CHƯƠNG 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.2. Phương pháp nghiên cứu:
2.2.1. Phương pháp tiếp cận:
Các nhận định tri thức, các chiến lược, và các phương pháp cùng góp phần làm cho một cách tiếp cận nghiên cứu có xu hướng là nghiên cứu định tính, định lượng, hay kết hợp. Các định nghĩa sau đây có thể giúp làm rõ hơn ba cách tiếp cận:
2.2.1.1.Tiếp cận định lượng: luận văn không sử dụng phương pháp này, vì lượng mẫu nghiên cứu không lớn, đồng thời phương pháp định tính có thể phỏng vấn sâu trong quá trình hội thảo để đánh giá kỹ hơn về các vấn đề nghiên cứu và đánh giá được cả hành vi con người.
2.2.1.2.Tiếp cận định tính:
Là cách tiếp cận trong đó nhà nghiên cứu thường đưa ra các nhận định tri thức chủ yếu dựa vào các quan điểm xây dựng (nghĩa là các ý nghĩa từ kinh nghiệm của nhiều cá nhân, các ý nghĩa được xây dựng về mặt xã hội và lịch sử, với dự định triển khai một lý thuyết hay phương thức diễn tiến) hay các quan điểm ủng hộ/ tham gia (nghĩa là quan điểm chính trị, đặt trọng tâm vào vấn đề, tinh thần cộng tác, hay hướng tới sự thay đổi) hay cả hai. Cách tiếp cận này sử dụng các chiến lược tìm hiểu như tường thuật, hiện tượng học, dân tộc học, nghiên cứu lý thuyết cơ sở, hay nghiên cứu tình huống. Nhà nghiên cứu thu thập những thông tin mới xuất hiện, có kết thúc mở, với dự định triển khai các chủ đề từ số liệu.
Luận văn được hoàn thành trên cơ sở sử dụng các phương pháp nghiên cứu truyền thống, phân tích và tổng hợp các số liệu thứ cấp theo cách tiếp cận hệ thống. Các số liệu thứ cấp bao gồm các tài liệu thống kê, báo cáo đã được công bố của Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Nghiên cứu giáo trình, tài liệu tham khảo; các tạp chí chuyên ngành để tìm hiểu về định hướng, chính sách của Nhà nước, tìm hiểu về lĩnh vực truyền
tải điện ở các nước khu vực châu á, các nghiên cứu chuyên sâu về chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Trong Luận văn đã sử dụng các phương pháp phân tích như phân tích ma trận SWOT, vốn là phương pháp phân tích được sử dụng phổ biến trong phân tích chiến lược.
2.2.1.3.Tiếp cận theo các phương pháp kết hợp:
Là cách tiếp cận trong đó nhà nghiên cứu có xu hướng đưa ra nhận định tri thức dựa vào các nền tảng thực dụng (ví dụ như định hướng hệ quả, đặt trọng tâm vào vấn đề, và đa nguyên). Cách tiếp cận này triển khai các chiến lược tìm hiểu liên quan đến việc thu thập số liệu một cách tiếp nối hay đồng thời để tìm hiểu vấn đề nghiên cứu một cách tốt nhất. Việc thu thập số liệu cũng liên quan đến việc tập hợp các thông tin bằng số (ví dụ như dựa vào các công cụ thu thập số liệu) cũng như các thông tin bằng chữ (ví dụ như dựa vào các cuộc phỏng vấn) sao cho cơ sở dữ liệu sau cùng tiêu biểu cho cả hai loại thông tin định lượng và định tính.
2.2.2. Phương pháp thu thập số liệu:
Phương pháp này là dựa trên nguồn thông tin sơ cấp và thứ cấp thu thập được từ những tài liệu nghiên cứu trước đây để xây dựng cơ sở luận cứ để chứng minh giả thuyết.
2.2.2.1 Phương pháp thu thập số liệu sơ cấp:
Đó là những dữ liệu chưa qua xử lý, được thu thập lần đầu, và thu thập trực tiếp từ các đơn vị của tổng thể nghiên cứu thông qua các cuộc điều tra thống kê. Dữ liệu sơ cấp đáp ứng tốt yêu cầu nghiên cứu, tuy nhiên việc thu thập dữ liệu sơ cấp lại thường phức tạp, tốn kém. Để khắc phục nhược điểm này, người ta không tiến hành điều tra hết toàn bộ các đơn vị của tổng thể, mà chỉ điều tra trên 1 số đơn vị gọi là điều tra chọn mẫu.
Tác giả thu thập dữ liệu sơ cấp thông qua việc phỏng vấn trực tiếp, lấy ý kiến chuyên gia và thông qua thảo luận nhóm. Từ đó, tác giả phân tích, tổng
hợp, so sánh, đối chiếu, diễn giải, quy nạp và thống kê để có được những kết luận tin cậy. Các chuyên gia được phỏng vấn bao gồm cả ở trong và ngoài Công ty. Trong Công ty, các chuyên gia được phỏng vấn là những lãnh đạo và chuyên viên của bộ phận tổ chức nhân sự (TCNS); Các chuyên gia bên ngoài là các nhà khoa học, các giảng viên chuyên sâu về quản trị chiến lược. Thảo luận nhóm được tiến hành với các bộ phận phòng ban của Công ty. Các thảo luận được bàn về các chủ đề có liên quan của chiến lược nhưng có gắn với công việc của các bộ phận được thảo luận đó.
2.2.2.2 Phương pháp thu thập số liệu thứ cấp:
Dữ liệu thứ cấp là dữ liệu do người khác thu thập, sử dụng cho các mục dích có thể là khác với mục đích nghiên cứu của chúng ta. Dữ liệu thứ cấp có thể là dữ liệu chưa xử lý (còn gọi là dữ liệu thô) hoặc dữ liệu đã xử lý. Như vậy, dữ liệu thứ cấp không phải do người nghiên cứu trực tiếp thu thập.Tuy nhiên trong luận văn các số liệu trích dẫn để nghiên cứu trình bày trong luận văn, tác giả thu thập chủ yếu từ số liệu thứ cấp.
Tác giả tìm kiếm tài liệu sách báo chuyên ngành thông qua thư viện, các trang mạng điện tử, các báo cáo, kết luận cuộc họp, quy định nội bộ, quy trình nội bộ...sau đó phân loại. Sau khi phân loại tôi đã xác định các vấn đề liên quan cần đọc. Khi nghiên cứu tài liệu, tác giả đánh đánh dấu toàn bộ các thông tin cần thiết phục vụ cho việc tra cứu sau này. Một số thông tin đã được trích dẫn trực tiếp, một phần được tổng hợp hoặc khái quát ý để diễn đạt lại trong luận văn. Các dữ liệu thứ cấp về thực trạng chiến lược phát triển của PTC1 được thu thập chủ yếu từ các nguồn:
Từ PTC1: Phòng, Ban chức năng của PTC1 như Văn phòng; Phòng TCNS; Phòng tài chính kế toán; Phòng KT; Phòng VT&CNTT; các Truyền tải điện khu vực; trang điện tử http://www.ptc1.com.vn; Các ban của Tổng
Công ty truyền tải điện Quốc gia như: Ban TCNS, Ban KT, Ban VT&CNTT, Ban tổng hợp….. trên internet các bài viết về hoạt động Truyền tải điện.
2.2.3. Phương pháp chuyên gia:
Phương pháp chuyên gia là phương pháp điều tra qua đánh giá của các chuyên gia về vấn đề, một sự kiện khoa học nào đó. Thực chất đây là phương pháp sử dụng trí tuệ, khai thác ý kiến đánh giá của các chuyên gia có trình độ cao để xem xét, nhận định một vấn đề, một sự kiện khoa học để tìm ra giải pháp tối ưu cho vấn đề, sự kiện đó. Phương pháp chuyên gia rất cần thiết cho người nghiên cứu không chỉ trong quá trình nghiên cứu mà còn cả trong quá trình nghiệm thu, đánh giá kết quả, hoặc thậm chí cả trong quá trình đề xuất giả thuyết nghiên cứu, lựa chọn phương pháp nghiên cứu, củng cố các luận cứ…..
Phương pháp chuyên gia là phương pháp có ý nghĩa kinh tế, nó tiết kiệm về thời gian, sức lực, tài chính để triển khai nghiên cứu. Tuy nhiên nó chủ yếu dựa trên cơ sở trực cảm hay kinh nghiệm của chuyên gia, vì vậy chỉ nên sử dụng khi các phương pháp không có điều kiện thực hiện, không thể thực hiện được hoặc có thể sử dụng phối hợp với các phương pháp khác. Để sử dụng có hiệu quả phương pháp chuyên gia, người nghiên cứu cần chú ý:
+ Lựa chọn đúng chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm về lĩnh vực nghiên cứu, trung thực, khách quan trong nhận định, đánh giá.
+ Lựa chọn những vấn đề cần tham vấn với những mục đích cụ thể để sử dụng chuyên gia phù hợp
2.2.4 Phương pháp xử lý dữ liệu: * Phương pháp xử lý dữ liệu sơ cấp * Phương pháp xử lý dữ liệu sơ cấp
Sau tiến hành phỏng vấn cần phân loại các thông tin thu được theo từng mục nội dung.
- Kiểm chứng độ tin cậy của thông tin.
* Phương pháp xử lý dữ liệu thứ cấp
Sau khi thu thập các tài liệu thứ cấp cần tiến hành phân loại theo các dạng: - Tài liệu cung cấp các cơ sở lý thuyết
- Tài liệu có tính chiến lược.
- Tài liệu báo cáo kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.
- Tài liệu tham khảo dạng hội thảo, hội nghị và các bài đánh giá, phân tích về Công ty.
Việc phân loại sẽ giúp đưa ra những nội dung cơ bản của từng loại tài liệu để làm căn cứ phân tích,tiến hành tổng hợp và so sánh. Cách phân tích dữ liệu và trình bày kết quả:
- Đưa ra các đánh giá tổng quát, đánh giá chung với các thống kê, mô tả. - Đưa ra các biểu đồ, đồ thị, hình vẽ minh họa dựa trên số liệu thu thập được. So sánh mối liên hệ giữa các đại lượng để đưa ra những đánh giá sâu hơn và rút ra kết luận.
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
Chương này trình bày tóm tắt lý thuyết liên quan đến qui trình nghiên cứu, các phương pháp nghiên cứu về tiếp cận, thu thập số liệu, phân tích số liệu, phương pháp chuyên gia, thiết kế nghiên cứu, để từ đó có thể làm cơ sở nền tảng cho việc phân tích đánh giá, nghiên cứu xây dựng luận văn ở các chương tiếp theo.
CHƯƠNG 3: PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, TÌNH HÌNH XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN
TẠI CÔNG TY TRUYỀN TẢI ĐIỆN 1