Vai trò của việc thực thi chính sách hợp tác Công – Tư

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực thi chính sách tư nhân hóa trong phát triển cơ sở hạ tầng hàng không nghiên cứu trường hợp cảng hàng không quốc tế vân đồn (Trang 42 - 46)

5. Kết cấu luận văn

1.5. Vai trò của việc thực thi chính sách hợp tác Công – Tư

1.5.1. Phát triển cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ phát triển KT – XH

Đối với quốc gia nào trên thế giới, cơ sở hạ tầng cũng có vị trí vô cùng quan trọng, thúc đẩy phát triển KT – XH. Cơ sở hạ tầng luôn được coi là nền tảng, là mạch máu của nền kinh tế . Nếu phát triển cơ sở hạ tầng liên thông, áp dụng công nghệ hiện đại thì sẽ có cơ sở vững chắc để xây dựng nền kinh tế mạnh mẽ, tăng trưởng nhanh, hiệu quả. Trong khi đó, nếu không chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng thì sẽ dẫn đến hệ lụy là nền kinh tế kém phát triển.

Phát triển cơ sở hạ tầng đã được Đảng xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược nhằm phát triển kinh tế, bên cạnh hoàn thiện thể chế và phát triển khoa học công nghệ. Nhu cầu đầu tư hiện rất lớn, tuy nhiên nguồn lực vẫn hết sức hạn chế. Hiện tại Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, từ vấn đề tụt hậu, thoát bẫy thu nhập trung bình, đến biến đổi khí hậu, áp lực cải cách từ hội nhập, sự thay đổi do cuộc cách mạng 4.0, ... Nhưng mục tiêu đặt ra vẫn rất lớn, trong đó chú trọng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh trong một thời gian dài liên tục để đảm bảo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước; phát triển nhanh đi đôi với phát triển bền vững. Do vậy, việc phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế trong thời gian tới là nhu cầu rất lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, việc đa dạng hóa các phương thức vận tải cũng cần được lưu tâm. Ví dụ như đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không cần sự kết nối để giải phóng áp lực cho giao thông đường bộ. Sự tương quan giữa quy hoạch hạ tầng giao thông và quy hoạch các khu chế xuất cũng phải nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tối ưu hóa công năng sử dụng trong tương lai. Trong đó, lĩnh vực hàng không cần được lấy làm trọng tâm phát triển do khả năng kết nối cao trên toàn thế giới. Trên thực tế, rất nhiều quốc gia phát triển mô hình thành phố sân bay lấy trọng tâm là CHKSB và phát triển các khu vực xung quanh để tạo thành mô hình vận tải đa phương thức, liên hoàn, phục vụ tối đa cho logistics, luân chuyển hàng hóa.

Hơn nữa, việc xây dựng được các CHKSB quy mô lớn, thậm chí hướng tới phát triển thành phố sân bay sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh của quốc gia so với các quốc gia khác trong khu vực. Hiện nay, trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á có nhiều cảng hàng không lớn, được xây dựng làm trạm trung chuyển hành khách, hàng hóa như Incheon (Hàn Quốc), Changi (Singapore), Kuala Lumpur (Malaysia), … Các cảng hàng không này thường có lượng hành khách, hàng hóa thông qua hàng năm rất lớn, mang lại nguồn doanh thu khổng lồ cho các quốc gia này. Với vị trí địa lý thuận lợi của Việt Nam, việc thu hút nguồn vốn lớn từ khu vực tư nhân, cộng với việc xây dựng quy hoạch cảng hàng không của Việt Nam trở thành cảng hàng không trung chuyển sẽ thu hút được nguồn hành khách, hàng hóa dồi dào, từ đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế của quốc gia.

1.5.2. Giảm bớt gánh nặng tài chính lên ngân sách nhà nước, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi trong khu vực tư nhân

Sự phát triển về KT – XH, dân số kéo theo nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng, khiến cho các chính phủ phải tìm các nguồn tài chính khác nhau để

thực hiện. Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhu cầu xây dưng mới, tu bổ cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng lưới giao thông tăng, nhưng những cơ sở hạ tầng này thường có chi phí cao hơn doanh thu, khiến cho các chính phủ phải chi thêm ngân sách để trợ cấp. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính của chính phủ của các quốc gia đang phát triển cũng có sự hạn chế và phải chia sẻ cho nhiều mục tiêu khác, vì vậy, việc vận động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là một lựa chọn phù hợp.

Hợp tác Công – Tư giúp các chính phủ vận dụng được các nguồn lực nhàn rỗi từ khu vực tư nhân, ngược lại cũng tạo ra cơ hội đầu tư cho khu vực tư nhân. Hình thức hợp tác này đã giúp cho nhiều địa phương phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị mà không phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách, hơn nữa lại thu hút được sự quan tâm đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Về cơ chế, chính sách, quy định cơ bản được xây dựng theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư cũng như giúp cho cơ quan quản lý giám sát, kiểm tra dự án tương đối hiệu quả.

Có thể kể đến Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất và là một trong những vùng kinh tế quan trọng của cả nước. Giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố Hồ Chí Minh lên kế hoạch chi 1,8 triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển và thực hiện các mục tiêu của địa phương. Đây là gánh nặng lớn cho ngân sách và việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân theo hình thức PPP sẽ giúp san sẻ gánh nặng này.

Xã hội hóa các dự án đầu tư trên nhiều lĩnh vực để huy động tổng lực nguồn vốn đã mang lại hiệu quả phát triển KT – XH bước đầu cho đất nước. Tuy nhiên, trước hàng loạt nhu cầu cấp bách về dân sinh, chính phủ cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút mạnh hơn và hiệu quả hơn nguồn vốn này.

Trong lĩnh vực hàng không, hiện nhà nước đang quản lý 21 CHKSB và nhiều CHKSB trọng điểm như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, … đang gặp tình trạng quá tải và cần phải sửa chữa lớn, nâng cấp, mở rộng. Trước mắt, các Cảng HKQT Nội Bài, Tân Sơn Nhất sẽ được đầu tư mở rộng, song song với việc thực hiện dự án Cảng HKQT Long Thành. Đây sẽ là áp lực rất lớn lên ngân sách nhà nước trong dài hạn. Vì vậy, việc huy động được nguồn vốn trong khu vực tư nhân giúp giảm bớt áp lực, gánh nặng tài chính cho nhà nước, dành ngân sách cho các mục tiêu trọng điểm khác của quốc gia.

1.5.3. Trả lại đúng vai trò của nhà nước với tư cách là cơ quan xây dựng chính sách

Tư nhân hóa cơ sở hạ tầng hàng không đồng nghĩa với việc rút phần vốn của nhà nước đầu tư vào trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng hàng không, nhà nước sẽ không tham gia vào quản lý kinh doanh, khai thác. Do vậy, vai trò còn lại của nhà nước sẽ là nhà xây dựng chính sách, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh, phát triển, ngược lại với vai trò trước đây là tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Thực tiễn triển khai pháp luật cho thấy, sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp cảng hàng không còn nhiều, có những việc có thể giao cho doanh nghiệp thực hiện nhưng vẫn quy định thuộc quyền hạn, trách nhiệm của nhà nước, gây lãng phí nguồn lực cho khối nhà nước và không vận dụng được nguồn lực của khối tư nhân.

1.5.4. Thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm, kích thích sự phát triển của các ngành nghề khác

Đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng hàng không nói riêng mang lại nguồn thu ngân sách cho địa phương; trong lĩnh vực hàng không, đầu tư tư nhân trong cơ sở hạ tầng tạo ra sự cạnh tranh giữa khối nhà nước và khối

tư nhân trong cung cấp dịch vụ, thu hút các hãng hàng không sử dụng dịch vụ, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá cả đối với các hãng hàng không; phát triển cơ sở hạ tầng hàng không đồng thời tạo động lực cho phát triển các ngành nghề, dịch vụ khác liên quan như suất ăn, vận tải, lao động phổ thông, …

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực thi chính sách tư nhân hóa trong phát triển cơ sở hạ tầng hàng không nghiên cứu trường hợp cảng hàng không quốc tế vân đồn (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)