3.1. Phương hướng hoàn thiện cơ chế phân bổ NSĐP
3.1.1. Sự cần thiết hoàn thiện cơ chế phân bổ NSĐP
Một là, hoàn thiện cơ chế phân bổ NSĐP góp phần phân định rõ nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách mỗi cấp chính quyền.
Vai trò của chính quyền nhà nước địa phương thể hiện trước hết ở việc tập trung phần lớn các nguồn thu tài chính vào chính quyền cấp tỉnh, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của tỉnh, hỗ trợ cho ngân sách cấp dưới, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội đồng đều giữa các vùng miền của địa phương.
Theo quy định của luật NSNN, nguồn thu mỗi cấp gồm các khoản thu được tập trung vào ngân sách cấp mình 100% và các khoản thu được phân chia theo tỉ lệ phần trăm giữa ngân sách các cấp. Chính phủ quy định cụ thể tỉ lệ (%) phân chia các khoản thu giữa NSTW với ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và mức bổ sung của NSTW cho NSĐP. HĐND tỉnh quy định cụ thể tỉ lệ (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách cấp tỉnh với ngân sách từng huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ngân sách từng xã, thị trấn. Tỷ lệ phân chia các khoản thu ổn định từ 3 đến 5 năm sẽ làm cho quyền của mỗi cấp về quản lý ngân sách được nâng lên; tự quyết định ngân sách cấp mình, được thu các khoản đóng góp tự nguyện, ngân sách cấp tỉnh được vay trong nước để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội.
Hai là, hoàn thiện cơ chế phân bổ ngân sách địa phương nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí trong quản lý ngân sách nhà nước.
Việc lập và phân bổ dự toán ngân sách địa phương được xây dựng trên cơ sở chế độ, tiêu chuẩn định mức quy định; đáp ứng nhu cầu phục vụ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với khả năng nguồn thu của ngân sách địa phương.
Nâng cao hiệu quả thu, chi ngân sách luôn gắn liền với công tác tổ chức lại nguồn thu, cơ cấu lại nội dung chi, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, cải tiến công
nghệ quản lý, đổi mới quy trình lập, chấp hành, cấp phát, thanh toán và quyết toán NSNN.
Muốn vậy phải thể chế hóa nội dung về quản lý và điều hành NSĐP thành các quy phạm quy định cụ thể theo luật NSNN. Cụ thể là phải xây dựng đồng bộ, thống nhất quan hệ chặt chẽ giữa các khâu của quy trình và phân cấp quản lý ngân sách, những thể chế này phải được chấp hành nghiêm chỉnh, các quy phạm đó từng bước phải được hoàn thiện dần theo sự phát triển và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội cả nước.
Hoàn thiện các quy phạm quy định cụ thể sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý NSNN, thể hiện qua các biện pháp chấn chỉnh xây dựng định mức, chỉ tiêu tài chính, cấp phát kinh phí, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ngân sách. Từ đó tạo nên chuỗi quản lý chặt chẽ khép kín trong các khâu, như thế sẽ góp phần đẩy lùi nạn tiêu cực làm thất thoát, lãng phí NSNN.
Ba là, hoàn thiện cơ chế phân bổ ngân sách địa phương nhằm vận hành đồng bộ hệ thống ngân sách địa phương.
Quan hệ về quản lý trong quy trình vận động của NSNN từ khâu lập, chấp hành và quyết toán ngân sách luôn gắn kết không tách rời với quá trình thực hiện chế độ phân cấp quản lý ngân sách. Sự tồn tại của hệ thống NSNN là sự tồn tại thống nhất cơ bản về phân giao nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền và các cơ quan chức năng các cấp đối với các vấn đề thuộc về NSNN.
Quan hệ ngân sách giữa Trung ương và địa phương được điều chỉnh theo luật, NSTW giữ vai trò chủ đạo, đồng thời thực hiện nguyên tắc phân định rõ các nguồn thu, nhiệm vụ chi đối với NSĐP. Quá trình đó luôn đảm bảo nguyên tắc thống nhất tập trung dân chủ trong tổ chức hệ thống ngân sách, xuyên suốt từ trung ương xuống địa phương về chế độ, chính sách, định mức, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cấp quản lý ngân sách. Đó là điều kiện quan trọng để đưa mọi hoạt động thu, chi của NSNN ở các cấp vào nề nếp theo đúng quỹ đạo quản lý kinh tế - tài chính của Nhà nước. Có như vậy mới khắc phục tình trạng chồng chéo, cục bộ thiếu nhất quán và không bao quát các mặt trong quản lý ngân sách của các cấp, phát huy thế chủ động sáng tạo và đảm bảo tính độc lập tương đối của NSĐP,
khai thác nuôi dưỡng nguồn thu và bố trí chi tiêu hợp lý. Để vận hành đồng bộ hệ thống NSĐP phải thực hiện các yêu cầu sau:
- Quản lý NSĐP phải quán triệt chính sách đổi mới chung về kinh tế - xã hội, vừa phải theo kịp tiến trình của công cuộc cải cách kinh tế - xã hội.
- Phân bổ nguồn thu NSĐP phải được linh hoạt phù hợp với tổ chức bộ máy và trình độ cán bộ thu ngân sách.
- Chi ngân sách phải dựa trên nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, áp dụng nguyên tắc thắt chặt hay nới lỏng tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội mỗi thời kỳ hoặc yêu cầu điều hành nội dung có tính chất vĩ mô, phải hướng vào tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Xã hội hóa một số khoản chi thường xuyên và thực hiện thống nhất định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi.
3.1.2. Phương hướng hoàn thiện cơ chế phân bổ NSĐP
Hoàn thiện cơ chế phân bổ NSĐP gắn liền với các chủ trương đổi mới cơ chế quản lý tài chính khu vực công, bao gồm đổi mới cơ chế tài chính đối với khu vực dịch vụ công
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 211/2004/QĐ-TTg ngày 14/12/2004 phê duyệt định hướng phát triển tài chính đến 2010 có xét đến mục tiêu năm 2020 với mục tiêu tổng quát là: Bảo đảm tiềm lực tài chính quốc gia đủ mạnh để chủ động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả và vững chắc, có khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định tiền tệ, giá cả thị trường; hệ thống chính sách động viên, phân phối tài chính có hiệu lực cao, đảm bảo công bằng, năng động, phù hợp với thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có tác động mở đường khai thông các nguồn nội lực, thu hút ngoại lực và sử dụng hiệu quả toàn bộ các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, công khai, minh bạch, dân chủ, được quản lý và kiểm toán chặt chẽ, làm cho tài chính trở thành thước đo hiệu quả mọi hoạt động kinh tế, là động lực phát triển kinh tế- xã hội; năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về tài chính được tăng cường và đổi mới trên cơ sở cải cách hành chính, hiện đại hoá công cụ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý tài chính; củng cố và nâng cao vị thế tài chính
Việt Nam trong quan hệ quốc tế trên cơ sở bảo đảm độc lập tự chủ và an ninh tài chính quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế.
Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi sự minh bạch trong quản lý tài chính công mà trọng tâm là NSNN, việc kiểm tra chi NSĐP phải đạt được mục tiêu chuẩn hoá, chuyên nghiệp theo chuẩn mực.
Hoàn thiện cơ chế phân bổ NSĐP gắn với xu hướng đổi mới cơ cấu ngân sách.
Mục tiêu và những định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 đòi hỏi cơ cấu ngân sách phải phát huy được vai trò quan trọng của mình, phù hợp với quá trình phát triển. Muốn vậy, cơ cấu NSĐP phải đáp ứng các yêu cầu sau: - Cơ cấu NSĐP phải đảm bảo cho các hoạt động của bộ máy chính quyền, thực hiện chức năng quản lý và điều tiết kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị - xã hội. Cơ cấu NSĐP phải được bố trí tập trung cho các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phải tiết kiệm những nhu cầu không cần thiết để tập trung cho những chương trình trọng điểm, mũi nhọn, đảm bảo yêu cầu về hiệu quả kinh tế - xã hội.
- Cơ cấu NSĐP phải thực sự tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khơi dậy các tiềm năng, tạo điều kiện để huy động mọi nguồn lực xã hội và cân đối giữa các vùng, các ngành, các lĩnh vực theo mục tiêu đã định.
- Cơ cấu NSĐP phải được bố trí khoa học, tích cực, phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Những yêu cầu trên đặt ra vấn đề phải hoàn thiện, đổi mới cơ cấu NSĐP nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hoàn thiện cơ chế phân bổ NSĐP theo hướng thống nhất quy trình và tập trung đầu mối, gắn với việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tài chính, cơ quan chủ quản và các đơn vị sử dụng kinh phí NSNN.
Tăng cường nguyên tắc quản lý NSNN tập trung, thống nhất đồng thời với việc nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành. Nâng cao tính hiệu quả, đồng bộ, phát huy tối đa trách nhiệm, năng lực và quyền hành của các cấp, các ngành ở địa phương.
Phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của từng cấp chính quyền trong quá trình quản lý NSNN, phân bổ NSĐP. Trung ương chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng phân bổ ngân sách mà những nghiệp vụ đó có liên quan đến toàn bộ nền kinh tế, đến cả nước hoặc giữa các khu vực. Địa phương chịu trách nhiệm trên phạm vi địa bàn.
Hoàn thiện cơ chế phân bổ NSĐP gắn liền với quá trình thực hiện công khai, minh bạch trong chi tiêu và quản lý, sử dụng NSĐP.
Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế công khai minh bạch trong chi tiêu và sử dụng ngân sách, gắn với việc triển khai thực hiện cơ chế khoán kinh phí hoạt động kết hợp với quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra. Cơ chế phân bổ NSĐP thực hiện công khai, dân chủ trong phân bổ, chi tiêu tài chính tại các đơn vị sử dụng NSĐP đã có nhưng việc thực thi lại chỉ ở mức độ nhất định, chưa có chế tài đủ mạnh bắt buộc đơn vị phải công khai, minh bạch chi tiêu tài chính tại đơn vị mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho hiệu quả sử dụng NSĐP chưa cao.
Hoàn thiện cơ chế phân bổ NSĐP theo hướng phân bổ theo kết quả đầu ra, theo nhiệm vụ và chương trình ngân sách.
Đầu ra là hàng hóa công do các cơ quan nhà nước tạo ra và cung cấp cho xã hội; kết quả là các tác động, ảnh hưởng đến cộng đồng từ quá trình tạo ra một đầu ra hoăc nhóm các đầu ra.
Lập ngân sách theo đầu ra, kết quả là phương thức soạn lập ngân sách dựa vào cơ sở tiếp cận những thông tin đầu ra để phân bổ và đánh giá sử dụng nguồn lực tài chính nhằm hướng vào việc đạt những mục tiêu chiến lược phát triển của Chính phủ.
Lập ngân sách theo đầu ra, kết quả bao hàm một chiến lược tổng thể nhằm đạt được những thay đổi quan trọng trong việc quản lý và đo lường mức độ hoàn thành công việc so với mục tiêu đề ra.
Lập dự toán và phân bổ NSNN hướng theo đầu ra, kết quả là một phương pháp đổi mới chi tiêu công cộng đang được áp dụng ở một số nước phát triển như NewZeland, Pháp, Ôxtraylia, Singapore,... và đã được nhiều thành công, phát huy hiệu quả lớn.