Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình chuyển dịch cơ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành ở tỉnh sơn la theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 35 - 37)

2.1. Đặc điểm của Sơn La ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành

2.1.2. Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình chuyển dịch cơ

* Thuận lợi

Do đặc điểm điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế xã hội nói trên, Sơn La có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Sơn La có tuyến trục giao thông đường bộ quan trọng là quốc lộ 6, vừa được nâng cấp thành đường cấp 3 miền núi chạy qua tỉnh là tuyến đường huyết mạch nối vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra còn có quốc lộ 27, quốc lộ 43, quốc lộ 279 đều là những tuyến đường quan trọng nối Sơn La với các tỉnh lân cận.

Sơn La có đường biên giới chung với nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào dài 250km; có các cửa khẩu Quốc gia Chiềng Khương, Lóng Sập là lợi thế để Sơn La thông thương giao lưu kinh tế với các vùng của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Sơn La còn là địa bàn có vị thế rất quan trọng trong chiến lược xây dựng và phòng thủ đất nước.

Khí hậu Sơn La mang tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa có pha trộn khí hậu ôn đới do tính chất phức tạp của địa hình chia cắt (nhiều vùng khí hậu) thích hợp để phát triển một tập đoàn cây trồng, con nuôi phong phú đa dạng phát huy lợi thế các yếu tố sinh thái mà không phải bất cứ vùng nào cũng có được. Mỗi năm Sơn La có từ 22 - 24 vạn tấn ngô, đậu tương hàng hoá là nguồn nguyên liệu cho chế biến thức ăn gia súc.

Đất đai: Đa số đất đai còn tốt, màu mỡ. Diện tích đất có khả năng khai thác đưa vào sản xuất nông lâm nghiệp có tới 82,8 vạn ha (trong đó đất nông nghiệp 24,8 vạn) để trông cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi và trồng rừng.

Nằm trên địa bàn núi cao, song nhờ có cao nguyên rộng và tương đối bằng phẳng có ưu thế phát triển một cơ cấu nông nghiệp đa dạng, có quy mô tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá và xuất khẩu.

Ngành công nghiệp Sơn La trong những năm gần đây đã hình thành các nhóm ngành phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, các sản phẩm sản xuất ra ngày càng đa dạng về chủng loại, chất lượng được nâng cao. Tốc độ chuyển dịch của ngành công nghiệp ngày càng tăng, khi nhà máy thuỷ điện Sơn La đi vào hoạt động.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, con em các dân tộc Sơn La được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ (các trường học được xây kiên cố, các lớp tạo nguồn, các lớp cử tuyển của Trung ương và địa phương...) đây chính là nhân lực quan trọng của tỉnh.

* Những khó khăn

Sơn La là một tỉnh miền núi biên giới, kinh tế - xã hội chậm phát triển trình độ dân trí thấp, do vậy khó khăn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế là rất lớn.

Sơn La nằm quá sâu trong nội địa, địa hình bị chia cắt lưu thông chủ yếu bằng đường bộ chất lượng thấp do đó làm giảm đáng kể khả năng thu hút đầu tư phát triển.

Yếu tố bất lợi của khí hậu: Mùa mưa tập trung, mưa lớn tháng 5, 6, 7, 8 chiếm 80% tổng lượng mưa cả năm dễ gây lũ quét, lũ ống, dễ gây rửa trôi, xói mòn đất. Ngược lại mùa khô lượng mưa nhỏ thường gây hạn cho cây trồng, thiếu thức ăn cho gia súc, đặc biệt là gia súc ăn cỏ, thiếu nước phục vụ cho chăn nuôi. Kèm theo đó còn có những yếu tố bất lợi khác là sương muối, gió khô nóng.

Kết cấu hạ tầng còn nghèo nàn lạc hậu, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nhiều thôn bản chưa được nâng cấp, hạn chế lớn trong việc đi lại của người dân và vận chuyển hàng hoá.

Trình độ các dân tộc không đều. Một bộ phận lao động dân tộc ít người còn duy trì tập quán chăn nuôi lạc hậu, thả rông gia súc, khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế, Do vậy sản xuất chưa có tích luỹ, không có điều kiện tái sản xuất mở rộng.

Sản xuất công nghiệp địa phương còn nhỏ lẻ, phân tác, đặc biệt là công nghiệp chế biến sau thu hoạch, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, nên các sản phẩm nông, lâm sản chủ yếu vẫn còn ở dạng nguyên liệu nên giá trị kinh tế thấp. Các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có đều trong tình trạng quy mô nhỏ, công nghệ và trạng thiết bị lạc hậu nên năng suất và sản phẩm có chất lượng thấp, thiếu sức cạnh tranh.

Với địa bàn là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hoá nên có nhiều thuận lợi nhưng với mặt trái của cơ chế thị trường vẫn còn diễn ra nhiều như: buôn lậu, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm...ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển.

Sự thiếu hụt về lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật là một trở ngại lớn đối với sự phát triển của tỉnh chuyển sang giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành ở tỉnh sơn la theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 35 - 37)