Đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ tín dụng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chất lượng tín dụng bán lẻ của ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh tỉnh tuyên quang (Trang 81 - 83)

4.2. Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động TDBL tại BIDV Chi nhánh

4.2.4. Đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ tín dụng

Yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của bất cứ một hoạt động nào trên mọi lĩnh vực. Đối với hoạt động TDBL thì yếu tố con người lại càng đóng một vai trò quan trọng, nó quyết định đến chất lượng TDBL của NHTM và từ đó quyết định đến hiệu quả tín dụng của Ngân hàng. Các giải pháp cần thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực TDBL như sau:

* Nâng cao kiến thức: Trong thời đại ngày nay thì một cán bộ tín dụng không chỉ phải giỏi về nghiệp vụ mà còn cần phải có kiến thức rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau như nhà đất, tin học… Do vậy, Chi nhánh cần thường xuyên tiến hành tổ chức các khóa học cho cán bộ nhân viên, đặc biệt là các cán bộ trẻ, còn thiếu kinh nghiệm.

* Chính sách sử dụng nguồn nhân lực: Cần phải có chính sách sàng lọc, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực có chất xám đang làm việc tại ngân hàng. Để thực hiện chính sách đó, ngân hàng cần phải giải quyết tốt các vấn đề sau:

- Thứ nhất, cần thực hiện phân loại chất lượng, tiêu chuẩn nhân viên thông qua hệ thống chấm điểm. Hệ thống chấm điểm dựa trên các tiêu chuẩn: năng suất làm việc, mức dư nợ cho vay, mức dư nợ huy động, số khách hàng tăng thêm... để đánh giá một cách chính xác hơn về năng lực làm việc của mỗi cán bộ nhân viên.

- Thứ hai, cần áp dụng cơ chế ưu đãi đối với đối tượng nhân lực có trình độ cao. Có thực hiện được cơ chế này mới đảm bảo khả năng không để mất nhân tài, đảm bảo nguồn chất xám của ngân hàng. Chấp nhận cho họ có mức lương cao hơn, tạo điều kiện được nghiên cứu, học tập, có thời gian làm việc linh động hơn những nhân viên khác. Thứ ba, xây dựng môi trường cạnh tranh trong công việc cho cán bộ, tạo thêm cơ chế thưởng phạt và được quy định rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi tạo động lực thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, tính năng động sáng tạo của mỗi cán bộ.

* Hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn: Ngân hàng luôn có một lượng khách hàng đa dạng, hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, trong khi đó, nhân viên của ngân hàng chỉ được đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế tài chính, kế toán. Vì thế, để hỗ trợ hiệu quả hơn trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là trong công tác thẩm định tín dụng, tư vấn đầu tư cần phải có một đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực như: xây dựng cơ bản, cơ khí dân dụng, cơ khí ô tô, dược phẩm, luật pháp... Đội ngũ này có thể không cần phải có mặt ở từng Chi nhánh mà có thể lập thành một phòng chuyên gia tại Hội sở Chính của BIDV để có thể tham gia tư vấn cho từng Chi nhánh khi cần thiết. Cần sử dụng những chuyên gia giỏi chuyên nghiên cứu về rủi ro và quản trị rủi ro làm hạt nhân trong việc tham mưu cho lãnh đạo Chi nhánh và trong việc phổ cập kiến thức và kinh nghiệm của cán bộ tín dụng về rủi ro và quản trị rủi ro.

* Tạo sự tin cậy: Sự tin cậy của nhân viên vào ngân hàng là một điều quan trọng, đảm bảo cho nhân viên luôn an tâm về công việc, có tinh thần cống hiến hết mình cho công việc, đem lại hiệu quả lao động cao. Chính hiệu quả kinh doanh của cả hệ thống sẽ đem lại sự tin cậy của nhân viên. Khi có một công việc ổn định cộng với một mức thu nhập hấp dẫn kèm theo cơ hội được thăng tiến công bằng thì các nhân viên sẽ toàn tâm toàn ý cống hiến toàn bộ trí lực cho công việc của mình.Vì thế, các nhà quản trị phải luôn đem lại cho các nhân viên sự an tâm, tạo được sự tin cậy để giữ được nguồn nhân lực ổn định.Và ngược lại, chính sự nỗ lực cống hiến của nhân viên sẽ đem lại hiệu quả kinh doanh cho toàn ngân hàng.

* Khả năng quản trị của ban lãnh đạo: Giữ vững và phát triển được nguồn nhân lực chính là do khả năng quản trị của lãnh đạo doanh nghiệp nói chung và lãnh đạo ngành ngân hàng nói riêng. Nhờ khả năng quản trị của lãnh đạo mà thu hút được nhân tài do những chính sách tuyển dụng hợp lý, có thể

sử dụng mức lương trả cho nhân viên để giữ chân họ ở lại với ngân hàng. Khi một ngân hàng có được đội ngũ nhân lực giỏi về nghiệp vụ và đạo đức thì ngân hàng đó chắc chắn sẽ luôn luôn lớn mạnh, phát triển. Việc tổ chức các khoá đào tạo quản trị cho các nhân viên chưa phải là lãnh đạo cũng rất cần thiết. Từ các khoá học đó, nhân viên ngân hàng sẽ thấy được những khó khăn mà một nhà lãnh đạo gặp phải, và từ đó sẽ gắn bó, chia sẻ những khó khăn đó, giúp nhà lãnh đạo làm tốt công việc của mình. Qua khoá học sẽ phát hiện ra các nhân viên thực sự có khả năng lãnh đạo để bổ sung họ vào chức lãnh đạo khi mở thêm giao dịch chi nhánh, không cần phải tuyển thêm các nhà lãnh đạo bên ngoài. Khoá học cũng giúp nhân viên hiểu được rằng, cơ hội trở thành lãnh đạo của tất cả các nhân viên là như nhau, từ đó sẽ có gắng trau đồi bản thân, hoàn thành tốt mọi công việc được giao để có khả năng trở thành lãnh đạo.

* Hoạt động tuyển dụng: Xây dựng kế hoạch tuyển dụng cán bộ cho từng năm, theo đúng tiêu chuẩn, phù hợp với nhu cầu thực tế của chi nhánh. Phối hợp chặt chẽ với các trường đại học để thực hiện đào tạo và tuyển dụng lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu của ngân hàng. Thực hiện tốt quy trình tổ chức thi tuyển theo tiêu chuẩn, đảm bảo công khai, minh bạch, tuyển chọn những cán bộ có trình độ đáp ứng yêu cầu của chi nhánh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chất lượng tín dụng bán lẻ của ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh tỉnh tuyên quang (Trang 81 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)