6. Cấu trúc của luận án
1.2.2. Về thể loại truyện ngắn và chủ thể sáng tác là các nhà văn nữ
Truyện ngắn là một khái niệm được dùng phổ biến trong sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học nhưng không phải đã được hiểu hoàn toàn thống nhất. Hầu hết các nhà văn viết truyện ngắn thành danh trên thế giới và ở Việt Nam đều có phát ngôn,
bộc lộ quan niệm thể loại của riêng mình. Đặc biệt, với tư cách là thể loại đang có những bước phát triển mạnh mẽ như truyện ngắn, nhất là sự tương tác, giao thoa với các thể loại khác, những khái niệm truyền thống đang tỏ ra xơ cứng, ít nhiều bộc lộ sự hạn hẹp, không thể ôm chứa hết thực tiễn sinh động và phức tạp. Trong phạm vi luận án, chúng tôi khảo sát quan điểm của các công trình lý luận về thể loại ngõ hầu có thể đưa ra khái niệm và những đặc trưng cơ bản có tính chất công cụ nghiên cứu. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, truyện ngắn là “Tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung của thể loại truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ” [60; 370]. Còn theo 150 thuật ngữ văn học, truyện ngắn là “thể tài tự sự cỡ nhỏ, được viết bằng văn xuôi, đề cập hầu hết các phương diện của đời sống con người và xã hội. Nét nổi bật của truyện ngắn là sự giới hạn về dung lượng; tác phẩm truyện ngắn thích hợp với việc tiếp nhận (độc giả) đọc nó liền mạch không nghỉ” [7; 345]. Nhiều công trình lý thuyết lý luận về truyện ngắn đều gặp nhau ở điểm căn bản, khẳng định dung lượng ngắn là đặc trưng bản chất của thể loại này. Chính đặc trưng này đã quy định những đường biên thi pháp thể loại truyện ngắn. Có thể thấy, “Khác với tiểu thuyết là thể loại chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn vẹn của nó, truyện ngắn thường hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong mối quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con người. Vì thế, trong truyện ngắn thường có ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp. Và nếu mỗi nhân vật của tiểu thuyết là một thế giới, thì nhân vật của truyện ngắn là mảnh nhỏ của thế giới ấy. Truyện ngắn thường không nhắm tới việc khắc họa những tính cách điển hình đầy đặn, nhiều mặt trong tương quan với hoàn cảnh. Nhân vật của truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội, hoặc trạng thái tồn tại của con người” [60; 371].
Về đặc trưng của thể loại truyện ngắn, như xác định của Phan Cự Đệ là tương đối hệ thống và đầy đủ, nội hàm khái niệm truyện ngắn được xem xét trên các đặc trưng cơ bản: 1) Là hình thức tự sự cỡ nhỏ; 2) Thường miêu tả một lát cắt của đời sống, một giai đoạn, thậm chí một khoảnh khắc, một phút lóe sáng đầy ý nghĩa khám phá trong cuộc đời nhân vật; 3) Do tính ngắn gọn nên truyện ngắn thường tập trung cao độ xung quanh một chủ đề; cốt truyện thường xây dựng trên một hành động cỡ nhỏ, đơn giản trong một không gian và thời gian nhất định với những chi tiết được chắt lọc, tiết kiệm, dồn nén nhằm hướng tới một hiệu quả duy nhất ở phần
kết thúc [157; 782]. Phù hợp với dung lượng và cách thức nắm bắt, phản ánh hiện thực, truyện ngắn đặc biệt quan tâm đến tình huống truyện. Nhà văn Nguyên Ngọc xác định: “Truyện ngắn dẫu sao cũng phải... ngắn, do đó thủ thuật chủ yếu của truyện ngắn là điểm huyệt. Trên cơ thể con người cũng như trên cơ thể cuộc sống, có những huyệt, điểm vào đó, có thể làm rung động toàn thể. Truyện ngắn nhằm vào đó. Truyện ngắn điểm huyệt hiện thực bằng cách nắm bắt trúng những tình huống cho phép phơi bày cái chủ yếu nhưng lại bị che giấu trong muôn mặt cuộc sống hàng ngày. Nhìn chung, mỗi truyện ngắn bao giờ cũng được xây dựng trên một tình huống, khai thác tình huống ấy” [43; 355]. Cùng với đó, nhân vật và sự kiện trong thể loại truyện ngắn cũng được tiết giảm tối đa. Nếu như nhân vật của tiểu thuyết là cả một thế giới thì nhân vật của truyện ngắn chỉ là một mảnh nhỏ của thế giới ấy. Theo các tác giả cuốn Lý luận văn học, tập 2 thì: “Truyện ngắn thường không nhằm tới việc khắc họa những tính cách điển hình có cá tính đầy đặn và nhiều mặt trong tương quan với hoàn cảnh. Nhân vật truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người” [144; 316].
Với những đặc trưng độc đáo của thể loại, truyện ngắn đã bộc lộ khả năng nhận thức, phản ánh đời sống một cách mạnh mẽ, trở thành một thể loại, một xu hướng quan trọng của văn học hiện đại. Đó là khả năng nén hiện thực trong những mã nghệ thuật, cung cấp những đề án tiếp nhận đặc trưng, giàu sức ám gợi trong diễn giải, tiếp nhận. Có thể nói như Nguyễn Phương Khánh, rằng: “Trong hình thức nén gọn của mình, truyện ngắn có thể uyển chuyển nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống và biến đổi linh hoạt kịp thời vào nhịp đời trôi chảy. Nó không có tham vọng thâu tóm mọi hiện thực, không nhắm đến sự hoàn hảo. Truyện ngắn đôi khi chỉ là một buổi chiều, một giấc mơ, một tiếng thở dài, một mảnh vỡ đâu đó của tâm hồn... Nó cắt ra một mảnh nhỏ của hiện thực, đặt mảnh ấy vào trong những giới hạn nào đó, nhưng nhờ vậy tác phẩm sẽ bung ra như một cú nổ làm mở toang một hiện thực rộng lớn hơn rất nhiều” [86]. Chính sức mạnh chất chứa trong tính đa nghĩa được gói gọn trong dung lượng ngắn gọn đã phát huy sức mạnh của truyện ngắn trong khám phá và biểu hiện những vấn đề nóng hổi của đời sống đương đại. Đó cũng chính là lý do mà ở vào mỗi giai đoạn lịch sử có tính chất bước ngoặt, truyện ngắn thường đảm nhiệm vai trò khai phá trong công cuộc cách tân nền văn học.
Trải qua lịch sử sáng tạo phong phú, truyện ngắn đã có những thay đổi, mở rộng đường biên thể loại, gia tăng tính biểu tượng, chất thơ, sự lai ghép với các thể loại khác để phát huy thế mạnh vốn có, là sự “điểm huyệt” đời sống như chữ nhà văn Nguyên Ngọc đã dùng. Thực tiễn đã chứng minh, có những truyện ngắn kinh điển được xây dựng với kết cấu truyền thống, dựa trên xung đột và tình huống truyện diễn tiến tuyến tính nhưng cũng có rất nhiều truyện ngắn được xây dựng hoàn toàn không có tính truyện. Khi ấy tác phẩm hiện diện giống như những trạng huống cảm xúc tản mạn, thậm chí mơ hồ thay vì những sự kiện, hành động sáng tỏ, logic. Đã có những quan điểm lý luận đặt vấn đề cơ chế thẩm mỹ của truyện ngắn có những tương đồng với thơ khi sở hữu khả năng kích hoạt đồng sáng tạo mạnh mẽ đối với độc giả. Những vận động mang tính khách quan, những tương quan, giao thoa và dung hợp với các thể loại khác không những không làm mất đi sức mạnh vốn có mà ngày càng khai phóng những tiềm năng đặc biệt của truyện ngắn. Không chỉ là sự phù hợp giữa dung lượng với nhu cầu tiếp nhận mang tính đặc thù của thời đương đại khi hoạt động đọc đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi các phương tiện nghe nhìn, truyện ngắn thực sự thu hút người đọc bởi chính độ mở linh hoạt và giàu sức gợi của mình. Nguyễn Phương Khánh hoàn toàn có cơ sở khi cho rằng: “Có thể gọi truyện ngắn là thể loại của thời hiện tại. Bởi một định nghĩa về nó vẫn chưa hoàn thiện. Và cái chính, tác động của truyện ngắn là tức thời và liền mạch. Nó tạo ra một lát cắt, bất ngờ đặt người đọc vào đâu đó giữa lòng cuộc sống rồi cứ thế đẩy anh ta đi tiếp. Truyện ngắn không đòi hỏi người đọc phải bao quát được nhiều tầng của hiện thực, nó chỉ là một khoảnh khắc được ngưng đọng, một tia sáng được soi chiếu, thành ra người đọc dễ dàng đến với truyện ngắn trong bất cứ thời gian nào, bối cảnh nào. Ký ức nó để lại bao giờ cũng tươi rói và đầy ấn tượng, trong khoảnh khắc ấy, phút giây ấy” [86]. Với sự tương hợp mạnh mẽ với nhu cầu và khả năng đáp ứng của người đọc hiện đại, truyện ngắn đã thực sự khẳng định được vị thế to lớn của thể loại trong bức tranh văn học Việt Nam đương đại.
Từ đặc trưng thể loại, truyện ngắn đã tỏ ra đặc biệt thích ứng với tư duy nghệ thuật và lối viết của các tác giả nữ. Trong cuộc trao đổi ý kiến Phụ nữ và sáng tác văn chương, sau đó được tổng thuật đăng trên Tạp chí Văn học, nhiều ý kiến đã đề cập đến vấn đề này. Vương Trí Nhàn cho rằng: “hình như do sự nhạy cảm riêng của mình, phụ nữ bắt mạch nhanh hơn nam giới” [118; 64]. Phạm Thị Hoài cũng từng thừa nhận: “Cảm xúc sáng tạo truyện ngắn có chung tần số với cảm xúc nữ tính: sự
loé sáng, sự thất thường, tính thời khắc, sự dẫn dắt tuyệt diệu của mẫn cảm bản năng” (dẫn theo [76]). Chính sự nhạy cảm riêng có ấy đã gặp gỡ truyện ngắn trong khả năng “bắt mạch”, nhận thức và phản ánh đời sống vốn luôn vận động và thay đổi. Những tiềm năng của thể loại truyện ngắn đã được khai thác và phát huy thuận lợi với những thế mạnh của lối viết nữ giới.
Bằng cái nhìn hướng nội và cái tôi trải nghiệm, các cây bút truyện ngắn nữ có khả năng đi sâu vào những trạng huống nhân sinh, những mảng hiện thực bề sâu của đời sống, gia tăng tính đa nghĩa của thể loại. Đây cũng chính là xu hướng cách tân mạnh mẽ nhất của thể loại truyện ngắn trong bối cảnh đương đại. Bởi con đường của truyện ngắn không phải là sự ôm chứa bề rộng mà là sự truy tìm tận cùng những mảnh ghép, nhiều khi rất đỗi nhỏ bé. Nhưng nếu lặn sâu đến cùng đến những mảnh ghép ấy, cuộc sống vẹn toàn sẽ hiện sinh. Điều đó khẳng định thế mạnh đặc biệt của nữ giới trong hành trình khám phá và biểu hiện đời sống cùng thể loại truyện ngắn.
Lịch sử văn học thế giới và văn học Việt Nam đã chứng minh, có những trường hợp nữ giới thành công với những thể loại đòi hỏi sự ôm chứa hiện thực rộng lớn, chẳng hạn như tiểu thuyết nhưng thể loại thực sự gắn bó và làm nên gương mặt của “những người đàn bà viết” lại chính là những thể loại có ưu thế trong thể nghiệm cái tôi nếm trải, khai phá những tầng vỉa bé nhỏ nhưng sâu sắc của hiện thực, trong đó nổi bật nhất là thể loại truyện ngắn. Và một trong những mảng hiện thực được các cây bút truyện ngắn nữ đặc biệt quan tâm khai phá và đã khẳng định được ưu thế của mình chính là vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình.
Những ý kiến bàn về đặc trưng giới nữ của các nhà phê bình nữ quyền đã cho thấy sự tương hợp giữa truyện ngắn, tác giả nữ và vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình. Bởi “chỉ có đàn bà, đã trải qua những kinh nghiệm đời của phụ nữ một cách chuyên biệt đó (rụng trứng, kinh nguyệt, sinh đẻ), chỉ họ mới cỏ thể nói về cuộc sống của một người đàn bà. Hơn nữa, kinh nghiệm của một người đàn bà, bao gồm cả cuộc sống tri giác và cảm xúc khác; đàn bà không nhìn thấy sự vật trong cùng những cung cách như đàn ông, và có những ý tưởng và cảm xúc khác về cái gì là quan trọng hay không quan trọng” [151; 49]. Và đối với phụ nữ nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng, thì tình yêu - hôn nhân - gia đình vẫn là những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Thực tế cũng đã chứng minh, tình yêu - hôn nhân - gia đình không phải là vấn đề riêng của nữ giới nhưng rõ ràng là sẽ có sự thiếu hụt quan trọng khi không có đóng góp của nữ giới. Đặc trưng nghệ thuật cũng như những đòi
hỏi của thể loại truyện ngắn và thế mạnh của nữ giới trong chiếm lĩnh vấn đề vừa là muôn thuở vừa mang tính thời sự ấy đã bác bỏ luận điểm cho rằng việc viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình là hạn chế của truyện ngắn nữ thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng... Dĩ nhiên, điều quan trọng là phải có tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, có ý nghĩa xã hội – thẩm mỹ sâu sắc, rộng lớn, bền vững. Đấy cũng là khát vọng cháy bỏng và mục tiêu vươn tới của các nhà văn nữ.
Tiểu kết:
Truyện ngắn của các nhà văn nữ Việt Nam từ 1975 đến nay đã có những bước phát triển mới, có những đóng góp khó có thể thay thế cho văn học Việt Nam đương đại. Đây là đối tượng từng được giới nghiên cứu quan tâm ở khá nhiều vấn đề trên cả hai phương diện cơ bản: nội dung và thi pháp thể loại. Những thành tựu nghiên cứu đã có là rất đáng được khẳng định.
Vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình trong truyện ngắn của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại tuy có được giới nghiên cứu cả trong và ngoài nước đề cập ít nhiều ở mặt này, mặt kia, nhưng với tư cách là một vấn đề chuyên biệt, mang tính tính hệ thống chỉnh thể, thực sự vẫn là một đề tài mới, không trùng lặp với các công trình nghiên cứu đi trước. Tuy nhiên những thành tựu nghiên cứu đã có là rất đáng trân trọng vì đó như là những tiền đề, những cơ sở giúp cho các công trình đi sau tham khảo, tiếp bước.
Để đi sâu khảo sát, phân tích, luận giải, đánh giá vấn đề này, rất cần vận dụng một số lý thuyết phù hợp và mang tính hữu hiệu (những vấn đề đáng tin cậy đã được giới nghiên cứu khảo luận, xác định), xem đó như là chỗ dựa, điểm tựa đề triển khai thực thi đề tài. Vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình trong sự “chiếm lĩnh” của văn học (mà ở đây là truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại) có thể được soi rọi (và kiểm chứng) từ nhiều quan điểm, nhiều lý thuyết khác nhau. Trong số những quan điểm và lý thuyết ấy, hoàn toàn có cơ sở để xem Nữ quyền luận có nhiều ưu thế nổi trội.
Chương 2
TRUYỆN NGẮN VÀ THIÊN HƯỚNG LỰA CHỌN VẤN ĐỀ TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH
CỦA CÁC NHÀ VĂN NỮ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI 2.1. Sự phát triển mạnh mẽ của truyện ngắn các nhà văn nữ
2.1.1. Tiền đề cho sự phát triển truyện ngắn các nhà văn nữ
2.1.1.1. Những tiền đề lịch sử, xã hội, văn hóa
Đại thắng mùa xuân 1975 là một dấu son chói lọi, mở ra một trang mới trong lịch sử Việt Nam, đồng thời đây cũng là cột mốc quan trọng trong lịch sử văn học dân tộc. Từ đây, văn học Việt Nam chính thức kết thúc giai đoạn 30 năm đồng hành cùng dân tộc thực hiện cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước, bước vào giai đoạn đổi mới và phát triển trong bối cảnh hòa bình. Dẫu vậy, sau 1975, đất nước vẫn tiếp tục phải trải qua hành trình gian nan, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ từ các tuyến biên giới, đồng thời phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do hậu quả của chiến tranh, do sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội ở một loạt nước Đông Âu và ngay tại thành trì của nó (Liên Xô), do chính sách bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch và cả những sai lầm chủ quan trong lựa chọn mô hình phát triển. Tuy không hiện diện với những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, nhưng đây là giai đoạn văn học đóng vai trò quan trọng trong văn học sử Việt Nam hiện đại. Theo Nguyễn Bích Thu, “Giai đoạn 1975 - 1985 là giai đoạn bản lề,