Đặc điểm của thể loại tin trên báo mạng điện tử

Một phần của tài liệu Vấn đề đưa tin về hội nghị thượng đỉnh mỹ triều tiên lần thứ 2 tại hà nội trên báo mạng điện tử (khảo sát báo mạng điện tử fox news, the korea times và vnexpress) (Trang 32 - 35)

1.3.1. Đầu đề ngắn và tạo ấn tượng mạnh

Tít (đầu đề) là tên gọi của tác phẩm báo chí, là cơ sở để phân biệt bài báo này với bài báo khác, giúp người đọc xác định mức độ quan trọng của thông tin và chọn đọc.

Tít cho độc giả biết chuyện gì đã xảy ra và vì sao độc giả quan tâm tới nó. Tít là phần độc giả đọc trước tiên và nó quyết định số phận bài báo. Nếu tít hay độc giả sẽ tiếp tục đọc bài báo, nếu tít dở có 50% khả năng bài báo đó sẽ bị bỏ qua. Có thể nói, tít là câu quan trọng nhất trong một bài báo nói chung và thể loại tin nói riêng. Chính vì vậy, để thu hút độc giả, nhiều tờ báo đã sử dụng những đầu đề ngắn, gây ấn tượng và ngay lập tức hút mắt người đọc. Tuy nhiên, ranh giới giữa hấp dẫn và giật gân là rất nhỏ.

Đã từng có một thời gian, báo chí Việt Nam khủng hoảng vì những tít báo giật gân, câu lượt xem, lượt thích tạo ra cảm giác khó chịu và gây phản cảm trong công chúng. Đặc điểm của của những tít báo đó thường là “treo đầu dê, bán thịt chó”. Tít cho người đọc cảm giác “mạnh” nhưng khi đọc thông tin lại không hề như phần tít đã đề cập.

Một tít tin hay và hấp dẫn là một tít phải có ngôn ngữ ngắn gọn, hàm súc nhưng thể hiện được nội dung tin muốn đề cập. Chỉ bằng việc sử dụng những từ ngữ sắc nét, cô đọng, giàu tính biểu cảm, nhà báo, phóng viên phải sáng tạo được một tít tin có thể giữ chân độc giả ở lại với tin tức của mình. Đây cũng là một yêu cầu khó với nhiều người làm báo dù là có kinh nghiệm nhiều năm.

1.3.2. Đầu đề có khả năng đứng độc lập

Trong cuốn sách “Sáng tạo tác phẩm báo mạng điện tử” của PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang có đề cập: “Dù đầu đề hay đến đâu thì vẫn phải tuân thủ nguyên tắc đứng độc lập. Tức là đầu đề phải cụ thể, rõ ràng, chỉ đọc đầu đề bạn đọc vẫn có thể biết được nội dung tin đó đề cập. Bởi vì đầu đề báo mạng điện tử tồn tại thường ít khi gắn liền với toàn bộ văn bản. Trên trang chủ chỉ là những dòng đầu đề hoặc có thể có thêm mào đầu, còn ở trang trong đầu đề nằm trong một danh sách. Nếu rút một đầu đề chung chung mập mờ, không rõ nghĩa thì khó có thể thu hút được độc giả.” [11, tr.96]

1.3.3. Tin trên báo mạng điện tử luôn có mào đầu

Mào đầu là hạt nhân của tin tức, bản thân nó là thành phần cơ bản của thông tin báo chí. Nói như vậy có nghĩa là trong hoạt động viết báo cũng như đọc báo, mào đầu đóng vai trò cơ bản.

Cũng giống như tít, mào đầu nhằm lôi kéo độc giả, kích thích tính tò mò của họ, thúc đẩy họ tiếp tục đọc các nội dung tin tức. Vì thế người ta cần viết mào đầu với một phong cách đặc biệt sinh động để tạo cho độc giả hứng thú đọc tiếp phần sau.

Nguyên tắc viết tin cho báo điện tử là luôn có đoạn mào đầu chữ đậm đi kèm để làm nổi bật tin, đồng thời thu hút sự chú ý của người đọc, giúp cho người đọc lướt web nhanh hơn. Mào đầu của tin nên ngắn nhưng nhấn được câu hỏi quan trọng nhất trong 6 câu hỏi cơ bản; viết trực tiếp, súc tích, ấn tượng và hấp dẫn. [11, tr.97]

1.3.4. Tin trên báo mạng điện tử chủ yếu là tin sâu

Khi đọc một tin nào đó, người đọc luôn muốn biết những thông tin chi tiết nhất có thể. Bên cạnh đó, báo mạng điện tử có một lợi thế so với báo in, đó là không bị giới hạn dung lượng câu chữ. Chính vì vậy, tin sâu hoàn toàn có thể đề cập chi tiết mọi diễn biến trong sự kiện, vấn đề. Tuy vậy, dù không bị giới hạn dung lượng từ ngữ, thì người đưa tin cũng không nên viết quá dài, tránh gây nhàm chán cho người đọc. Ngoài ra, nếu tin quá dài, phải kéo thanh trượt lên xuống nhiều lần, người đọc sẽ chóng mỏi mắt [11, tr.97].

1.3.5. Bố cục tam giác ngược

Ảnh 1.1: Mô hình tam giác ngược

Cấu trúc hiệu quả nhất cho tin báo chí là sắp xếp các dữ kiện trong bài theo hình tam giác ngược. Cụ thể là: những thông tin quan trọng nhất sẽ được thể hiện ở phần trên của bản tin, tức là thể hiện ở mức độ dày đặc và đầy đủ nhất. Càng về sau, thông tin càng giảm đi tính quan trọng. Đây là cách thu hút sự chú ý của độc giả nhanh nhất khi họ lướt web, giúp cho người đọc có thể nhanh chóng nắm bắt được những thông tin chính mà không đọc toàn bộ tin.

1.3.6. Tin trên báo mạng điện tử thường cung cấp thêm thông tin nền hoặc sử dụng bối cảnh để so sánh

Đưa tin theo “dòng chảy” của sự kiện là một đặc trưng nổi bật của báo mạng điện tử. Trong một ngày, sẽ có thể có nhiều tin về một sự kiện và để người đọc có thể liên kết từ tin này sang tin khác, các tờ báo mạng thường để

tít xen hoặc mục “Xem thêm” ở trong mỗi tin. Tuy vậy, nhiều tờ báo báo vẫn lựa chọn đưa thông tin nền bằng cách nhắc lại những điểm chính liên quan đến sự kiện đã diễn ra trước đó. Thông tin bối cảnh cũng được phóng viên khai thác để làm sâu sắc thêm nội dung tin hoặc làm rõ ý nghĩa của tin [10, tr.98]

1.3.7. Sử dụng nhiều ảnh đi kèm

Báo mạng điện tử là loại hình báo chí có thể tích hợp được nhiều yếu tố đa phương tiện, đặc biệt là hình ảnh. Vì không bị hạn chế không gian và dung lượng bài viết, trong tin của báo mạng điện tử thường kèm theo nhiều ảnh. Đây không chỉ là yếu tố làm tăng sự hấp dẫn, sinh động cho tin mà còn giúp người bớt nhàm chán khi đọc văn bản, tăng hiệu quả tiếp nhận thông tin.

Dù sinh sau đẻ muộn nhưng báo mạng điện tử là loại hình có thể tích hợp linh hoạt các yếu tố thị giác trực quan, đem đến cái nhìn mới mẻ cho thông tin của tác phẩm báo chí.

Một phần của tài liệu Vấn đề đưa tin về hội nghị thượng đỉnh mỹ triều tiên lần thứ 2 tại hà nội trên báo mạng điện tử (khảo sát báo mạng điện tử fox news, the korea times và vnexpress) (Trang 32 - 35)