Kiểu tình huống và nghệ thuật tạo dựng tình huống truyện

Một phần của tài liệu Vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. (Trang 109 - 114)

6. Cấu trúc của luận án

4.1.1. Kiểu tình huống và nghệ thuật tạo dựng tình huống truyện

Với đặc trưng về dung lượng và phương thức khám phá, biểu hiện hiện thực, truyện ngắn đặc biệt coi trọng tình huống truyện. Việc lựa chọn, sáng tạo ra tình huống độc đáo là yếu tố then chốt tạo nên tính độc đáo, chiều sâu tư tưởng và sức sống của mỗi tác phẩm truyện ngắn. Nhà văn Nguyễn Minh Châu, cây bút truyện ngắn lão luyện đã từng tổng kết vai trò của tình huống truyện ngắn trong Trang giấy trước đèn: “Với truyện ngắn và với một tác giả có kinh nghiệm viết, tôi nghĩ rằng đôi khi người ta nghĩ ra một cái tình thế xảy ra chuyện, thế là coi như xong một nửa. Những nhà văn có tài đều là những người tạo ra những tình thế xảy ra chuyện vừa rất cá biệt, vừa mang tính phổ biến hoặc tượng trưng. […]. Những người cầm bút có cái biệt tài có thể chọn ra trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất, một khoảnh khắc cuộc sống nhưng bắt buộc con người ở vào một tình thế phải bộc lộ ra cái phần tâm can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất, thậm chí có khi là khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, một đời nhân loại” [30; 258]. Nhận xét của Nguyễn Minh Châu có thể sẽ có những vấn đề cần làm rõ thêm khi thực tiễn truyện ngắn hiện nay đã có những bước phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy so với những điều mà ông từng trăn trở trước đây. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, tình huống luôn là điểm khởi đầu, là điểm nhấn quan trọng trong sáng tạo truyện ngắn. Khái quát của Bùi Việt Thắng về tình huống truyện và các kiểu tình huống truyện là hoàn toàn có cơ sở (cũng đã có nhiều ý kiến gặp gỡ nhau ở đây). Thứ nhất, mỗi truyện ngắn chỉ chứa một tình huống và nó đảm nhận cùng lúc nhiều nhiệm vụ: “1/ Gắn kết các nhân vật (vốn xa lạ) cùng tham gia một sự kiện, biến cố có ý nghĩa nào đó; 2/ Bộc lộ quan hệ và tính cách các nhân vật; 3/ Thể hiện chủ đề” [147; 13]. Thứ hai, có các kiểu loại tình huống truyện ngắn cơ bản: Tình huống – kịch; Tình huống – tâm trạng; Tình huống – tượng trưng (Bùi Việt Thắng, Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại) [149; 100-110]. Trong xu thế tìm tòi, cách tân mạnh mẽ của văn học Việt Nam

đương đại, truyện ngắn của các nhà văn nữ đã có những sáng tạo, tạo dựng thành công những tình huống độc đáo, góp phần thể hiện, lý giải có sức thuyết phục vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình từ những góc nhìn riêng biệt đầy cá tính. Có thể thấy, trong thế giới nghệ thuật của truyện ngắn các nhà văn nữ, có không ít những tình huống giàu tính kịch về câu chuyện tình yêu - hôn nhân - gia đình, như trong

Kịch câm của Phan Thị Vàng Anh, Chuyện Barie, Thằng bé có phép tàng hình của Y Ban, Đồng đô la vĩ đại của Lê Minh Khuê,… Tình huống đóng vai trò như ngòi nổ để các nhân vật phơi bày sự thật, tự bộc lộ tính cách của mình. Tuy nhiên kiểu tổ chức tình huống này không phổ biến và không phải là phần đặc sắc nhất trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình. Phần đặc sắc nhất tập trung ở hai kiểu/ loại tình huống chủ yếu: tình huống tâm trạng và tình huống tự nhận thức.

4.1.1.1.Tình huống tâm trạng

Tình huống tâm trạng là loại tình huống được nhà văn xây dựng trên cơ sở đưa nhân vật vào những va chạm mang tính chất đời thường thay vì những xung đột xã hội, đặt trọng tâm vào khám phá diễn biến tâm lý và thế giới nội tâm của nhân vật. Đó là những tình huống đặc biệt, có tác dụng tạo ra sự chấn động và khởi đầu cho dòng vận động tâm lý của nhân vật. Từ sự khởi đầu ấy, các tác giả sẽ khắc họa những giằng xé nội tâm, những nếm trải và trạng huống phức tạp của thế giới tinh thần. Những xung đột đời tư, sự va chạm giữa ý thức và vô thức, giữa khao khát bản năng và trách nhiệm, giữa ước mơ và thực tại,… của con người, đặc biệt là nhân vật nữ khi đối diện với tình yêu - hôn nhân - gia đình được các nhà văn dày công khám phá. Khảo sát truyện ngắn của Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà, Phan Thị Vàng Anh,… chúng tôi nhận thấy, tình huống tâm trạng đóng vai trò trung tâm trong sáng tạo của các nhà văn nữ. Và chính những tình huống như thế đã giúp các nhà văn nữ khám phá và biểu hiện những tầng vỉa ý nghĩa đặc sắc về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình.

Trong truyện ngắn Biển ấm, Nguyễn Thị Thu Huệ xây dựng tình huống người phụ nữ đi trên chuyến phà ra đảo. Điều đặc biệt là chính chuyến phà này tám năm trước, năm nhân vật “tôi” hai mươi hai tuổi đã từng đi trong cuộc dứt bỏ gia đình với bà và bố mẹ để đến với mối tình đầu là người đàn ông đã có vợ. Từ đây, tâm trạng đan xen giữa quá khứ và thực tại, lột tả những phức điệu tâm lý của nhân vật, để truy nguyên tận cùng thế nào là tình yêu và hạnh phúc. Bến phà năm xưa nhân vật “tôi” đến với người đàn ông ấy với khát khao cháy bỏng của tình yêu đầu đời

đầy đắm say và bồng bột: “Tôi yêu anh, một tình yêu đầu tiên, thánh thiện và trong sáng vô cùng. Tôi yêu tất cả những gì có ở nơi anh. Và anh là người đẹp nhất trong tất cả những chàng trai xung quanh tôi”. Nhưng sau 3 ngày, cái mà người đàn ông dành cho cô gái ấy chỉ là những cử chỉ quan tâm, những nụ hôn và tình cảm như của một người anh trai dành cho em gái. Cô trở về trong hình hài của “một kẻ bại trận”, trong khi bố mẹ đau đớn, cay đắng vì nghĩ rằng người đàn ông đó đã hại đời con gái của mình. Thế rồi cô thành đạt trong công việc, trở thành vợ của một doanh nhân, có gia đình hạnh phúc. Lần trở lại này, dù không có thông tin nào xác thực để có thể gặp anh nhưng mọi kỷ niệm khi xưa cứ thế ùa về: “Tôi thấy nhớ anh cồn cào. Dù tôi vẫn yêu chồng và con. Hai chuyện đó chẳng can dự gì với nhau cả.[…]. Anh ở đâu? Sao tôi nhớ anh thế này. Bao nhiêu năm. Tôi sống và hiểu rằng, chẳng bao giờ tôi gặp được người đàn ông thay thế được anh trong tâm linh” [207; 7-18]. Chính tình huống đi qua chuyến phà chiều ấy đã đẩy nhân vật xô về vô vàn những ký ức và sự kết nối với thực tại để đi sâu vào thế giới nội tâm phong phú, để khẳng định đâu là tình yêu, là hạnh phúc của cuộc đời mình. Rõ ràng, dù tình huống không chứa đựng những xung đột có tầm vóc xã hội nhưng người đọc vẫn cảm nhận được những nỗi đau, những trăn trở khôn nguôi của con người về cuộc sống và hạnh phúc. Cũng có những nét tương đồng với tình huống trong Biển ấm, là tình huống ở truyện ngắn

Mỗi người đàn ông chỉ của riêng một người đàn bà của Y Ban. Câu chuyện dựa trên một tình huống: nàng, người con gái tên Mai và bút danh là Miên ngồi trên xe trên một chuyến du lịch năm ngày. Nàng say xe và người phụ nữ ngồi cạnh đã đưa cho nàng viên thuốc và nàng chìm dần vào giấc ngủ mơ màng. Nhưng chính lúc ấy khi nghe người phụ nữ và người đàn ông ấy nói chuyện, gọi tên nhau, cả một ký ức tràn đầy sống dậy, về chuyến xe khi xưa, về tình yêu đầu đời, về những lựa chọn giữa tình yêu và danh vọng của Mai,… Những diễn biến sau đó, trong chuyến đi ấy cũng chỉ làm rõ hơn những góc khuất hoài niệm và khao khát tình yêu đích thực của nhân vật chính trong truyện ngắn này.

Tình huống tâm trạng như thế rất phổ biến trong sáng tác của các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại. Có thể kể đến Nhà cổ, Cải ơi, Nước chảy mây trôi, Dòng nhớ, Cuối mùa nhan sắc, Một mối tình… của Nguyễn Ngọc Tư; Nước mắt đàn ông, Cát đợi, Giai nhân, Phù thủy, Với tay là đến,… của Nguyễn Thị Thu Huệ; Hai mươi chín chữ cái buồn tẻ vô nghĩa, Người đàn bà và những con rối, Dưới cơn gió thoảng,… của Võ Thị Xuân Hà; Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Sau chớp giông là bão, Phút giành cho tình yêu,… của Y Ban; Bức tranh cuối cùng, Dịu dàng

như cỏ,… của Trần Thùy Mai;… Từ trong cái phồn tạp, xô bồ của cuộc sống, các nhà văn nữ đã đặt nhân vật của mình trong những tình huống đặc biệt để từ đó biểu lộ những suy tư, trăn trở không nguôi về hạnh phúc và cả những nỗi đau, mất mát. Ở đó có tình huống cô gái không thể sinh con cho nhà chồng, bị hành hạ, bị đuổi đi và sống với những giấc mơ của riêng mình (Người đi tìm giấc mơ); tình huống người mẹ vô tình đọc được nhật ký của cô con gái để rồi chím đắm trong nỗi đau và sự giằn vặt không thể cứu được đứa con đang đi vào chính vết xe đổ của mình (Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ); tình huống chứng kiến nỗi đau của những bà mẹ trong bệnh viện làm sống dậy nỗi đau của chính mình khi phải bỏ đi giọt máu của mình khi xưa vì những ngăn trở trong quan niệm đạo đức xơ cứng (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ); tình huống đêm trước khi lấy chồng với vô vàn những suy tưởng đan xen (Phút dành cho tình yêu của Y Ban, Vu quy của Đỗ Hoàng Diệu); tình huống gặp phải những phút giây “say nắng” của những người đàn bà đã có gia đình (Sau chớp giông là bão, Gà ấp bóng của Y Ban);…

Những tình huống tâm trạng như thế không hướng đến thúc đẩy cốt truyện hành động với những tình tiết gay cấn mà chủ ý thăm dò thế giới nội tâm vô cùng phong phú, phức tạp. Ở đó có cả những suy tư triết lý, cả những chập chờn vô thức, những bi kịch không thể giải thoát, những hoài niệm mênh mang, những khát khao thầm kín nhưng không kém phần mãnh liệt,… Trên bình diện nghệ thuật xây dựng nhân vật, từ những tình huống tâm trạng, những tính cách, thế giới tâm hồn, chiều sâu tâm linh được biểu lộ. Đi sâu khai thác thế giới nội tâm phức tạp, chứa nhiều ẩn ức, nỗi niềm, khao khát, ước vọng, đôi khi là bản năng đã chạm đến những tầng vỉa sâu xa trong đời sống của con người cá nhân. Thân phận, cảnh ngộ, khát vọng, những niềm vui nỗi buồn, bi kịch và hạnh phúc, sự mong manh, vô thường của đời sống, sự bấp bênh của kiếp đời, những bất an và cả mâu thuẫn muôn thuở trong thế giới nội tâm đã được khắc họa đậm nét.

Có thể nói, chính những tình huống tâm trạng như thế đã giúp cho các nhà văn nữ mang đến cái nhìn hướng nội quan trọng để mở toang cánh cửa đưa những tiếng nói đầy ám ảnh của chính những người phụ nữ, những người trong cuộc về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình, là mấu chốt đưa đến những sáng tạo độc đáo, những đóng góp quan trọng của truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại khi khám phá và thể hiện vấn đề này.

4.1.1.2.Tình huống tự nhận thức

Tình huống tự nhận thức có những tương đồng nhất định với tình huống tâm trạng, được xây dựng nhằm đặt nhân vật vào những tình thế đặc biệt, kích hoạt những suy tư, nghiền ngẫm để rút ra những nhận thức mới về cuộc đời, về chính mình. Loại tình huống này thường gắn với cốt truyện tâm lý, hướng tới khắc họa nhân vật tư tưởng, nhân vật kiếm tìm đặc trưng của văn học về thể tài đời tư. Đối với truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình, tình huống nhận thức giúp xây dựng những nhân vật nếm trải, nhân vật kiếm tìm hạnh phúc của mình. Tất nhiên, trong sự đổi mới sáng tạo thấm đẫm cảm hứng đời tư của truyện ngắn đương đại, những tình huống nhận thức trong truyện ngắn nữ cũng không chủ ý hướng tới những va chạm, xung đột xã hội lớn lao mà cơ bản đều là những tình huống phổ biến trong đời sống. Kiểu loại tình huống tự nhận thức như thế có thể thấy phổ biến trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Lê Minh Khuê, Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà,… Chính nhờ những tình huống như thế, các tác giả truyện ngắn nữ đã khắc họa thành công cuộc sống hôn nhân, gia đình, những khao khát tình yêu và hạnh phúc trong tương quan đa chiều với những biến đổi sâu sắc trong xã hội hiện đại.

Trong truyện ngắn Y Ban, tác giả cho thấy sự dụng công khi sáng tạo những tình huống tưởng rằng đơn giản, gần gũi với con người trong cuộc sống hôm nay nhưng lại có ý nghĩa thức tỉnh sâu sắc đối với các nhân vật của mình. Ở 27 bước chân là lên thiên đường, người phụ nữ chợt tỉnh ngộ về người yêu và tình yêu, về cái thiên đường mà cô đang tận hiến, đang khao khát và mong chờ. Khoảng cách chỉ là 24 giờ, chỉ là giữa hai cuộc điện thoại và người đàn ông hiện nguyên hình đã làm sụp đổ hoàn toàn cái ảo vọng về thiên đường của nàng, để nàng nhận ra chỉ suýt chút nữa thôi là nàng đã sa chân xuống địa ngục. Trong Người đàn bà có ma lực, người phụ nữ cô đơn nghe những thanh âm đời thường của gia đình trong căn nhà bên cạnh rồi chìm đắm trong câu chuyện cuộc đời mình, để nhận ra: “Ta là một người đàn bà, một người đàn bà rất hoàn hảo nhưng tại sao ta lại không có được cái kết quả của sự hoàn hảo ấy” [191; 375]. Chỉ một tình huống ấy đã dẫn dắt tâm trạng rối bời, cái bộ phim cuộc đời đầy biến ảo, để nàng nhận ra, giá trị đích thực của cuộc sống, hạnh phúc thực sự là mái ấm đơn sơ mà nàng mãi mãi chẳng bao giờ có cơ hội với đến nữa. Hay trong Người đàn bà đứng trước gương, tình huống được xây dựng là khi người phụ nữ tự soi mình trong gương, soi lại quá khứ và những lựa

chọn của mình, để rồi nhận ra, những ham muốn, dục vọng mà mình theo đuổi chỉ là ảo vọng. Hạnh phúc và tương lai của nàng chính là hai đứa con gái mà nàng đã từ bỏ để băng mình vào vòng lợi danh, vào những đam mê phù nhiếm…

Trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại khi viết về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình, Nguyễn Thị Thu Huệ cũng thường xuyên xây dựng những tình huống nhận thức như thế. Trong Hậu thiên đường, người mẹ đã nhận ra toàn bộ cuộc đời mình, sự lựa chọn sai lầm của mình khi vô tình đọc được cuốn nhật ký của con gái: “Con tôi lớn thật rồi. Sao đến bây giờ tôi mới biết điều đó nhỉ? Những người đàn ông đi qua đời tôi như thể bất chợt họ gặp cơn mưa rào, mà họ thì không mang vải nhựa để che. Tôi là một cái hiên rộng để họ chạy vào đó, yên tâm, tưng tửng chờ cho qua cơn mưa, rồi về nhà. Hóa ra lâu nay, tôi đi đường tôi, còn con gái tôi thì tự tìm đường mà đi. Liệu nó có đi lại con đường của tôi không?” [207; 50-51]. Kiểu tình huống nhận thức cũng được thể nghiệm trong những truyện ngắn khác như: Hoàng hôn màu cỏ úa, Biển ấm, Ký ức, Tình yêu ơi, ở đâu, Thu xếp cuối đời,…

Đó thực sự là những tình huống có khả năng mở ra sự soi chiếu, phản tỉnh của những con người không thôi khao khát hạnh phúc nhưng cũng đầy bất toàn trên hành trình đi tìm hạnh phúc vốn đầy trắc trở, đớn đau.

Một phần của tài liệu Vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. (Trang 109 - 114)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(169 trang)
w