TRONG SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN HỮU NHÀN
Có thể tạm chia sáng tác của Nguyễn Hữu Nhàn làm hai thời kì: Từ năm 1986 trở về trước và sau năm 1986 đến nay, hay nói cách khác, thời kì trước Nghị quyết X - đó là thời kì cơ chế tập trung quan liêu bao cấp cuộc sống lao động sản xuất nông nghiệp của người nông dân tập trung theo mô hình những hợp tác xã và thời kì sau 1986 - đó là thời kì đổi mới với năm thành phần kinh tế trong đó kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển và cơ chế thị trường ảnh hưởng sâu rộng, tác động sâu sắc đến đời sống của nông thôn Việt Nam. Toàn bộ phần nội dung thuộc chương hai, luận văn sẽ đi sâu vào làm sáng tỏ bức tranh hiện thực về nông thôn vùng trung du miền núi Bắc Bộ qua hai thời kì nêu ở trên và qua những tác phẩm cụ thể của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn.
2.1. Nét đặc trưng của nông thôn trung du miền núi Bắc bộ trong sáng tác của Nguyễn Hữu Nhàn sáng tác của Nguyễn Hữu Nhàn
Không gian đặc trưng của làng quê Việt Nam luôn gắn với những hình ảnh quen thuộc như dòng sông, cánh đồng, mái đình, cây đa, ao làng… tất cả đều gợi lên cảm giác thanh bình, yên tĩnh, thậm chí hoang sơ, hiu hắt. Không gian ấy vừa tĩnh lặng vừa mang vẻ đẹp bình dị, tinh tế của hồn quê. Không gian làng quê trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn ở thời kỳ trước và sau đổi mới vừa có những nét chung vốn có của làng quê Việt Nam vừa mang đậm nét đặc trưng riêng của cảnh sắc làng quê vùng trung du đồi núi Bắc Bộ. Làng quê của tác giả không đông đúc, nhà cửa san sát, bằng phẳng, nhiều ao hồ như những làng quê vùng đồng bằng chiêm trũng, mà nó thưa thớt, hoang sơ, lại là vùng “bán sơn địa” nên cảnh sắc làng quê luôn gắn liền với hình ảnh đồi núi gập ghềnh “những chòm, những xóm, những căn nhà ngự trên những quả đồi, dựa trên những sườn đồi, len lách trong kẽ đồi, thấy
heo hút, đơn điệu, và tẻ ngắt” [11, tr.98-99]. Đặc trưng cảnh sắc làng quê được Nguyễn Hữu Nhàn miêu tả với những hình ảnh rất đỗi thân thuộc gần gũi trong đời sống con người như con đường làng “Đường vắng. Chỉ thấy con đường rộng thông thênh. Con đường rải cấp phối lồi giữa. Loại đường đất này bằng bặn và êm hơn cả đường nhựa.” [11, tr.407], cái cổng tre của mỗi gia đình “Cổng mở ở chân dốc đi lên xóm, cái dốc sâu hun hút,chạy tọt vào giữa những lùm cây, nhìn nhẵn như mà ếch” [11, tr.31],“Cổng chống hạ xuống, nhưng cột cổng không gài then vào cái cọc cạnh hàng dứa tây” [11, tr.32], hay đơn giản chỉ là một vài nét chấm phá để làm hiện lên cảnh sắc hoang sơ, vắng vẻ, rất đặc trưng của vùng quê trung du “Bầu trời như cái gương lồng sáng chói úp chụp lấy làng đồi, từng chòm xóm, từng đồi hoang, rừng cây, vạt ruộng…bị phơi bày dưới cái nằng hè chan chan. Con đường làng dãi nắng đỏ bừng như bôi mực. Đường không bóng người, làng vắng ngắt. Đây đó râm ran tiếng ve sầu, thảng hoặc đôi ba tiếng gà eo óc” [11, tr.5].
Để làm nổi bật khung cảnh làng quê nông thôn, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn khi miêu tả thiên nhiên đã không xa rời cái tự nhiên của nó, ông chú trọng đến yếu tố nguyên sơ của cảnh sắc. Cuộc sống tự nhiên vận động theo chu kỳ ngày đến đêm, và đây là không gian buổi sáng với không khí trong lành trên quê hương vùng trung du “Khi ấy một bầy khướu bay về, đánh thức khu rừng sặt gần chân núi bằng nhiều giọng hót vội vã như tranh cướp nhau. Tiếng một con cu gáy ở đồi sặt mé ngoài. Đồi sặt lồng phồng một màu xanh xốp. Thấp thoáng có những cái măng sặt nhọn vót cần câu. Chốc nữa, mặt trời nhô lên, ánh nắng lia ngang vào lớp lá sặt ngoài cùng; lớp lá nọ nhòe màu vào lớp lá kia để rừng sặt có vẻ đẹp sâu thăm thẳm như tranh sơn mài. Những con chim chào mào, họa mi đang bay về rừng sặt. Bầu trời buổi sáng rộng dài vì tiếng chim. Thế rồi mặt trời lên. Rừng sặt óng ánh bởi hàng ngàn
tia nắng nhỏ bắt sáng vào những cái lá đang rung rinh. Nắng nhảy nhót và tiếng chim reo. Đó là khoảnh khắc tươi mát, rực rỡ của mỗi ngày hè” [11, tr.227]. Đặc trưng của vùng trung du đồi núi hiện lên khá rõ nét, tựa như những thước phim quay chậm, âm thanh và hình ảnh chan hòa vào nhau, buổi sáng ban mai tươi mát, rực rỡ, rộn ràng với rất nhiều âm thanh của nhiều loài chim đua nhau hót, nào là khướu, họa mi,…và hình ảnh những rừng cây sặt cũng chính là một phần hồn của làng quê trung du Phú Thọ “Tiếng chim hót vang lên trong đồi sặt gần chân núi. Bầy khướu, họa mi vừa hót vừa bay nhảy trên những lùm sặt. Một con quạ ở đâu đó kêu những tiếng trầm và nặng đè lên những tiếng trong trẻo ríu rít của bầy chim kia” [11, tr.363].
Thiên nhiên nơi vùng quê trung du bao giờ cũng vậy, luôn luôn khắc nghiệt hơn vùng đồng bằng. Rét cũng đậm hơn vì có nhiều núi đá vôi, mà nắng thì cũng gắt hơn vì nhiều đồi núi, đất đai cằn đá sỏi. Vùng quê trong tác phẩm của Nguyễn Hữu Nhàn đúng là vùng đất như dân gian thường nói “chó
ăn đá, gà ăn sỏi”. Cái nắng chói chang, cháy da, cháy thịt được tác giả nói
đến qua nhiều tác phẩm, và phải chăng đó cũng là ấn tượng để tác giả dùng đặt tên cho các tác phẩm như “dốc nắng, chớm nắng”. Đây là cái nắng gắt của một buổi trưa hè chụp lên cái làng đồi nghèo đói “ Từng chòm xóm, từng đồi hoang, rừng cây, vạt ruộng…bị phơi bày dưới nắng hè chan chan. Con
đường làng dãi nắng đỏ bừng như bôi mực” [11, tr.5], “Nắng chang chang
ngoài sân. Lượt sỏi trên mặt sân như bị nắng rang cháy, tím bầm vào” [11,
tr.42], cảnh sắc thiên nhiên buổi trưa của làng quê vùng trung du thật không lẫn vào đâu được “Càng về trưa trời càng nắng gắt. Nắng táp xuống sân gạch. Cái sân như đang cháy ngùn ngụt – một đám cháy không có ngọn nhưng hơi lửa bốc lên thành những vòng sáng nhòe nhoẹt xoắn xuýt lấy tầm mắt, nhìn chói chang hơn nhiều so với những đám lửa thực. Nắng làm cho những cành cây ngọn lá mềm rũ, tái nhợt. Màu cây huyết rụ, cạnh bể nước
xám đi. Những cây đinh lăng ở mép sân đều vàng hết lá.” [11, tr.58]. Đọc những tác phẩm của Nguyễn Hữu Nhàn ở thời kỳ trước đổi mới có lẽ cái ấn tượng với người đọc nhiều nhất chính là cảnh nắng chói chang của buổi trưa hè “Nắng vàng hai mắt cô. Cô chợt thấy làng mình đang héo lả trong cái nắng hè chang chang: Những tàu cọ xém nắng đen đi một góc; mấy tàu lá chuối hiếm hoi đã úa vàng; những cành tre rũ ra đường đều quăn lá; những bụi sim mua mọc hai ven đường cằn thấp xuống; đồi bạch đàn, mấy tháng trước, lá còn xanh bây giờ ngả ra màu tím; thân bạch đàn bong vỏ, trắng bợt, trong xa như những vệt vôi rớt xuống.” [11, tr.98]. Tuy nhiên, qua việc ghi lại cảnh vật dưới cái nắng hè oi bức, ta nhận thấy được những hình ảnh tiêu biểu của quê hương như những tàu cọ, bụi tre, bụi sim, đồi bạch đàn, nghe được nhưng âm thanh thân thuộc của thiên nhiên như tiếng ve sầu, tiếng gà quê nơi làng quê trung du của tác giả. Tiểu thuyết “Dốc nắng” được Nguyễn Hữu Nhàn viết năm 1984, trước thời kỳ đổi mới, cuộc sống của người nông dân lúc này thật khốn khó, sau chiến tranh đất nước kiệt quệ và lạc hậu. Người nông dân dẫu một nắng hai sương trên đồng ruộng mà cuộc sống vẫn nghèo đói. Tiêu đề “Dốc nắng” của tiểu thuyết cùng tên đã như một ẩn dụ, thiên nhiên đành rằng khắc nghiệt, cái nắng như thiêu như đốt, nhưng cái cấp thiết là cần có một sự thay đổi, cần có một cuộc sống mới.
Khi miêu tả cảnh thiên nhiên, tác giả đặc biệt chú ý khung cảnh làng quê buổi chiều và khi hoàng hôn buông xuống. Không gian làng quê trung du buổi chiều đậm vẻ oi ả, bức bối “Mặt trời đã xế chiều. Nắng gắt như táp lửa xuống làng anh. Nắng xua hết người ở ngoài đường, ngoài đồng vào nhà. Không gian lúc nào cũng sôi lên tiếng ve, nhức cả óc. Da trời phồng lên xanh ngắt, không hề gợn một vệt mây. Đợt nắng kéo dài đã làm giảm đi nhiều màu xanh của làng anh. Cả những bãi cỏ gà, mần chầu cũng cằn lại không đủ che kín mặt đồi sỏi đá ở bên kia cánh đồng. Màu nâu sẫm của đất đá ong, sỏi vụn
màu đỏ tím của đá granit đang càng ngày càng lan rộng…” [11, tr.66]. Cảnh sắc buổi chiều được nhà văn tái hiện lại bằng cái nhìn hiện thực, rất đặc trưng và phù hợp với không gian cảnh quê núi đồi trung du “Mặt trời còn cao. Nhưng mặt trời xa hơn. Nắng nhạt. Nóng cũng dịu dần. Vào những ngày hè gắt, cứ tầm này, mặt trời như bọc trong cái màng mỏng, nhúng vào nước sôi, chín tái, bớt chói chang để nhìn rõ đường tròn quanh nó cắt nét vào da trời xanh lơ. Chốc nữa chân trời phía ấy sẽ ngả từ màu da cam sang đỏ ối như một bãi máu tươi và những dải mây duy nhất trong ngày hiện lên như những cái nan xòe rẻ quạt.” [12, tr.149-150]. Không gian buổi chiều được cảm nhận và miêu tả ở bề rộng, thiên nhiên mang một vẻ đẹp hoang sơ, hiu hắt, vẫn là những hình ảnh rất đỗi thân thuộc: “Mặt trời đã khuất sau ngọn núi cao . Bóng núi trùm lên vùng đồi mênh mông trống trải này bằng một màu xám tro, chỉ còn vài ba vệt nắng yếu ớt như phần cuối của ánh đèn pha chiếu đến từ kẽ núi bên kia làm ngọn đồi bạc phếch mấy quãng. Nắng dựng ngược vàng hánh cả da trời. Vùng đồi rộng dài ra hơn. Màu trắng hoa chè và cốt khí, lau sậy, nổi từng cụm trắng ở sườn đồi, đẩy những mỏm đồi nhô cao. Những cây cọ về chiều dáng càng gầy và cao lêu đêu. Bóng núi đang loang ra trong chiều hoang vắng…” [11, tr.150].
Nguyễn Hữu Nhàn đã rất khéo léo trong việc dựng cảnh, bước đi của không gian và thời gian luôn song hành và trong đó tâm điểm vẫn là cảnh vật chịu sự chi phối của thời gian và không gian. Không gian đậm chất quê với cảnh núi đồi đồng ruộng đan xen, mặt ruộng như là tấm gương của trời, phản chiếu vẻ đẹp của hoàng hôn đang bao trùm lên quê hương, thiên nhiên đẹp một vẻ đẹp lung linh, kỳ ảo vốn có của tạo hóa, chỉ cần một chút dụng công của nhà văn, bức tranh thiên nhiên đậm chất quê hiện lên như một kiệt tác
“Mặt ruộng đang hắt ánh hoàng hôn. Mỗi thửa ruộng là một khung trời thăm thẳm mang những dải mây hồng. Càng ra giữa cánh đồng, càng thấy hoàng
hôn tím sẫm ở chân trời. Lên cao, màu tím nhạt dần, chỉ còn phảng phất mơ hồ trong mây vàng, mây đỏ. Ánh sáng ngày phủ mỏng trên da trời đang bị mài mòn để chốc nữa từng đợt sao nổi lên chi chít. Trên khoảng trời rộng đang chuyển màu ấy, mới chỉ có chấm sao hôm và mảnh trăng như miếng dứa xanh thái mỏng. Những ngọn đồi và hết thảy những lùm cây trước mặt đều sẫm lại nhòe vào hoàng hôn. Màu tím ở chân trời vì thế càng lung linh và huyền ảo.” [11, tr.172-173]. Khi dựng cảnh thiên nhiên nhà văn đã không quên dành cho không gian đêm tối ở quê mình một vẻ đẹp huyền bí “Lúc
hoàng hôn còn biêng biếc tím trên cánh đồng người ta đã thấy trên nền trời màu gio nhạt: mảnh trăng non và chấm sao hôm lẽo đẽo theo sau trăng. Mảnh trăng và ngôi sao kia chỉ hết đi vẻ đơn điệu, nhạt nhẽo khi nền trời sau nó đen thăm thẳm như nền tranh sơn mài và chúng sẽ gây nên những ấn
tượng đặc sắc trong hằng hà sa số những vì sao.” [11, tr.179]. Làng quê Việt
Nam muôn đời nay vẫn thế, về đêm làng mạc yên tĩnh đến gần như ngủ say trong khuôn sáo của những tục lệ không bao giờ thay đổi, cái thế giới thôn quê chất phác “nhũn nhặn và quen thuộc” quá “Mới gà gáy ba bận, làng xóm vẫn tối mịt. Nền trời sao chi chít đã xa mờ. Chùm sao tua rua, khuất sau ngọn núi. Ngôi sao mai vừa mọc, tỏ rõ, nhưng còn thấp và khuất sau đồi bồ đề. Ánh sao mai chưa đủ để làm loãng bóng đêm dày phủ kín những chòm nhà đồi.”
[11, tr.251].
Yêu quê là yêu những gì vốn thân thuộc và gần gũi với cuộc sống hàng ngày, là người sinh ra ở vùng quê bước ra cửa là thấy cọ, thấy chè, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã rất trân trọng sản vật tự nhiên của quê hương mình. Vì thế, ông đã dành những trang viết hết sức sâu lắng, đặc tả một cách rất chi tiết cảnh những đồi cọ nơi làng quê “Vạt cọ ở đây xanh um. Có những cây to, thẳng tuột vì những bẹ cẫng từ gốc lên vẫn bền chắc. Hai bên rìa cẫng cọ chi chít những gai nhọn và cong như móng vuốt mèo. Quanh thân những cây cọ
đầy rẫy những cây tiết dê, đồng tiền leo lên và những cây ké gai, sọng đũa, cà độc dược mọc từ trong kẽ bẹ, chìa những cành ra ngoài như sắp tuột rơi xuống đất. Những cây phong lan mọc cao hơn, thứ phong lan lá dài như lá tóc tiên buông ra những chùm hoa trắng nhỏ giống hệt hoa đỗ ván. Ở những cây cọ này thường là chùm lá của nó ở trên ngọn, nhìn thưa thớt, nhỏ, không cân đối với thân cây và vì thế, nó không có cái dáng hấp dẫn đối với các nhà nghệ sĩ tạo hình.” [11, tr.374]. Những đồi cọ xanh tươi bao đời nay đã như biểu tượng cho vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên nông thôn trung du miền núi, hơn thế nữa, cây cọ còn như một biểu tượng cho sự trường tồn của sự sống
“Trên những vùng đồi dốc dếch, sỏi đá như gai góc này, những cây cọ luôn luôn gợi trong anh về một cuộc sống quyết liệt, dẻo dai và bền vững.” [11, tr.374]. Thiên nhiên vùng đồi núi này không thể thiếu đi hình ảnh những đồi cọ. Cùng với nhiều loài cây khác, cọ đã tôn thêm cho cảnh sắc quê hương vẻ đẹp của sự bền vững, mạnh mẽ “Những cây cọ trên đỉnh đồi sau đội hai in cắt nét vào nền trời đến mức thấy rõ hai hàng gai như răng cưa trên từng cẫng cọ. Những thân cọ song song như những song cũi nhốt mặt trời ở trong.” [11, tr.171] mà cũng không kém phần mềm mại uyển chuyển, tạo cho thiên nhiên làng quê sự hòa hợp, một vẻ đẹp rất lãng mạn “Trăng non như bị một búp cọ xiên vào, đang tụt dần xuống buồng quả và cụm cẳng gai của cây cọ ở sườn đồi trước mắt. Mảnh trăng non còn nhạt thếch chưa gây một ấn tượng sâu sắc trên nền trời sâu thẳm và dày sao. Làn gió hiếm hoi chợt đến. Tiếng gió nặng nề khi chà sát qua những tàu cọ. Búp cọ lắc lư khoan sâu vào mảnh trăng, Đường chân trời bị uốn cong như con đường dốc về làng.” [11, tr.26].
Thiên nhiên làng quê trong sáng tác của Nguyễn Hữu Nhàn luôn gắn liền với cuộc sống sôi động của những người nông dân đang xây dựng quê hương, cảnh công trường đang xây dựng thật hoành tráng “Con đập dài hai
trăm mét nối liền hai quả đồi. Những sườn đồi như miệng phễu rót nắng xuống công trường. Nắng bị mũ nón chắn ngang chỉ dội xuống mặt đất từng vệt như rắc nghệ vàng.” [11, tr.7], cuộc sống lao động tấp nập nhằm thay đổi bộ mặt làng quê, xây dựng quê hương giàu có dựa trên cơ sở kinh tế nông nghiệp được nhà văn miêu tả rất cụ thể “Dưới kia đất bị đào xới, bắt nắng đỏ rực. Tiếng người cười nói, tiếng đào, đóng, tiếng đất lở, đá lăn quện vào nhau