Phân loại tin

Một phần của tài liệu Vấn đề đưa tin về hội nghị thượng đỉnh mỹ triều tiên lần thứ 2 tại hà nội trên báo mạng điện tử (khảo sát báo mạng điện tử fox news, the korea times và vnexpress) (Trang 35 - 43)

1.4.1. Cơ sở phân loại

Tin được chia theo nhiều dạng phụ thuộc vào những tiêu chí xem xét khác nhau. Việc chia theo dạng này hay dạng khác chỉ mang tính chất tương đối. Mục đích của việc phân loại tin là để sắp xếp các tin trên trang báo hay bản tin được dễ dàng và hợp lý hơn. Việc chia thành từng dạng tin không chỉ giúp cho người viết dễ dàng khai thác, tổ chức sắp xếp thông tin và biên tập tin mà còn khiến cho tờ báo có lượng thông tin dồi dào, phong phú và hấp dẫn công chúng.

Theo cuốn sách “Sáng tạo tác phẩm báo mạng điện tử” của PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, thể loại tin được phân chia theo nhiều cách thức khác nhau [11, tr.68]:

 Nếu chia theo địa danh, vùng miền thì có tin địa phương, tin trong nước, quốc tế.

 Theo tiêu chí là lĩnh vực phản ánh có thể phân chia thành: tin chính trị, kinh tế, văn hoá, an ninh – quốc phòng, thể thao,…

 Theo tiêu chí mức độ phản ánh (nội dung, mục đích, phương pháp sáng tạo) sẽ có tin vắn, tin ngắn, tin sâu, tin công báo, tin tường thuật, tin tổng hợp

 Theo như một số tài liệu giảng dạy bằng tiếng Anh, có hard news (tin “cứng”) và soft news (tin “mềm”). Những tin tức mà giá trị thông tin nổi bật về “tầm quan trọng” được gọi là hard news. Những tin tức “mềm” (soft news) là những tin tức mà giá trị thông tin của nó được xác định bởi sự quan tâm của công chúng

Trong khoá luận này, với phạm vi và khả năng của tác giả, thể loại tin sẽ được phân chia theo nội dung và hình thức với những đặc điểm và tính chất riêng biệt.

1.4.2. Các loại tin

1.4.2.1. Phân theo nội dung

 Tin vắn

Định nghĩa: Tin vắn là dạng tin có dung lượng rất ngắn, ngắn nhất trong các thể loại tin (độ dài khoảng 20 – 50 từ), có nhiệm vụ thông báo một cách ngắn gọn nhất về sự kiện. Đó là những thông tin thô và khô khan, được chọn lọc với số từ tối thiểu và bị hạn chế trong việc nêu lên những vấn đề xoay quanh sự kiện và không có bình luận.

Đặc điểm

- Tin vắn thường trả lời cho bốn câu hỏi đó là: Chuyện gì? Ở đâu? Khi nào? Và Ai? Toàn bộ nội dung tin vắn chó thể gói gọn trong một đến hai câu với những thông điệp cô động nhất về sự kiện đang diễn ra.

- Tin vắn được viết theo nhiều dạng. Người viết tin vắn không nhất thiết phải viết theo mô hình kim tự tháp ngược mà đôi khi, trình bày theo tuần tự thời gian lại tốt hơn.

- Mào đầu và thân tin của tin vắn không nên có sự tách rời. Toàn bộ sự kiện, sự việc được chọn để phản ánh cần trình bày gọn và rõ ràng trong một số câu liên tục.

- Tin vắn rất dễ nhớ và dễ bố trí trong các bản tin, các chương trình phát thanh, truyền hình. Nhưng chính vì tính chất quá ngắn nên tin vắn không thể tìm hiểu hiêm về tính chất cũng như các mối liên hệ phức tạp trong sự kiện đang diễn ra [11, tr.69].

Tin ngắn

Định nghĩa: Tin ngắn là tin có dung lượng lớn hơn tin vắn, khoảng 100 – 150 từ. Tin ngắn là dạng tin có các thành phần kết cấu tương đối đầy đủ, trả lời được những câu hỏi cơ bản của tác phẩm báo chí: 5W + 1H, chủ yếu phản ánh những thông điệp quan trọng về quy mô, tính chất, nguyên nhân, ý nghĩa của sự kiện. Từ mức độ biết, tin ngắn đã tiếp cận đến mức độ hiểu về sự kiện.

Đặc điểm

- Tin ngắn bắt buộc phải có đầu đề, đây là dạng thông tin phát triển rộng hơn tin vắn. Tin ngắn trả lời đầy đủ các câu hỏi 5W + 1H (Who? What? When? Why? How?) để làm rõ nguyên nhân, tiến trình của sự kiện, mối quan hệ nội bộ hay quan hệ của sự kiện với bối cảnh, môi trường xung quanh.

- Tin ngắn có thể chia nhiều đoạn khác nhau. Thông thường, đoạn đầu tiên là nội dung tin vắn, tiếp theo là phần giải thích thêm các yếu tố liên quan.

- Tin ngắn đứng độc lập trong một tờ báo.

- Tin ngắn chiếm tỷ lệ nhiều nhất trên báo chí hiện nay vì có độ dài vừa phải nhưng chứa được lượng thông tin khá đầy đủ về quy mô, tính chất của sự kiện [11, tr.70].

Tin sâu

Định nghĩa: Tin sâu là tin có dung lượng lớn, phản ánh trình độ nhận thức sâu về sự kiện thời sự. Tin sâu không chỉ phản ánh diện mạo của sự kiện

mà còn khám phá các bình diện khác nhau, phân tích tính chất, đặc điểm, nhận định về xu thế vận động, ý nghĩa và hậu quả của sự kiện đối với xã hội. Mục đích của tin sâu là tạo ra khả năng hiểu sự kiện.

Đặc điểm

- Tin sâu cho phép phát triển thông tin và giải thích thêm, có thể nhắc lại những sự việc xảy ra trước đó, đưa ra những thông tin về tiểu sử, trích dẫn một số lời phát biểu. Tuy nhiên, nó chỉ đưa ra một thông tin duy nhất và gồm nhiều đoạn, đoạn đầu là tin ngắn và ít khi vượt qua 350-400 từ.

- Tin sâu trả lời hai nhóm câu hỏi: Nhóm 5 câu đầu là cơ bản mà bất cứ tin nào cũng phải thoả mãn: Who (Ai), What (Cái gì), When (Khi nào), Where (Ở đâu), How (Như thế nào) và nhóm các câu hỏi tập trung khai thác chiều sâu của sự kiện: Tại sao? Bị ảnh hưởng bởi yếu tố nào? Tác động đến cái gì? Kết quả (hậu quả) ra sao? Xu hướng thế nào?

- Tin sâu dành sự chú ý cho việc tìm hiểu, phân tích các khía cạnh phong phú của sự kiện, tức là trả lời 2 câu hỏi của nhóm sau, đây là điểm đặc trưng của tin sâu.

- Nội dung tin sâu thường được triển khai theo hai hướng chính. Hướng thứ nhất là tập trung phản ánh các tầng vỉa theo chiều sâu nhận thức về một sự kiện. Hướng thứ hai phát hiện, khai thác các mối quan hệ theo chiều rộng hoặc mở ra đến mức tập hợp, liên kết một loạt sự kiện đồng cấp để làm rõ một sự kiện lớn hay một vấn đề nào đó

- Kết cấu của tin là đầy đủ nhất, hoàn chỉnh nhất. Tin sâu phải có đầu đề, mào đầu và có thể có một hoặc nhiều ảnh minh hoạ, đôi khi có thể có đầu đề phụ để làm rõ chủ đề, giúp người đọc dễ theo dõi các thông tin chính, bởi tin sâu thường đưa ra nhiều thông tin, bao gồm cả thông tin chính xác và các tin bên lề.

- Ngôn ngữ trong tin sâu vẫn là ngôn ngữ sự kiện đặc trưng với tính chất khách quan trực tiếp, câu văn ngắn gọn, chặt chẽ.

- Cuối tin sâu có thể ghi rõ tên tác giả [11, tr.71].

Tin tường thuật

Định nghĩa: Tin tường thuật là dạng tin phản ánh những sự kiện quan trọng, tiêu biểu, thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội. Tin tường thuật bám sát trật tự, trình tự diễn biến của sự kiện khi đưa tin.

Đặc điểm

- Dung lượng lớn hơn tin ngắn dao động khoảng 200 từ. Tin phản ánh diễn biến các sự kiện thời sự quan trọng, do vậy, tập trung khai thác theo logic vận động của sự kiện, các chi tiết của sự kiện lần lượt xuất hiện theo thứ tự khách quan.

- Phương pháp thể hiện của tin tường thuật là kể kết hợp mô tả, qua đó nhà báo có thể bộc lộ thái độ, quan điểm của mình qua việc lựa chọn những chi tiết, qua những nhận định, đánh giá về sự kiện.

- Trong tin tường thuật thường xuất hiện “khuôn” ngôn ngữ. Trong tin chính trị, “khuôn” ngôn ngữ chính là những từ ngữ mang sắc thái trang trọng [11, tr.73].

Tin tổng hợp

Định nghĩa:

- Tin tổng hợp là dạng tin phát hiện, khai thác các mối quan hệ theo chiều rộng hoặc tập hợp, liên kết một loạt các sự kiện đồng cấp nhằm làm rõ một sự kiện hay một vấn đề nào đó.

- Tin tổng hợp tóm tắt, tái hiện, hệ thống lại những sự kiện quan trọng, tiêu biểu về các lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang xảy ra trong thời gian và không gian nhất định.

- Tin tổng hợp được viết ra từ những thông tin thu thập được từ tin nhanh, tư liệu tuyên bố, họp báo,…

- Tin tổng hợp thông báo về hàng loạt những sự kiện, sự việc có tầm quan trọng ngang nhau. Tin tổng hợp có nội dung rất phong phú, phản ánh được các bình diện, góc độ của sự kiện, được sử sụng rộng rãi bởi nó đáp ứng nhu cầu khách quan của công chúng về thông tin.

- Tin tổng hợp không nhất thiết phải viết về một sự kiện thời sự, mà cho phép “điểm lại” chủ đề. Vì vậy, nó không phát triển như thể loại điều tra và không sinh động bằng phóng sự. Nó phổ biến trong các tờ báo.

- Tin tổng hợp là kết quả thu thập tài liệu, quan sát cuộc sống…trong một thời gian nhất định của phóng viên. Người làm tin phải có năng lực lựa chọn, phân tích, tổng hợp, xâu chuỗi các sự kiện và trình bày làm cho sự kiện không chỉ có ý nghĩa mà còn kết dính với nhau, đồng thời phải có sức lôi cuốn người đọc, không tạo cảm giác rời rạc, chắp vá.

- Các chi tiết trong tin tổng hợp thường có tầm quan trọng ngang nhau, vì vậy, mô hình thường được sử dụng khi viết tin tổng hợp là hình chữ nhật để giúp công chúng tiếp nhận thông tin một cách dễ dàng nhất.

- Tính thời gian của tin tổng hợp không cấp bách như tin khác. Có thể chờ kết thúc hàng loạt sự kiện rồi tổng hợp, xâu chuỗi lại những sự kiện đó theo thời gian.

- Tin tổng hợp là một dạng khác của tin sâu, vì vậy thông tin trong nó vừa đi vào chiều sâu, lại vừa mang tính tổng hợp, khái quát. Tin tổng hợp rộng hơn tin sâu nhưng không sâu bằng tin sâu. Nó bao phủ một diện rộng trên bề mặt một sự kiện nhưng chưa sâu vì còn bị giới hạn bởi dung lượng.

- Tin tổng hợp không chỉ dựa vào một sự kiện, mà nó bao gồm rất nhiều sự kiện tập hợp lại. Nhìn bề ngoài, dường như đó là những thông tin rời rạc, không liên quan đến nhau, nhưng thực chất, chúng đều có sự thống nhất về mặt nội dung và tư tưởng.

- Tin tổng hợp thường được viết theo hai hướng: Tổng hợp một vấn đề (tổng hợp nhiều chi tiết, sự kiện của cùng một vấn đề để làm rõ hơn, có cái

nhìn ở nhiều góc độ hơn, khái quát hơn về vấn đề đó) và tổng hợp nhiều vấn đề một lúc, nhưng các vấn đề đó đều có chung một kết quả [11, tr.74]

Tin công báo

Định nghĩa:

- Tin công báo là dạng tin thông báo chính thức về hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, toà án,…: công bố Hiến pháp, pháp lệnh, chỉ thị của các cấp có thẩm quyền, các nghi thức ngoại giao như điện mừng hoặc chia buồn của các nguyên thủ…Những thông tin này có tính thời sự và ý nghĩa chính trị - xã hội lớn nên thu hút được sự quan tâm của dư luận.

- Tin công báo là văn bản do các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội phát hành với mục đích cung cấp thông tin về hoạt động của mình tới đông đảo công chúng. Trên báo chí, tin công báo được biểu hiện ở hai hình thức: là một văn bản hoàn thiện hoặc là nguyên liệu cho tác phẩm.

- Để viết tin công báo, trước tiên nhà báo phải quyết định đăng toàn bộ hoặc các đoạn trích của báo cáo. Sau đó đặt đầu đề và thêm phần mào đầu, cũng có thể thêm tít xen, rút ra một số đoạn của báo cáo đặt trong khung, chuyển các con số thành đồ thị.

Đặc điểm

- Tin công báo được đăng tải hay phát trên đài theo chỉ đạo, có tính chất bắt buộc, được sử dụng gần như nguyên văn. Thông tin mang tính chính thức do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm, quyền hạn cung cấp nên bảo đảm tính chính xác, kết cấu hoàn chỉnh, ngôn ngữ chân phương, nghiêm túc, dễ hiểu. Do văn bản mang tính chính thống, chuẩn mực nên khi sử dụng trên báo chí, toà soạn phải tôn trọng những thông tin trong văn bản gốc, không được tự ý thêm bớt, sửa đổi hoặc bổ sung lại văn bản đã được cung cấp.

- Tin công báo thường được đăng, phát ở những vị trí trang trọng, thời gian quan trọng (trang nhất hoặc phần đầu của chương trình thời sự). Có

những quy chuẩn cho từng loại công báo về cách trình bày, các phần nội dung [11, tr.76].

1.4.2.2. Phân theo hình thức

Ảnh tin

Định nghĩa: Là dạng thông tin mà hình ảnh đóng vai trò chính trong việc truyền tải thông tin đến công chúng.

Đặc điểm

- Hình ảnh trong ảnh tin phải diễn tả sinh động, cụ thể một khía cạnh cơ bản nhất, điển hình nhất của sự kiện, đối tượng được phản ánh.

- Phần lời chú thích trong ảnh tin có nhiệm vụ giải thích cho tấm ảnh và bổ sung những thông tin phụ.

Tin video

Định nghĩa: Là dạng tin được trình bày dưới dạng một video, bao gồm đầy đủ các yếu tố: văn bản, hình ảnh và âm thanh. Đây là một dạng tin mới, xuất hiện trong một vài năm gần đây nhưng được sử dụng rất phổ biến trong nền báo chí trong nước và quốc tế

Đặc điểm

- Hình ảnh trong tin video phải rõ ràng, sinh động, mô tả sinh động sự kiện, vấn đề đang được đề cập

- Phần văn bản trong tin video có nhiệm vụ giải thích và bổ sung thông tin cho các hình ảnh xuất hiện trong video.

- Phần chữ và hình ảnh phải có sự liên kết để giúp công chúng hình dung rõ ràng nhất những gì đang diễn ra.

- Tin video thường khá ngắn, không dài dòng nhưng vẫn cung cấp đủ lượng thông tin cần thiết cho độc giả.

Tin đa phương tiện

Định nghĩa: Là dạng tin có sự kết hợp của các yếu tố đa phương tiện: Văn bản, hình ảnh, âm thanh, video,.. nhằm tăng mức độ khách quan và chân

thật của thông tin đến với công chúng. Tin có sử dụng từ 2 yếu tố đa phương tiện trở lên (trừ văn bản) thì được gọi là tin đa phương tiện.

Đặc điểm

- Tin đa phương tiện là tin sử dụng nhiều yếu tố thị giác tăng mức độ tương tác giữa công chúng với thông tin.

- Yếu tố đa phương tiện trong tin được trình bày đa dạng, phóng phú nhằm tối ưu hoá khả năng tiếp nhận thông tin của công chúng.

Một phần của tài liệu Vấn đề đưa tin về hội nghị thượng đỉnh mỹ triều tiên lần thứ 2 tại hà nội trên báo mạng điện tử (khảo sát báo mạng điện tử fox news, the korea times và vnexpress) (Trang 35 - 43)