cho phát triển xã hội.
Ở nước ta, trong một số cuộc toạ đàm, trao đổi giữa các nhà khoa học nữ và các nhà lập kế hoạch và làm công tác phụ nữ, chúng tôi thấy có một ý kiến có thể nghiên cứu là, tiền lương chi cho thời gian nghỉ đẻ của phụ nữ trong lĩnh vực làm công ăn lương, nên chăng phải do cả cơ quan bên chồng và cơ quan bên vợ chịu trách nhiệm trả. Như vậy có thể san sẻ gánh nặng chi phí cho những đơn vị có nhiều nữ tham gia và người nam giới cũng thấy trách nhiệm của mình trong khi vợ sinh đẻ.
Gia đình là tế bào của xã hội, sự ổn định và bền vững của hôn nhân, hạnh phúc và ấm no của gia đình có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của xẫ hội và tương lai của dân tộc. Ở đây cần nhấn mạnh đến gia đình của trí thức nữ. Những người mẹ có tri thức, có học vấn cao sẽ là điều kiện tốt để tạo ra thế hệ tương lai có chất ượng cao (cả về trí lực, thể lực và nhân cách). Vì vậy, chính sách xã hội đối với gia đình phải được coi là một chiến lược quốc gia, lâu dài, toàn diện gắn bó với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tăng trưởng kinh tế, đổi mới chính trị phải nhằm nâng cao phúc lợi cho gia đình, tạo sự ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc cho các thành viên trong gia đình, nhất là cho người phụ nữ. Do đặc thù của trí thức nữ và vai trò của họ, bên cạnh các chính sách chung cho tất cả các gia đình, cần có những chính sách cụ thể cho một số đối tượng đặc biệt, lưu ý đến các gia đình mà ở đó người phụ nữ là những người hoạt động trí tuệ - một dạng lao động đặc thù.
Thực hiện hài hoà hai chức năng gia đình và xã hội đối với phụ nữ là một công việc thật khó, đối với trí thức nữ lại khó hơn. Bởi vì hoạt động trí tuệ đòi hỏi phải có thời gian, phải có sự yên tĩnh và tập trung cao mà những yếu tố ấy lại rất thiếu đối với trí thức nữ hiện nay. Chúng ta không mong ngày càng có nhiều chị em không làm vợ, làm mẹ mà chỉ hoạt động xã hội, chúng ta cũng không muốn ngày càng có nhiều chị em chỉ an phận, chí thú công việc gia đình, chăm sóc chồng con, làm việc cầm chừng, ngại “ganh
đua”, “đụng độ” để tiến lên, chỉ lấy mục tiêu thành đạt của chồng, con làm nguồn an ủi động viên mình. Vì vậy, muốn có được sự hài hoà khi thực hiện hai chức năng này, đòi hỏi nhiều điều kiện.
Trước hết, bản thân người trí thức nữ phải luôn tự nâng cao trình độ, năng lực lên ngang tầm sự phát triển của xã hội; biết tổ chức tốt cuộc sống gia đình, biết phân công lao động gia đình và chi tiêu một cách hợp lý để giảm nhẹ nỗi nhọc nhằn cho bản thân và chủ động được quỹ thời gian, điều kiện vật chất.
Thứ hai, trong gia đình, nam giới với vai trò người chồng, người cha, người con, biết san sẻ, gánh vác trách nhiệm trong gia đình, cùng chia sẻ công việc, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người vợ, người mẹ hoàn thành công việc, và, quan trọng hơn là đánh giá đúng, biết trân trọng thành quả lao động chất xám của người vợ, người mẹ.
Thứ ba, việc thực hiện hài hoà hai chức năng gia đình và xã hội của người trí thức nữ không chỉ vì lợi ích, hạnh phúc của gia đình mà còn vì lợi ích, vì hạnh phúc của toàn xã hội. Do vậy, cần có sự tác động của toàn xã hội, của cộng đồng; trong đó, việc tạo ra dự luận xã hội rộng rãi nhằm thúc đẩy, khuyến khích phụ nữ nói chung và trí thức nữ nói riêng say mê học tập, tích cực lao động và lao động có hiệu quả cao là điều cần thiết… Các hệ thống thông tin đại chúng cần góp phần làm cho toàn xã hội nhận rõ được giá trị, vai trò của trí tuệ và sự cần thiết trọng dụng nhân tài đối với sự phát triển của đất nước; nhận thức sâu sắc được việc nâng cao học vấn, trình độ khoa học, công nghệ cho phụ nữ là một việc làm hết sức cần thiết cho cuộc sống gia đình, xã hội, là một việc làm thiết thực không chỉ cho một nửa xã hội, cho hôm nay mà cho toàn xã hội và cho nhiều thế hệ mai sau. Đồng thời động viên, khuyến khích nam giới chia sẻ công việc gia đình với phụ nữ. Nhà nước cần đánh giá đúng giá trị công việc gia đình. Công việc sinh con và nuôi con phải được coi có ý nghĩa xã hội to lớn để mọi người đều phải chia sẻ trách nhiệm, giúp cho người phụ nữ có điều kiện để nâng cao trình độ và chuyên môn. “Công nghệ hoá” và “dịch vụ hoá” các công việc nội trợ gia đình phải hướng vào việc phục vụ toàn dân trên cơ sở đảm bảo chất lượng và giá cả dễ
chấp nhận, giúp cho nữ trí thức có điều kiện hưởng lợi từ những thành quả phát triển của khoa học, công nghệ đó.
Gia đình là nền tảng của xã hội, gia đình cũng là tổ ấm của người phụ nữ nói chung, nữ trí thức nói riêng. Nữ trí thức chỉ có thể có những cống hiến trí tuệ lớn khi tổ ấm của họ được bảo vệ và giữ gìn.
3.2.9. Nâng cao ý chí phấn đấu vươn lên của bản thân nữ trí thức