CHƯƠNG 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.2. Thực tiễn hoạt động thanh tra tài chính đối với các DNNN của Thanh tra
Thanh tra Bộ Tài chính giai đoạn 2010-2014
3.2.1. Tổ chức và nhân sự:
Hoạt động thanh tra tài chính lĩnh vực doanh nghiệp nói chung và đối với các DNNN của Thanh tra Bộ Tài chính nói riêng được phân công cho Phòng Thanh tra tài chính doanh nghiệp (gọi tắt là Phòng Thanh tra 4) thuộc Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện.
Phòng Thanh tra 4 có nhiệm vụ giúp Chánh Thanh tra về thanh tra, kiểm tra công tác quản lý tài chính, thuế, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, kiểm toán, kế toán liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; thực hiện thanh tra tài chính tại các doanh nghiệp, trong đó có các DNNN.
Phòng Thanh tra 4 do 01 Phó Chánh Thanh tra phụ trách trực tiếp, gồm 16 cán bộ, công chức, thanh tra viên, có 01 Trưởng phòng, 03 Phó Trưởng phòng.
Theo phân công của Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, Phòng Thanh tra 4 chịu trách nhiệm: Tổ chức theo dõi, nắm tình hình quản lý tài chính của các doanh nghiệp, trong đó có DNNN. Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu giám sát về đối tượng thanh tra. Chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch năm về lĩnh vực thanh tra tài chính doanh nghiệp. Khảo sát, xây dựng đề cương, kế hoạch và tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra về tài chính doanh nghiệp theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính.
Trong giai đoạn 2010-2014, các đoàn thanh tra công tác quản lý tài chính đối với các DNNN của Thanh tra Bộ Tài chính đều do Phòng Thanh tra 4 chủ trì tổ chức triển khai thực hiện. Nhân sự tham gia các Đoàn Thanh tra công tác quản lý tài chính đối với các DNNN của Thanh tra Bộ Tài chính đa
số là cán bộ Phòng Thanh tra 4. Trong trường hợp cần thiết, Chánh Thanh tra cử thêm một số cán bộ Phòng, bộ phận khác tham gia Đoàn Thanh tra công tác quản lý tài chính đối với các DNNN theo đề nghị của Trưởng phòng Thanh tra 4. Tuy nhiên, không có sự phối hợp, huy động thêm nguồn nhân sự từ các cơ quan, đơn vị khác hoặc các Vụ, Cục thuộc Bộ trong việc thực hiện công tác thanh tra tài chính đối với các DNNN.
3.2.2. Lập Kế hoạch thanh tra tài chính đối với các DNNN hàng năm
Tháng 10 hàng năm, trên cơ sở nắm tình hình, đối tượng thanh tra, Phòng Thanh tra 4 dự kiến các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước sẽ đưa vào kế hoạch thanh tra trong năm sau để tổng hợp chung trong Kế hoạch thanh tra hàng năm của Thanh tra Bộ Tài chính trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.
Trong những năm gần đây, việc đề xuất DNNN nào đưa vào Kế hoạch thanh tra hàng năm đã bước đầu được Thanh tra Bộ lựa chọn dựa trên một số tiêu chí cụ thể, bao gồm:
- Đơn vị có liên quan nhiều đến việc thực hiện các giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
- Đơn vị mang tính chất điển hình trong lĩnh vực hoạt động, ngành nghề kinh doanh, đặc biệt chú ý những vấn đề đang được xã hội, dư luận quan tâm.
- Đơn vị đã được Thanh tra Bộ Tài chính tiến hành thanh tra từ 03 năm trở lên và không trùng lặp với Kế hoạch của kiểm toán Nhà nước, Kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Việc lựa chọn các DNNN đưa vào kế hoạch thanh tra tài chính đối với DNNN của Thanh tra Bộ Tài chính trong giai đoạn 2010-2014 đã được chú trọng đầu tư hơn. Các đơn vị được lựa chọn có tính đến đề nghị của các Cục, Vụ thuộc Bộ Tài chính nhằm thiết thực phục vụ cho việc đánh giá thực hiện chính sách quản lý tài chính, đề ra các chế độ chính sách mới về quản lý tài chính đối
với DNNN của Bộ Tài chính. Ngoài ra, trong những năm gần đây, Thanh tra Bộ Tài chính đã bước đầu có sự phối kết hợp với các đơn vị liên quan trên cơ sở họp bàn kế hoạch với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các Bộ, ngành để tránh chồng chéo, trùng lắp từ khi xây dựng kế hoạch thanh tra.
Kế hoạch thanh tra hàng năm của Thanh tra Bộ Tài chính trình Bộ trưởng Bộ Tài chính chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 hằng năm. Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt kế hoạch thanh tra chậm nhất vào ngày 25 tháng 11 hằng năm.
Kế hoạch thanh tra tài chính được phê duyệt là cơ sở, căn cứ để Thanh tra Bộ Tài chính chủ động tổ chức triển khai công tác thanh tra đối với các DNNN trong năm kế hoạch. Kế hoạch thanh tra tài chính (sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt) được công khai và thông báo tới các đối tượng thanh tra. Do đó, giúp cho các đối tượng thanh tra chủ động được trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình cũng như bố trí thời gian, con người làm việc với đoàn thanh tra.
3.2.3. Thực hiện công tác thanh tra tài chính đối với DNNN
- Hình thức thanh tra: Hoạt động thanh tra được thực hiện theo kế hoạch hoặc thanh tra đột xuất:
+ Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch thanh tra hàng năm đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.
+ Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng hoặc do Bộ trưởng Bộ Tài chính giao.
- Thẩm quyền ra Quyết định thanh tra:
+ Chánh Thanh tra Bộ Tài chính ra Quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện Quyết định thanh tra.
+ Khi xét thấy cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tài chính ra Quyết định thanh tra và thành lập Đoàn Thanh tra.
Các Đoàn Thanh tra công tác quản lý tài chính đối với các DNNN tại Thanh tra Bộ Tài chính trong những năm gần đây đều được thành lập theo quyết định của Chánh Thanh tra Bộ Tài chính.
- Quyết định thanh tra bao gồm các nội dung cụ thể: + Căn cứ pháp lý để thanh tra;
+ Phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ thanh tra. + Thời hạn thanh tra;
+ Trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên và các thành viên khác của Đoàn thanh tra.
- Trưởng đoàn thanh tra là người đứng đầu Đoàn Thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành hoạt động của Đoàn Thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, Đoàn Thanh tra có Phó Trưởng đoàn thanh tra giúp Trưởng đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ được giao, phụ trách một số hoạt động của Đoàn Thanh tra khi được Trưởng đoàn thanh tra giao.
- Trưởng đoàn Thanh tra phải từ Trưởng phòng hoặc Thanh tra viên chính trở lên và phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm; am hiểu về nghiệp vụ thanh tra; có khả năng phân tích, đánh giá, tổng hợp những vấn đề liên quan đến nội dung, lĩnh vực được thanh tra; có khả năng tổ chức, chỉ đạo các thành viên trong Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ thanh tra được giao.
Không được bố trí làm Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra đối với những người có bố đẻ, mẹ đẻ; bố vợ hoặc bố chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng; vợ hoặc chồng; con ruột, con rể hoặc con dâu, anh, chị, em ruột là đối tượng thanh tra hoặc có mối quan hệ thân thiết với đối tượng thanh tra làm ảnh hưởng đến tính khách quan của hoạt động thanh tra.
Các Đoàn Thanh tra công tác quản lý tài chính đối với DNNN của Thanh tra Bộ Tài chính thường bố trí từ 10-12 cán bộ, trong đó Trưởng Đoàn Thanh tra thường được giao cho Trưởng phòng Thanh tra tài chính doanh nghiệp của Thanh tra Bộ Tài chính đảm nhiệm.
- Trong quá trình thanh tra, Đoàn Thanh tra làm việc với đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại trụ sở hoặc nơi tiến hành kiểm tra, xác minh. Đoàn Thanh tra làm việc với đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong giờ hành chính. Trường hợp cần thiết phải làm việc ngoài giờ hành chính với đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thì Trưởng đoàn thanh tra quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó.
- Hoạt động thanh tra tài chính đối với DNNN của Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện theo Quy trình thanh tra tài chính tại các doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 3140/QĐ-BTC ngày 17/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
- Thời gian thanh tra trực tiếp tại trụ sở đơn vị thanh tra của cuộc thanh tra tài chính đối với các DNNN là 45 ngày, kể từ ngày Đoàn Thanh tra công bố Quyết định thanh tra tại doanh nghiệp. Các Đoàn Thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính đều chấp hành nghiêm túc thời gian thanh tra trực tiếp tại đơn vị, không làm tác động, ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của doanh nghiệp trong quá trình thanh tra. Trong thời gian thực hiện thanh tra trực tiếp, các Đoàn Thanh tra đều thực hiện nhiệm vụ với tinh thần tích cực, khẩn trương và dứt điểm. Nhờ vậy, trong suốt giai đoạn 2010-2014, toàn bộ các Đoàn Thanh tra công tác quản lý tài chính tại các DNNN của Thanh tra Bộ không có Đoàn nào phải gia hạn thời gian thanh tra.
- Hoạt động các Đoàn Thanh tra DNNN của Thanh tra Bộ Tài chính trong thời gian qua chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật thanh
tra; thực hiện đúng quy trình và mối quan hệ công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.