Kinh nghiệm của thành phố Sơn Tây Hà Nội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển kinh tế du lịch ở ba vì hà nội (Trang 59 - 62)

1.3. Kinh nghiệm của một số địa phương trên địa bàn Hà Nội về phát triển kinh tế

1.3.1. Kinh nghiệm của thành phố Sơn Tây Hà Nội

Sơn Tây là một thị xã trực thuộc thủ đô Hà Nội, Việt Nam. Do địa bàn sinh tụ nên địa danh này luôn là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của khu vực phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội. Ngày 1 tháng 8 năm 2008, cùng với toàn bộ tỉnh Hà Tây, thành phố Sơn Tây được nhập về thủ đô Hà Nội. Ngày 8 tháng 5 năm 2009, Chính phủ ra nghị quyết chuyển thành phố Sơn Tây thành thị xã Sơn Tây trực thuộc Hà Nội. Vị trí địa lý thuận lợi, cách Trung tâm thành phố Hà Nội hơn 30 km, với hệ thống giao thông đường sá thông suốt, là một điều kiện lý tưởng để phát triển kinh tế du lịch. Sơn Tây là một trong những địa điểm có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế du lịch khá đa dạng.

Sơn Tây có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng như hồ Đồng Mô, thành cổ Sơn Tây, làng Việt cổ đá ong Đường Lâm, Chùa Mía, lễ hội đền Và.

Thành cổ Sơn Tây: Nằm ở trung tâm thành phố, là một công trình quân sự kiến trúc theo kiểu Vauban được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 3 (năm 1822).

Khu di tích lịch sử - văn hóa Đường Lâm (đất hai vua): cách thành phố khoảng 4 km và trung tâm Hà Nội 46 km về phía bắc, xưa kia Đường Lâm có tên gọi là Kẻ Mía. Là làng xã duy nhất trong cả nước cùng sinh ra hai vị vua: Phùng Hưng (761 - 802); Ngô Quyền (898-944) nên Đường Lâm được tôn vinh là "đất hai vua", đúng hơn là "làng hai vua".

Thắng cảnh hồ Đồng Mô: Nằm trong vùng đồi và thung lũng phía đông núi Ba Vì, hồ Đồng Mô, Ngải Sơn với diện tích gần 2.000 ha, trong đó khu chứa nước 1.450 ha với 21 đảo lớn, nhỏ đã tạo cho cảnh quan vùng này những nét đặc sắc tạo ấn tượng cho khách du lịch.

Đền Và: thờ đức Thánh Tản, vị thần cai quản Tản Viên Sơn - một trong "Tứ bất tử" trên điện thần nước Việt Nam. Ngôi đình cổ kính có niên đại từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn, nằm giữa rừng lim già đại thụ, tọa lạc trên gò đất rộng 5 ha hình con rùa, đầu quay về hướng bắc, nổi tiếng là nơi cầu đảo rất linh hiển. Đền Và nằm kề bên địa danh Xã Tắc (nay thuộc phường Trung Hưng), là nơi diễn ra vụ tập kích Sơn Tây của không lực Hoa Kỳ năm 1970.

Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam đã được khởi công ở Đồng Mô với qui mô 54 dân tộc anh em sẽ trở thành một địa danh du lịch nghỉ dưỡng quan trọng của Hà Nội.

Thành phố Sơn Tây là một trong những trung tâm thương nghiệp, thương mại với đời sống thu nhập cao trên địa bàn thành phố Hà Nội. Với những tiềm năng phong phú nói trên, Sơn Tây giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của du lịch Hà Nội và của cả nước. Quan điểm cơ bản xuyên suốt quá trình du lịch của thành phố Sơn Tây là du lịch kết hợp:

du lịch sinh thái, sân golf, trượt cỏ kết hợp với du lịch văn hóa, các lễ hội truyền thống, các làng cổ, thành cổ mang tính đặc thù riêng.

Để phát triển kinh tế du lịch, UBND Thị xã đã cấp giấy phép cho 36 tổ chức, doanh nghiệp và 3.794 hộ đăng ký kinh doanh thương mại; 356 tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Địa phương đã nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch, đầu tư tôn tạo, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và văn hóa lịch sử của 130 di tích, trong đó có 44 di tích được Nhà nước xếp hạng tiêu biểu như: Thành Cổ, đền Và, quần thể di tích làng cổ Đường Lâm… cùng việc đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái như: Hồ Đồng Mô, sân Golf, Thung Lũng Vua, làng văn hóa các dân tộc Việt Nam… nên hoạt động du lịch và thương mại của thị xã có bước tăng trưởng mạnh.

Sáu tháng đầu năm 2012, giá trị du lịch, thương mại trên địa bàn thị xã ước đạt 499,9 tỷ đồng, đạt 67,1% kế hoạch năm và tăng 68,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ thương mại là 224 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch năm, tăng 49,8% so với cùng kỳ; doanh thu từ du lịch, dịch vụ là 225,9 tỷ đồng, đạt 70,6% kế hoạch năm, tăng 91,4% so với cùng kỳ.

Để đẩy mạnh hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại trên địa bàn trong những năm tới, thị xã đang tiếp tục quy hoạch các điểm du lịch Trung Sơn Trầm, quy hoạch hạ tầng khu du lịch Đồng Mô, Khu chợ nông sản thực phẩm tươi sống, quy hoạch tổng thể làng cổ Đường Lâm và quy hoạch chi tiết dự án tu bổ và tôn tạo Đền Và.

Trong quá trình phát triển kinh tế du lịch ở địa bàn mình, thành phố Sơn Tây rất chú trọng đến việc không ngừng xây dựng tôn tạo các sản phẩm du lịch. Những công trình xây dựng, những dịch vụ xung quanh việc thăm quan giải trí ngày càng nhiều, tạo nên những thuận lợi cũng như thu hút du khách đến với du lịch Sơn Tây.

Những công trình về di tích lịch sử văn hóa rất được thành phố Sơn Tây gìn giữ, tôn tạo nhằm giữ nguyên bản sắc đặc trưng những cũng không để các khu di tích này bị xuống cấp theo thời gian. Hàng năm, Sơn Tây luôn có những đợt tôn tạo, xây dựng lại để giữ gìn những giá trị lịch sử thiên nhiên ban tặng này.

Với những di tích lịch sử danh lam thắng cảnh, hàng năm cũng rất được quan tâm, đầu tư kinh phí. Nếu du khách có dịp đi nghỉ ngơi, giải trí tại những danh lam thắng cảnh ở Sơn Tây thì sẽ nhận thấy năm sau có những sự xây dựng, tôn tạo mà năm trước chưa có. Sơn Tây rất chú trọng đến việc đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở hạ tầng, tôn tạo cũng như mở rộng các hình thức giải trí tại những địa danh thắng cảnh. Điều này vừa làm cho những di tích thắng cảnh của Sơn Tây ngày càng thu hút khách du lịch, làm cho du khách không nhàm chán khi đặt chân đến đây, nâng cao vị thế so sánh, để Sơn Tây luôn là điểm đến của du khách trong và ngoài khu vực.

Như vậy, kinh nghiệm của Sơn Tây - Hà Nội cho thấy: để phát triển kinh tế du lịch, địa phương đã xác định rõ vị trí của lĩnh vực kinh tế du lịch trong phát triển kinh tế của địa phương, từ đó địa phương đã chú trọng tới công tác hoạch định phát triển một cách cụ thể, nghiên cứu, đầu tư, mở rộng các loại dịch vụ và khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển kinh tế du lịch ở ba vì hà nội (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)