Tính nhân văn trong triết học Trần Nhân Tông

Một phần của tài liệu Triết học trần nhân tông (Trang 35 - 37)

Cùng với tính chất kế thừa, dung hợp, tính chất thiền hành động, nhập thế, tư tưởng triết học Trần Nhân Tông còn mang tính nhân văn sâu sắc. Tính nhân văn đó được thể hiện ở những nội dung chủ yếu: Một là, quan tâm sâu sắc đến con người; hai là, luôn thể hiện sự trăn trở với ý nghĩ và lòng mong muốn lo cho đời sống của dân, giáo hoá đạo đức cho dân; ba là, đánh giặc cứu nước, cứu dân, xây dựng một chế độ thân dân.

Quan tâm đến con người, Trần Nhân Tông luôn khẳng định và tin tưởng vào bản tính tốt đẹp của con người, coi Phật tính là cái luôn có sẵn trong tâm mỗi con người. Trong sự quan tâm đến con người, ông còn đặc biệt đề cao vị trí, vai trò của con người trong cuộc sống. Theo ông, sống mà không giúp ích gì cho đời là điều đáng hổ thẹn của kẻ trượng phu (sinh vô bổ thế trượng phu tàm). Gắn bổn phận, lợi ích và việc tu dưỡng, rèn luyện cá nhân với lợi ích của dân tộc, ông cho rằng, làm trai phải quyết trả nợ non nước, phải để lại gì cho núi sông, phải giúp ích cho đời. Với tấm lòng yêu thương chúng sinh vô

hạn, ông đã chỉ ra cái gốc trong mỗi con người, rồi lại chỉ ra cho họ là tại sao bị lạc đường để giúp họ trở về gốc, trở về với chính bản thân mình.

Tính nhân văn trong triết học Trần Nhân Tông còn thể hiện trong ý nghĩ và hành động quan tâm, lo lắng đến đời sống của dân, giáo hóa đạo đức cho dân của ông. Trong suốt cuộc đời mình, dù làm vua hay làm giáo chủ, lúc nào ông cũng hết lòng lo cho dân, cho nước, lo học hỏi, tham thiền nhằm xây dựng một hệ tư tưởng, một tổ chức Phật giáo thống nhất làm chỗ dựa tinh thần cho một quốc gia thống nhất, có nền văn hóa, văn minh độc lập, chống lại ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, chống sự xâm lược của quân Nguyên - Mông tàn bạo. Điều đó được biểu hiện rõ trong bài Tiễn xứ Bắc Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng của ông:

“Trung Thống, chiếu xưa, lời hãy nhớ,

Nỗi lo đất nước, dịu lòng tôi”. (Doãn Chính, 2013, tr.163)

Với tấm lòng thương dân, “ưu quốc”, Trần Nhân Tông còn sang tận Chiêm Thành, gặp gỡ Chế Mân, hứa gả công chúa cho vua Chiêm để giữ tình giao hảo lâu dài giữa hai nước Chiêm - Việt. Trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, ông không chỉ giữ vai trò là linh hồn, mà còn là người trực tiếp rèn binh, khiển tướng, tổ chức lãnh đạo, động viên quân dân Đại Việt nêu cao tinh thần và khí phách dân tộc, đoàn kết trên dưới một lòng “Sát Thát”, giành thắng lợi vẻ vang. Ông đã thấm thía sâu sắc rằng, dân tộc Việt Nam, nếu đoàn kết một lòng từ vua đến dân, quyết tâm đánh giặc, giữ gìn bờ cõi, thì quân giặc dù mạnh và hung hãn đến mấy cũng phải thua. Ông tìm thấy trong đạo Phật nhiều yếu tố tích cực có thể tăng cường sự đoàn kết toàn dân và đặc biệt là, củng cố nền đạo đức xã hội, và coi đó là một trong những cơ sở không thể thiếu góp phần vào sự phồn thịnh và lành mạnh của xã hội.

Tinh thần nhân văn, nhân bản của Trần Nhân Tông còn thể hiện rõ nét ở tư tưởng đạo nghĩa, khoan dung để thu phục hiền tài, giáo hóa dân chúng và

nhờ vậy mà giữ yên bờ cõi, xây dựng lòng tin yêu, kính trọng nơi dân chúng. Cao hơn nữa, tính nhân văn trong triết học Trần Nhân Tông còn thể hiện ở sự nghiệp đánh giặc giữ nước, cứu dân, xây dựng một chế độ chính trị thân dân, một xã hội yên bình, thịnh trị. Ông chủ trương “khoan thư sức dân”, ban hành các chính sách để dưỡng dân và giáo dân, biết dựa vào sức mạnh của dân để làm kế thượng sách giữ nước và lấy đó làm cơ sở cho sự tồn tại vững chắc của nhà nước quân chủ. Việc ông tổ chức Hội nghị Diên Hồng đã thể hiện cao tinh thần lấy dân làm gốc. Đây là hình thức “Quốc dân đại hội” đầu tiên ở nước ta, lấy ý kiến của dân, tạo điều kiện cho dân tỏ rõ ý chí, quyết tâm và trực tiếp tham gia, góp phần quyết định vận mệnh của đất nước. Trong hai lần kháng chiến chống Nguyên - Mông, Trần Nhân Tông đã trở thành ngọn cờ cố kết lòng dân, lãnh đạo nhân dân vượt qua bao khó khăn, thử thách, đưa kháng chiến đến thắng lợi vẻ vang.

Một phần của tài liệu Triết học trần nhân tông (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(48 trang)
w