Lâm Đồng là một tỉnh miền núi, nằm trên địa bàn khu vực Nam Tây Nguyên, là đầu nguồn của 4 hệ thống sông lớn: Đồng Nai, Sêrêpốc, sông Lũy, sông Cái Phan Rang. Về địa giới hành chính, Lâm Đồng tiếp giáp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Đắc Nông ở phía Tây và Tây Nam; tiếp giáp với Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận ở phía Đông và Đông Nam; tiếp giáp với Đắc Lắc ở phía Bắc. Địa hình Lâm Đồng nhìn chung thuộc dạng miền núi, độ cao thay đổi từ 200 đến 2.200m nhưng phổ biến nhất là từ 500 đến 1.500m. Xu hướng chính của địa hình có hướng nghiêng từ Đông Bắc xuống Tây Nam, mà nổi bật nhất là sự nâng cao hơn nhiều so với các khu vực xung quanh, với nhiều đứt gãy và bậc thềm có mức chênh lệch độ cao khá lớn tạo cho Lâm Đồng có nhiều cảnh quan đặc sắc, có tiềm năng to lớn về thủy điện, chi phối mạnh mẽ đến các yếu tố về khí hậu, đất đai và tài nguyên sinh vật. Khí hậu Lâm Đồng có điểm đặc biệt đó là mát lạnh quanh năm, mưa nhiều, mùa khô ngắn, lượng bốc hơi thấp, không có bão. Lợi thế ở Lâm Đồng là phát triển tốt các loại cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới như cà phê, chè, hồng, mận, dâu tây, rau, hoa, nấm…
Dân số toàn tỉnh: 1.204.869 người. Tổng thu ngân sách năm 2010: 3.393 tỷ đồng; năm 2011: 4.140 tỷ đồng. GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 25,6 triệu đồng, tăng 15,4% so năm 2010 [8].
Những thuận lợi, khó khăn đối với cho vay xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Lâm Đồng
Những thuận lợi
Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính: 02 thành phố (Đà Lạt, Bảo Lộc) và 10 huyện, tổng số xã trên toàn tỉnh là 118 xã, Thành phố Đà Lạt là trung tâm hành
chính - kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay, hệ thống giao thông đường bộ của Lâm Đồng đã đến được tất cả các xã và cụm dân cư. Các tuyến quốc lộ 20, 27, 28 nối liền Lâm Đồng với vùng Đông nam bộ, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thuộc vùng Tây nguyên, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, tạo cho Lâm Đồng có mối quan hệ KTXH bền chặt với các vùng, các tỉnh trong khu vực. Cảng hàng không quốc tế Liên Khương nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 28 km về phía Nam với đường băng dài tới 3.250 m, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, giao thương trong nước và quốc tế.
Chất lượng đất đai của Lâm Đồng rất tốt, khá màu mỡ, toàn tỉnh có khoảng 255.407 ha đất có khả năng sản xuất nông nghiệp, trong đó có 200.000 ha đất bazan tập trung ở cao nguyên Bảo Lộc – Di Linh thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp dài ngày.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của cả nước, nền kinh tế của Lâm Đồng đang trên đà phát triển với tốc độ cao, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đều tăng trên 10%, GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 25,6 triệu đồng cao hơn 15,4% so với năm 2010, chất lượng tăng trưởng kinh tế đã có bước cải thiện và đang thích nghi dần với thị trường quốc tế và khu vực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Kết cấu hạ tầng từng bước được cải thiện, năng lực cạnh tranh và trình độ sản xuất của nhiều ngành kinh tế tăng lên, đặc biệt là một số công trình dự án mới đưa vào hoạt động trong năm 2011 đã phát huy hiệu quả [8,21].
Nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với các tỉnh Miền Đông Nam Bộ và so với cả nước ngày càng được thu hẹp; Lâm Đồng cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo, chậm phát triển.
Việc triển khai các cơ chế, chính sách mới có tác động tích cực trong việc huy động và thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong quản lý đời sống và xã hội. Quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng tạo thế và lực cho phát triển kinh tế cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng.
Với các đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội như trên có thể nói Lâm Đồng là một tỉnh giàu tiềm năng, khá thuận lợi cho xây dựng NTM tại địa phương.
Những khó khăn
Lâm Đồng là một tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, áp lực dân di cư tự do đến tỉnh lớn; nông nghiệp, nông thôn đi lên từ điểm xuất phát thấp, nhỏ lẻ, phân tán, công nghệ, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu; phần lớn nông dân vùng đồng bào dân tộc, kinh tế mới, di cư tự do, thiếu vốn sản xuất, trình độ dân trí thấp nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh và tiếp cận thị trường.
Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông thôn còn yếu và chậm, chưa tạo ra đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Mạng lưới cán bộ khuyến nông còn thiếu, yếu, và chưa ổn định nhất là đội ngũ khuyến nông viên cơ sở và khuyến nông vùng đồng bào dân tộc. Khoa học công nghệ phát triển chậm nhất là lĩnh vực giống cây trồng và chế biến nông lâm sản.
Cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông và thủy lợi trong vùng nguyên liệu.
Đầu tư của ngân sách cho xây dựng NTM tuy có cố gắng, nhưng vẫn còn thấp, tỷ trọng phân bổ vốn chưa được đồng đều theo mục tiêu đã đề ra, nguồn vốn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa đưa nhanh khoa học công nghệ vào đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn.
Quản lý nhà nước đối với nông nghiệp nông thôn còn nhiều bất cập, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Chưa thực sự khuyến khích đầu tư công nghiệp và dịch vụ vào nông thôn; nhiều lĩnh vực còn yếu kém như quản lý chất lượng nông sản, vật tư nông nghiệp, vệ sinh an tòan thực phẩm, môi trường, bảo quản chế biến sau thu họach và tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Công tác cải cách hành chính, quản lý, chỉ đạo điều hành của một số ngành, địa phương còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới. Sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành chưa thật chặt chẽ, tư duy kinh tế-xã hội chưa thông thoáng trong phát huy nội lực và thu hút đầu tư.