Các loại hình du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển kinh tế du lịch ở ba vì hà nội (Trang 27 - 31)

1.1. Kinh tế du lịch

1.1.2. Các loại hình du lịch

1.1.2.1 Căn cứ phạm vi lãnh thổ của chuyến đi du lịch

Theo tiêu thức này, du lịch được phân chia thành du lịch quốc tế và du lịch nội địa.

* Du lịch quốc tế

Là hình thức du lịch mà ở đó điểm xuất phát và điểm đến của khách nằm ở lãnh thổ của những quốc gia khác nhau. Ở hình thức du lịch này khách phải đi qua biên giới và sử dụng ngoại tệ ở nơi đến du lịch.

Bản thân du lịch quốc tế lại được phân thành du lịch quốc tế chủ động và du lịch quốc tế bị động. Du lịch quốc tế chủ động là hình thức du lịch của những người từ nước ngoài đến một quốc gia nào đó và tiêu ngoại tệ ở đó. Du lịch quốc tế thụ động là hình thức du lịch của công dân một quốc gia nào đó và của những người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ của quốc gia đó đi ra nước khác du lịch và trong chuyến đi ấy họ đã tiêu tiền kiếm ra tại đất nước đang cư trú.

Ví dụ: khách nước ngoài vào Việt Nam đi du lịch, ngành du lịch Việt Nam phục vụ. Trong trường hợp này, Việt Nam kinh doanh du lịch quốc tế chủ động. Du lịch quốc tế chủ động tương đương với xuất khẩu vì cùng tạo ra nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia. Trong khi công dân Việt Nam ra nước ngoài du lịch, ngành du lịch Việt Nam gửi khách, trong trường hợp này, Việt Nam kinh doanh du lịch quốc tế thụ động. Du lịch quốc tế thụ động tương đương với nhập khẩu vì cùng gây ra hiện tượng xuất ngoại tệ từ một quốc gia ra nước ngoài.

* Du lịch nội địa

Là hình thức đi du lịch mà điểm xuất phát và điểm đến của khách cùng nằm trong lãnh thổ của một quốc gia.

1.1.2.2. Căn cứ vào nhu cầu làm nảy sinh hoạt động du lịch

Theo tiêu thức này, du lịch được phân thành những loại hình sau:

* Du lịch chữa bệnh

Ở loại hình này, khách đi du lịch do nhu cầu điều trị các loại bệnh tật về thể xác và tinh thần của họ. Du lịch chữa bệnh lại được phân thành: Chữa

bệnh bằng khí hậu: Khí hậu núi, khí hậu biển...;Chữa bệnh bằng nước khoáng: tắm nước khoáng, uống nước khoáng...;Chữa bệnh bằng bùn, chữa bệnh bằng hoa quả....

* Du lịch nghỉ ngơi, giải trí

Nhu cầu chính nảy sinh hình thức du lịch này chính là sự cần thiết phải nghỉ ngơi để phục hồi thể lực và tinh thần cho con người. Đây là loại hình du lịch có tác dụng làm giải trí, làm cuộc sống thêm đa dạng và giải thoát cho con người khỏi những công việc thường ngày.

* Du lịch thể thao

Du lịch thể thao chủ động: khách đi du lịch có thể tham gia trực tiếp vào hoạt động thể thao, du lịch thể thao chủ động như: du lịch leo núi, du lịch săn bắn, du lịch câu cá, du lịch tham gia các loại thể thao như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, trượt tuyết...

Du lịch thể thao thụ động: những cuộc hành trình đi du lịch để xem các cuộc thi thể thao quốc tế, các thế vận hội olympic...

* Du lịch văn hóa

Là hình thức du lịch với mục đích chính nhằm nâng cao hiểu biết cho cá nhân về mọi lĩnh vực như: lịch sử, kiến trúc, kinh tế, hội họa, chế độ xã hội, cuộc sống của người dân cùng các phong tục tập quán của đất nước di du lịch.

Du lịch văn hóa được phân làm hai loại: Du lịch văn hóa với mục đích cụ thể: khách du lịch đi với mục đích có sẵn. Họ thường là các cán bộ khoa học, sinh viên hay các chuyên gia...; Du lịch văn hóa với mục đích tổng hợp: gồm đông đảo những người ham thích mở mang kiến thức về thế giới nhằm nâng cao hiểu biết của bản thân.

* Du lịch công vụ

Mục đích của loại hình du lịch này để thỏa mãn, thực hiện nhiệm vụ công tác hoặc nghề nghiệp nào đó. Với mục đích này, khách đi tham dự những cuộc hội nghị, hội thảo, các ngày lễ lớn, các cuộc gặp gỡ...

Ngoài ra còn có các loại hình du lịch như du lịch thương gia, du lịch thăm hỏi, du lịch tôn giáo, du lịch quá cảnh....

1.1.2.3. Căn cứ vào đối tượng khách du lịch

Theo tiêu thức này, du lịch được phân thành: Du lịch dành cho thanh thiếu niên; Du lịch dành cho những người cao tuổi; Du lịch dành cho gia đình, du lịch dành cho phụ nữ...

1.1.2.4. Căn cứ vào hình thức tổ chức chuyến đi

Theo tiêu thức này, du lịch được phân thành:

* Du lịch theo đoàn

Ở loại hình này, các thành viên tham gia đi theo đoàn và thường có ý định, chương trình từ trước, trong đó đã định ra những nơi sẽ đến thăm, nơi lưu trú và nơi ăn uống. Du lịch theo đoàn có thể tổ chức theo hai hình thức:

Du lịch theo đoàn có thông qua tổ chức du lịch: Đoàn du lịch được các tổ chức trung gian (các doanh nghiệp lữ hành), các tổ chức vận tải (thường là các hãng hàng không), hoặc các tổ chức du lịch khác tổ chức cuộc hành trình. Các tổ chức đó chuẩn bị, thỏa thuận trước chuyến hành trình và lịch đi cho đoàn. Mỗi thành viên trong đoàn được thông báo trước chương trình của chuyến đi

Du lịch theo đoàn không thông qua tổ chức du lịch: Đoàn du lịch tự chọn tuyến hành trình, tự xác định thời gian đi, số ngày đi, những nơi sẽ đến thăm... Có thể đoàn đã thoả thuận trước hoặc tới nơi mới tìm cơ sở ăn uống, lưu trú...

* Du lịch cá nhân

Du lịch cá nhân có thông qua tổ chức du lịch: cá nhân đi du lịch theo kế hoạch định trước của các tổ chức du lịch, tổ chức công đoàn hay tổ chức xã hội khác. Khách du lịch không phải đi cùng đoàn mà chỉ tuân theo những điều kiện đã được thông báo và chuẩn bị trước.

Du lịch cá nhân không thông qua tổ chức du lịch (tự do).

Ngoài ra, còn có rất nhiều căn cứ để phân loại các loại hình du lịch. Như: Căn cứ vào phương tiện giao thông được sử dụng: Theo tiêu thức này, du lịch được phân thành các loại hình như: du lịch bằng xe đạp, du lịch bằng xe máy, du lịch bằng xe ô tô hay du lịch tàu thuỷ, du lịch bằng máy bay...

Căn cứ vào phương tiện lưu trú được sử dụng: Theo tiêu thức này, du lịch được phân thành: du lịch ở khách sạn, du lịch nhà nghỉ, du lịch lều trại....

Căn cứ vào thời gian đi du lịch: Theo tiêu thức này, du lịch được phân thành du lịch dài ngày và du lịch ngắn ngày.

Căn cứ và vị trí địa lý của điểm du lịch đến: Theo tiêu thức này, du lịch được phân chia thành du lịch nghỉ núi; du lịch biển, sông, hồ; du lịch thành phố; du lịch đồng quê...

Tuy nhiên, thông thường một người đi du lịch với nhiều nhu cầu nảy sinh khác nhau nên ta thường gặp sự kết hợp của một vài loại hình du lịch cùng một lúc. Ví dụ như du lịch nghỉ ngơi, giải trí với du lịch văn hoá; du lịch công vụ với du lịch văn hoá....

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển kinh tế du lịch ở ba vì hà nội (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)