Nghệ thuật trần thuật

Một phần của tài liệu luận văn nghệ thuật thể hiện đề tài nông thôn trong sáng tác của nguyễn hữu nhàn (Trang 106 - 115)

Trần thuật là một yếu tố quan trọng tạo nên hình thức tác phẩm văn học. Nghiên cứu tác phẩm văn học thuộc phương thức tự sự không thể không tìm hiểu nghệ thuật trần thuật. Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”: “Trần thuật là phương diện cơ bản của phương thức tự sự, là việc giới thiệu, khái quát, thuyết minh, miêu tả đối với nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của người trần thuật nhất định” [6, tr.364]. Có thể thấy, trần thuật không thể tách rời cốt truyện, thành phần trần thuật bao hàm cả lời thuật (kể việc), lời miêu tả đối tượng, phân tích hoàn cảnh nhân vật, thuật lại tiểu sử nhân vật, lời bình luận, lời trữ tình ngoại đề, lời ghi chú của tác giả. Trần thuật là hoạt động bao quát trong tái hiện tác phẩm văn học, nó chi phối từ cốt truyện, kết cấu, không gian, thời gian đến ngôn ngữ giọng điệu. Nghệ thuật trần thuật trước hết được thể hiện ở điểm nhìn trần thuật. Khi kiến tạo tác phẩm, nhà văn phải lựa chọn cho mình một chỗ đứng thích hợp để kể câu chuyện: tham gia trực tiếp vào sự kiện cốt truyện hay đứng ngoài sự kiện. Việc tìm chỗ đứng này xác lập cho người kể một điểm nhìn trần thuật. Vì thế Nguyễn Hữu Nhàn đã lựa chọn phương thức trần thuật khách quan, trần thuật từ ngôi thứ ba trong các tác phẩm viết về nông thôn của mình. Đây cũng là quan điểm trần thuật truyền thống trong văn học. Phương thức trần thuật này giúp Nguyễn Hữu Nhàn tạo cái nhìn khách quan về phạm vi hiện thực bức tranh làng quê trung du miền núi Bắc bộ nơi ông đang sống và gắn bó. Do nhu cầu phản ánh hiện thực với tất cả sự phong phú và chiều sâu tâm hồn con người, có khi Nguyễn Hữu Nhàn trần thuật xen kẽ từ điểm nhìn bên ngoài đến điểm

nhìn bên trong nhân vật; có khi lại trần thuật theo điểm nhìn từ tính cách nhân vật. Người trần thuật ở đây đã nhập vai vào nhân vật, trần thuật qua nhân vật.

Trong các tác phẩm viết về nông thôn của Nguyễn Hữu Nhàn, quan điểm trần thuật khách quan giữ vai trò quan trọng. Với tài quan sát tỉ mỉ, tình cảm gắn bó sâu sắc với quê hương, nhà văn đã miêu tả bức tranh làng quê chân thực, chi tiết và gợi cảm, diễn tả từng số phận con người gắn với những câu chuyện về tình cảm hàng xóm láng giềng, tình yêu đôi lứa, tình yêu với mảnh đất quê hương…Nguyễn Hữu Nhàn là người hay hướng con mắt của mình vào những nét đẹp truyền thống của làng quê. Nhà văn tái hiện lại cảnh người nông dân ở thôn quê đông vui, nhộn nhịp chan hòa trong tinh thần tập thể, họ chung sức chung lòng “Chưa sáng ở quanh ngã ba cổng chào đã có hàng trăm người nhớn, trẻ con kéo đến, ngồi bệt bạt bên những vệ cỏ, đứng dựa vào những cây bạch đàn, ngồi xúm quanh những chiếc điếu cày, hoặc đang chòng ghẹo nhau, trẻ con ngã vào người lớn. Họ đấm nhau, đuổi nhau, cười, nói, văng tục, hò hét trong lúc người ta đang kéo đến, đang chờ đợi,

đang nhốn nháo. ” [11, tr.252]. Nhà văn hướng ngòi bút đến cận cảnh những

công việc đồng áng quen thuộc của người nông dân, họ cùng nhau lao động sản xuất phát triển hợp tác xã “người ta đang moi vét bùn, khơi lại con mương tiêu chua có tốp đang vơ cỏ, phát bờ. Nếu những chân ruộng quanh xóm đã cày bừa, cuốc nhụt cỏ, hết việc làm, họ cho chữa lại những đoạn đường bị sụt lở, giọi lại nhà chứa phân lân, hoặc chữa một vài cái tay bừa, làm những con cá cày mới , giậm một vài cái nan gầu rách” [11, tr.137]. Những công việc quen thuộc của nhà nông như cày bừa cấy hái cũng được nhà văn chú ý miêu tả, đặc biệt là cảnh các cô gái thôn quê trẻ trung khỏe mạnh gánh mạ đi cấy trên đồng ruộng “các cô đang gánh mạ sang ruộng cấy. Có cô nhanh nhẹn hơn đã gánh mạ xuống ruộng, đang vứt những cái mạ xuống ô ruộng của mình…lừa ném cho bắn nước lên quần áo nhau, và cười

như xé vải” [11, tr.302-303]. Dưới sự quan sát của nhà văn, thiên nhiên làng quê gắn với cuộc sống con người, trong không gian làng cảnh ấy là thế giới nhân vật sống và hoạt động trong đó, thiên nhiên hòa cảm với con người, sự hòa cảm đó được nhà văn kể lại “Vân cúi xuống, cấy lại những khóm mạ vừa nhổ. Cô đi ngang, nước kêu lắp bắp dưới chân cô. Nắng hòa vào ruộng nước đục ngầu gạch cua không hắt sáng lên nổi. Vòm trời vẫn soi sâu hun hút như cái đáy không cùng của thửa ruộng bị xóa nhòa đi. Nước âm ấm như vừa bắc

lên đun” [11, tr.304]. Với cảm hứng về những nét đẹp xưa của làng quê, cái

nhìn của nhà văn hướng về lễ hội truyền thống của dân tộc. Trong truyện ngắn “Chuyện họ chuyện làng”, lễ hội trò Mít của dân làng được nhà văn miêu tả sinh động và hấp dẫn “Ông từ đội bát nhang, ông trùm ôm bông lúa thần đi đầu. Họ được che tàn lọng. Đi sau là cờ quạt, chiêng trống rồi đến các vai diễn trò cầm các đồ đạo cụ vừa đi vừa múa hát trình nghề…Anh đi câu diễn lại nghề đánh bắt cá của làng vừa tung dây câu vào người các cô gái đẹp vừa nhử mồi vừa hát :

Cần câu câu búp câu rô Tôi nay câu lấy một cô chưa chồng ”

[11, tr.254] Qua những nét vẽ chân thực, sống động ta thấy được vẻ đẹp của truyền thống văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước, mọi diễn xướng đều hướng về yếu tố phồn thực, cầu cho nhân khang vật thịnh, người của đều sinh sôi nảy nở.

Từ cái nhìn khách quan, Nguyễn Hữu Nhàn còn thể hiện những quan sát đa diện, nhiều chiều, soi chiếu tình tiết từ nhiều góc độ, khi là điểm nhìn bên ngoài, lúc lại mô tả diễn biến nội tâm. Hầu như ở tác phẩm nào ta cũng thấy nhà văn như là người trong cuộc. Khi này người trần thuật “thâm nhập vào cảm xúc, suy nghĩ, ấn tượng, của nhân vật, nhìn thế giới theo con mắt của nhân vật và trần thuật bằng chính giọng điệu của nó” [21, tr.209], điểm nhìn

của người trần thuật đã hòa nhập vào điểm nhìn của nhân vật, tác giả có khả năng đi sâu biểu hiện thế giới nội tâm, những tâm tư tình cảm, những suy tư, trăn trở, những xáo trộn…trong tâm hồn nhân vật. Theo cách đó, nhà văn thường gọi nhân vật bằng tên hoặc bằng những đại từ như anh, cô…một cách thân mật, gần gũi. Qua điểm nhìn trần thuật này, nhà văn còn khái quát lên được nhiều những triết lý sâu sắc thâm thúy, thể hiện bản lĩnh và sự trải nghiệm cuộc sống. Từ đó giúp cho người đọc nắm bắt được một cách dễ dàng hơn ý nghĩa nội dung của tác phẩm, cũng như có thể chia sẻ với tác giả, với nhân vật nhiều những vấn đề của cuộc sống mà tác giả đặt ra trong tác phẩm. Từ điểm nhìn trần thuật là những suy nghĩ trăn trở bên trong nội tâm mà ta có thể thấy được những rung động sâu thẳm trong tâm hồn của từng nhân vật. Vân, cô kỹ sư nông nghiệp giỏi giang nhưng lại gặp nhiều những trắc trở trong cuộc sống. Sinh ra không phải tại nơi cô hiện đang sống và gắn bó nhưng trong Vân luôn luôn dấy lên tình yêu, sự trân trọng gắn bó với mảnh đất đang nuôi dưỡng cô “Nhất nhất trong ý nghĩ cô: đây chính là quê hương mình…Mỗi nỗi vui buồn, lo âu, thương nhớ, ước mơ, hoài bão của cô đều từ đất này ra. Với cô, chỉ từng ấy thôi, cũng đầy đủ ý nghĩa cho hai chữ quê

hương rồi.” [11, tr.67]. Cũng là tình yêu với mảnh đất quê hương nhưng ta

bắt gặp ở nhân vật Cuông thứ tình yêu cụ thể hơn với đất đai “Đất đang cựa dưới chân Cuông. Đất đang múa hát, đang tâm tình với Cuông. Mẹ Cuông sinh ra Cuông ở giữa cánh đồng. Vì thế, đối với Cuông đất là cô đỡ mát tay. Đất đã nuôi sống Cuông. Đất đang ưu đãi Cuông. Đang làm cho Cuông giàu có, vinh quang…Cuông cảm nhận qua bàn chân mình cái hơi ấm của sự phì nhiêu, cái nhân hậu của đất. Cuông vẫn nghĩ : đất chỉ ưu đãi những ai thật sự hiểu đất, quý đất, và sống chết với đất như anh. Anh sống gắn bó, thiết tha với đất đến mức trừ khi ngủ , thức dậy là lăn lộn ngay với đất” [11, tr.203]. Thật khó mà so sánh được tình cảm quê hương trong trái tim của mỗi người là

ai sâu đậm hơn ai. Bởi với mỗi người quê hương lại đi theo nhiều ngã rẽ khác nhau. Nhưng có lẽ dù ở nơi đâu trên đất nước Việt Nam, hoặc là một nơi nào đó trên quả địa cầu này thì mỗi người Việt vẫn có trong tim mình một quê hương để thương để nhớ. Phải chăng chính từ tình yêu xóm làng không thể rời xa của bản thân nhà văn nên đã chi phối tới tình yêu sâu đậm đối với quê hương của nhân vật. Mẹ mất sớm, Vân sống trong tình yêu thương đùm bọc nuôi dưỡng của người cha. Ngay từ nhỏ Vân đã thiếu đi bàn tay âu yếm dịu dàng của mẹ, chính điều ấy phần nào đã tạo nên tính cách có phần “nam tính”

ở cô. Vân quyết đoán, mạnh mẽ, nhưng lại thiếu dịu dàng, hiền thục. Vân giỏi giang, cụ thể trong công việc nhưng cô lại thiếu tinh tế và bộc trực trong tình cảm. Vì thế Vân đã vấp ngã trong tình yêu, cô quá dễ gục ngã trước những mưu mô nham hiểm của kẻ xấu. Trước cảnh tình yêu của Vân tan vỡ, nhà văn đã để cho hai cha con Vân ôm nhau khóc, trong đó mỗi cha con lại có một tâm trạng khác nhau. Vân quá đau đớn xót xa khi cô hiểu lầm Hào đã phản bội tình yêu của cô. Còn cha Vân lại khóc vì thương con, vì lo lắng cho hạnh phúc của con. Giọng điệu trần thuật của Nguyễn Hữu Nhàn khi này thật xúc động, nhà văn đã đứng ở điểm nhìn của tình phụ tử để miêu tả những giọt tình cảm của người cha chan chứa một tình thương con “Hai giọt nước mắt trong veo như hai giọt sương, như gạn lọc qua bao nhiêu nước mắt để chắt ra hai giọt tinh chất ấy, từ từ lăn xuống làn da khô dăn deo. Không còn nước mắt nữa, hai hốc mắt ông lão chỗ vừa ứa ra hai giọt đau khổ ấy cứ đỏ hoe và run run. Ông lão khóc khan…” [11, tr.349].

Nguyễn Hữu Nhàn quả thật rất sở trường khi biểu hiện nghệ thuật trần thuật qua tâm trạng của nhân vật. Nhiều khi nhà văn để cho nhân vật đứng ở tình thế chịu sự giằng xé, đấu tranh quyết liệt trong tâm hồn, để từ đó nhân vật tự lựa chọn suy nghĩ đúng đắn, lựa chọn con đường đi cho mình. Điều này được nhà văn thể hiện trong những suy nghĩ của nhiều nhân vật. Quá trình

đấu tranh với những thế lực phá hoại phong trào sản xuất của Sơn Đài với Đảm – Cô bí thư đảng ủy xã đã gặp phải không ít những khó khăn. Tuy nhiên kẻ thù trong trận chiến này nhiều khi không nguy hiểm bằng chính kẻ thù đang ẩn nấp trong tâm hồn, đó chính là sự hèn nhát, sự non kém trong bản lĩnh chính trị, vội vàng, nôn nóng, thiếu thận trọng. Đảm nghĩ “Cuộc đấu tranh không chia ranh giới địch ta rõ ràng. Cái mà ta tạm gọi là “kẻ địch” trong cuộc đấu tranh này có khi lại ở chính trong người ta. Chỉ cần ta lơ là, ta buông thả ta, không rèn luyện, không phấn đấu thì sớm muộn “kẻ địch” sẽ luồn lách vào trong ta mà gặm nhấm, mà đục khoét làm ta thoái hóa biến chất rồi quay lưng lại phía trận tuyến ta đang đứng” [11, tr.287]. Người nữ cán bộ này cuối cùng đã chiến thắng được bản thân, vượt qua những khó khăn thử thách trong công việc đưa phong trào của xã tiến lên, loại trừ được những phần tử xấu đem lại sự trong sạch cho chi bộ. Trong tiểu thuyết “Dốc nắng”, Hồng béo – cô gái trong sáng, chỉ vì thật thà trót yêu lầm và có thai với tên lừa lọc Hà Sự, nghe lời đường mật dụ ngon ngọt của Hà Sự, Hồng béo đã giữ lại cái thai và lên bà cô của Hà Sự ở Lào Cai để đẻ, trong thời gian đó Hà Sự dặn Hồng béo biên thư về cho Hào, bạn của Hồng nói là đi Hà Tây chữa bệnh. Vì muốn lật đổ Hào để tranh chức chủ nhiệm hợp tác xã, nhân cớ đó Hà Sự vu khống cho Hào với Hồng béo dan díu với nhau khiến cho Hồng béo có chửa. Những chuyện vu khống đó làm cho Hào tan vỡ tình yêu với Vân, bị chi bộ nghi ngờ. Hồng béo sau này biết chuyện cô đã rất căm phẫn Hà Sự, kẻ mà trước đó cô đã trót đem lòng yêu thương. Nhà văn đã để cho nhân vật Hồng tự dằn vặt mình với những đoạn văn trần thuật thể hiện sự đau đớn, giằng xé trong nội tâm, đó là sự đấu tranh giữa đúng với sai, giữa yêu thương với hận thù, giữa trong sáng, thật thà với khốn nạn, đểu giả “Chị có ngờ đâu, anh em họ nhà Hà Sự lừa mình đi, vừa để kín chuyện cho nó, vừa để ở nhà nó bêu riếu mình, hại anh Hào. …Hẳn rằng anh Hào đang coi mình là đứa đĩ

tàng, đĩ rạc…Chị thấy ái ngại quá cho anh Hào và càng thấy mình bẽ mặt làm sao với anh ấy. Không ngờ, chính mình đã phá hạnh phúc của anh ấy với nhà cô Vân” [11, tr.405]. Sau những đấu tranh, dằn vặt tự đáy lòng mình, Hồng đã quyết tâm nói ra hết sự thật để trả thù Hà Sự, lật tẩy bộ mặt thật xấu xa của anh ta, bảo vệ cho sự trong sáng của Hào và mong muốn níu kéo lại tình yêu của Hào và Vân. Nhân vật của Nguyễn Hữu Nhàn đã có những bước tiến triển có tính chất đột phá trong nội tâm. Hồng triền miên trong những trùng điệp trăn trở nội tâm, cô coi Hà Sự không thuộc giống người mà là giống con chó. Cô bức xúc quá và lao ra đường với suy nghĩ sẽ đi nói hết với Hào, cô muốn tìm lại cuộc đời mình. Chính những suy nghĩ chân thật, đúng đắn đó đã khiến cho Hồng có cái nhìn mới mẻ hơn về cuộc sống, mọi thứ xung quanh chị chợt trở nên thân thiết và đáng yêu hơn “Ngày ngày chị vẫn đi lại trên con đường này, đi úp mặt xuống mặt đường không hề một lần nhìn kỹ nó. Những ngày sống nhờ vả ở đất khách quê người, chị chán nản, nhớ nhà, nhớ ngay đến con đường ở đầu nhà mình. Bây giờ chị về với nó rồi. Chị thấy nó gần gũi và thân thiết làm sao.” [11, tr.407]. Chị đã thực sự tìm thấy được ý nghĩa đích thực của cuộc đời mình mà từ bao lâu nay chị đã bị Hà Sự cướp mất. Suy nghĩ từ nội tâm nhân vật hay suy nghĩ từ chính những trải nghiệm trong cuộc đời của tác giả gửi gắm qua nhân vật, hay là cả hai ta cũng không cần nhất thiết phải truy cho cùng nhưng có một điều ta nhận thấy có lúc nào đó ta đã suy nghĩ và hành động như suy nghĩ và hành động của nhân vật này “Con người thế đấy, đến nước cùng nhất, khốn nạn nhất có khi người ta từ tầm thường trở thành lớn lao, từ nhỏ nhen thành độ lượng, từ hèn mọn thành cao sang, từ ngu si thành hiểu biết…bởi chưng sự khốn cùng là bài học sâu sắc và thúc bách nhất của mỗi cuộc đời. Lúc khốn cùng chính là lúc mở mang nếu không chịu bế tắc” [11, tr.407]. Nghệ thuật trần thuật của Nguyễn Hữu Nhàn đã không chỉ dừng lại ở giá trị phục vụ cho nghệ thuật của một tác

phẩm, hơn thế nghệ thuật ấy đã luôn là bài học lớn cho mỗi người trong cách ứng xử với cuộc đời, với nông thôn.

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã gửi gắm những suy nghĩ của mình về cuộc đời, về tầm quan trọng và ý nghĩa của Làng trong trái tim mỗi con người

Một phần của tài liệu luận văn nghệ thuật thể hiện đề tài nông thôn trong sáng tác của nguyễn hữu nhàn (Trang 106 - 115)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)