Bản năng tính dục với vẻ đẹp phồn thực và khát khao cháy bỏng của giới nữ trên

Một phần của tài liệu Vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. (Trang 86 - 92)

6. Cấu trúc của luận án

3.2.1. Bản năng tính dục với vẻ đẹp phồn thực và khát khao cháy bỏng của giới nữ trên

con đường tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc

Những đòi hỏi hay là những nhu cầu của bản năng tính dục trong câu chuyện tình yêu - hôn nhân - gia đình thời đương đại cũng là vấn đề “tự nhiên” bình thường của con người trần thế, nhưng đâu là những giới hạn có thể và không thể? Trở về trước, hơn hai trăm năm, Nguyễn Du đã từng đặt ra vấn đề này trong Truyện Kiều, và ông đã cho dừng lại “đúng chỗ”, một mặt có thể do ràng buộc của thời đại ông, mặt khác - đây mới là lý do chính - do chủ kiến của Nguyễn Du muốn bảo vệ đến cùng một tình yêu chân chính, trong sáng trên con đường đi đến hôn nhân, gia đình. Thời đương đại, các nhà văn nữ nhìn nhận vấn đề này có gì mới, khác, và đặc biệt?

Con người cá nhân vốn dĩ là thế giới đầy bí ẩn, đầy sức hấp dẫn, được văn học từ cổ chí kim dụng công khám phá. Viết về vẻ đẹp thân thể, về khao khát dục tính của con người thực chất là viết về khát vọng vươn tới hạnh phúc, vươn tới cái đẹp thường hằng. Văn học trung đại Việt Nam trong sự cương tỏa của văn hóa Nho giáo vẫn không nguôi khát vọng ấy, nhưng phải tìm cách gói gém vẻ đẹp phồn thực, thân thể và bản năng tính dục của con người trong những diễn ngôn đậm chất ước lệ, gắn liền với vẻ đẹp của thiên nhiên, vũ trụ, hoặc có thể hiển lộ mạnh mẽ, táo bạo nhưng dưới dạng ẩn dụ hay cách nói nước đôi khôn khéo, tài hoa (như thơ nữ sĩ Hồ Xuân Hương). Trong tình thế ấy, vẻ đẹp bản năng của con người trong tình yêu - hôn nhân - gia đình có cơ hội trở thành dòng mạch đầy sức sống trong văn học dân gian. Bước sang đầu thế kỷ XX, cuộc tranh đấu giải phóng con người khỏi vòng kiềm tỏa

của lễ giáo, vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ, nhất là những khát vọng dục tính đã được các nhà văn nữ quan tâm, thể nghiệm hoàn toàn mới. Phần sâu thẳm của con người cá nhân trong văn học cách mạng không có cơ hội được phô diễn trong cuộc hành quân lớn của dân tộc hướng đến giải phóng đất nước, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngoài văn học đô thị miền Nam (1954 - 1975) nói nhiều đến con người hiện sinh, con người bản thể với nhiều trạng thái..., trong văn học cách mạng (bao hàm ở cả hai miền Nam, Bắc, nhưng chủ yếu ở miền Bắc), tình yêu chỉ được nói đến mặt xã hội, gắn với lý tưởng, yêu về mặt tinh thần, né tránh đề cập đến mặt thể xác. Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu kể về câu chuyện tình lãng mạn, được thi vị hoá trong chiến tranh. Nguyệt một cô gái đẹp người, đẹp nết lại yêu và chờ đợi một tình yêu không chân dung, chờ một anh bộ đội lái xe. Cuộc tình ấy khó có trong đời thực. Sự gặp gỡ giữa Nguyệt – Lãm giữa không gian trong vắt của ánh trăng, bồng bềnh sương trắng cùng với hai con người mà trái tim đang đầy ắp tình yêu cuộc sống. Còn Lãm chỉ tin vào lời chị Tính nói về Nguyệt khi tận mắt thấy Nguyệt hiện lên đẹp lạ thường dưới ánh trăng trong bom đạn kẻ thù. Tình yêu giữa Lãm và Nguyệt chỉ là một thứ tình yêu lý tưởng, chỉ để ngắm nhìn, ngưỡng vọng (tên của hai nhân vật: Lãm là ngắm nhìn từ xa, Nguyệt là trăng cũng đã hé lộ điều này) và dĩ nhiên chưa nằm trọn trong hệ thống: tình yêu – hôn nhân – gia đình. Yêu cầu của cái nhìn sử thi khiến Nguyễn Minh Châu cũng phải dừng lại ở giới hạn bất khả vượt qua...

Chỉ đến khi hòa bình, thống nhất đất nước, trở về với muôn nẻo nhân sinh phồn tạp, thì câu chuyện dục tính mới có đầy đủ cơ hội để được phô diễn trong hành trình sáng tạo bất tận của các nhà văn. Theo Đỗ Lai Thuý, “Hiện nay người ta chia giao hợp ra thành hai loại: giao hợp để truyền giống và giao hợp để giao hợp, nghĩa là để tìm lạc thú. Loại giao hợp thứ hai này thường bị tôn giáo (lớn) và đạo đức lên án, nhưng một sức mạnh vô thức bắt tất cả những động vật có vú đều ham muốn, đều không bị đạo đức thuyết phục. Địa hạt có tính vũ trụ này làm con người thật sự bình đẳng với nhau vì người giàu có nhất và kẻ nghèo khổ nhất cũng đều có khoái cảm như nhau. Chính loại thứ hai này mới đẻ ra nghệ thuật” [54; 162-163]. Trong thời đương đại, trình độ văn hoá, trong đó có cả văn hoá yêu đương, mà sâu xa là quan niệm xã hội và nhu cầu sống trọn vẹn, thuận theo quy luật tự nhiên của con người đã khiến tình yêu với ý nghĩa đầy đủ, bình thường của nó, trở thành yếu tố then chốt mở cánh cửa thầm kín dẫn vào thế giới của hoan lạc tính giao nhân bản.

Trên cái nền chung mang tinh thần nhân bản sâu sắc ấy của văn học đương đại, truyện ngắn nữ đã thể hiện thế mạnh tuyệt đối trong hành trình phơi trải vẻ đẹp thân thể cùng muôn vàn trạng huống của vấn đề bản năng tính dục trong câu chuyện tình yêu - hôn nhân - gia đình. Trong sự phong phú, đa dạng cá tính sáng tạo của mỗi cây bút nữ đương đại, điểm chung dễ nhận thấy là họ đã mạnh dạn thăm dò chiều sâu bản thể cá nhân ở giác độ tính dục để khắc sâu quan niệm và tư tưởng nghệ thuật về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình.

Cũng cần phải khẳng định, trên hành trình cách tân thể loại truyện ngắn hướng về các thể tài thế sự, đời tư từ sau năm 1975, chưa bao giờ con người cá nhân, con người đời thường được phản ánh một cách chân thực, và sinh động như thế. Ở đó, con người đời thường được soi rọi từ nhiều hướng nhiều chiều hết sức phức tạp. Nhà văn khai thác khá kỹ về thế giới nội tâm con người với những khao khát bản năng thầm kín. Nếu trước đây nhà văn nhìn cuộc đời và con người khá đơn giản, rạch ròi giữa thiện - ác, cao cả - thấp hèn, không có sự giằng xé khi đối diện với các mâu thuẫn chung riêng, thì từ đây người sáng tác đã nhìn con người là tiểu vũ trụ phức tạp, có chiều sâu tâm hồn khó nắm bắt, có cá tính đơn nhất, độc đáo. Truyện ngắn sau 1975 khám phá con người bản năng với những khao khát rất con người - điều mà văn học giai đoạn trước xem là điều cấm kỵ không được nhắc đến. Sự thể nghiệm táo bạo này đã giúp truyện ngắn đương đại bắt kịp hơi thở nóng hổi của cuộc sống, tiếp cận, khai thác những vấn đề gay gắt, gai góc nhất cuộc sống, cũng như sự xấu xa nhất trong tâm hồn thế giới bí ẩn của con người, trong số phận mỗi cá nhân con người. Viết về tính dục trong câu chuyện tình yêu - hôn nhân - gia đình, các nhà văn nữ đã khẳng định được thế mạnh thiên phú so với các tác giả nam. Và chính họ cũng đầy ý thức chủ động khi khai thác vấn đề này. Nhà văn Y Ban đã từng nói: “Theo tôi, tình dục cổ xưa như loài người vậy, bởi nó trước hết là con đường duy trì nòi giống cho nhân loại. Nhưng sex không chỉ dừng lại ở đó. Để có một em bé, người ta cần đến “x lần”, hai em bé – “2x lần”… nhưng trong một đời người, có đến hàng trăm, hàng nghìn cái "x lần" như vậy. Đâu phải tất cả đều nhằm để duy trì nòi giống. Vậy thì sex còn là phương tiện giải trí và văn hóa. Văn chương, theo tôi cần tôn trọng sex ở khía cạnh đó. Còn viết về sex tục hay không tục là do câu chữ. Nếu mình viết trực tiếp, thẳng tuột về nó như một thứ nhu cầu bản năng, kích động ở người đọc những ý nghĩ không lành mạnh, không trong sáng thì tác phẩm sẽ trở nên phản cảm. Nhưng nếu tác giả khéo léo, thay thế những khái niệm

về các bộ phận, các hành vi của con người bằng nhiều cách diễn đạt văn chương hơn, phủ lên chi tiết “tục” những ý nghĩa rất người, đưa trí tưởng tượng của độc giả đến các vấn đề nhân văn thì khi đó, người đọc sẽ không “lăn tăn” đến chuyện đề tài nữa” [58]. Dùng tính dục để lật giở, xem xét hàng loạt những vấn đề của tình yêu - hôn nhân - gia đình thời hiện đại, dấu ấn tư tưởng, nghệ thuật của các cây bút truyện ngắn nữ được khẳng định ở biểu hiện trên tinh thần nếm trải từ góc nhìn của người phụ nữ, người trong cuộc. Đó là lý do, vấn đề tính dục trong truyện ngắn nữ đã được quan tâm nghiên cứu trong những năm gần đây, đặc biệt là từ giác độ nữ quyền luận và phê bình sinh thái. Ở phần này, chúng tôi chỉ tập trung xem xét sự thể nghiệm tư tưởng trong truyện ngắn nữ khi mở lối vào câu chuyện tình yêu - hôn nhân - gia đình từ vấn đề tính dục.

Khảo sát truyện ngắn của các nhà văn nữ đương đại, chúng tôi nhận thấy, dù mật độ, cường độ, sắc thái và quan niệm có khác nhau nhưng các nhà văn đều rất quan tâm và dụng công khám phá, biểu hiện vấn đề tính dục như là căn bản của nữ tính trong sáng tạo của mình. Đó là sự bừng nở của những trang viết về vẻ đẹp phồn thực, trong ý thức về hưởng thụ khoái cảm giao hợp. S. Freud đã nói: “Tình yêu không phải là kết quả của thỏa mãn tính dục thích đáng nhưng hạnh phúc của tình dục là kết quả của tình yêu” [54; 244]. Lên tiếng về tính dục gắn với tình yêu, với cuộc sống hôn nhân, gia đình, vẻ đẹp phồn thực, nhục cảm mà thanh khiết, thánh thiện đến thiêng liêng của người phụ nữ trong hoan lạc tính giao nhân bản, là bài ca về hạnh phúc thực sự trong cuộc sống đương đại. Khảo sát truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại, chúng tôi nhận thấy các tác giả đã rất nhạy cảm và mạnh bạo khắc họa vẻ đẹp gợi tình, khát tình của những người phụ nữ. Đây thực sự là nguồn năng lượng vô tận của khao khát tình yêu và hạnh phúc. Vẻ đẹp của hình thể, của da thịt đầy sức xuân, của đôi chân, bờ mông cong, bầu vú,… đã thực sự trở thành vũ điệu đầy sức sống, đầy đam mê trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại. Giấc mơ của người con gái dậy thì trong truyện ngắn Người đi tìm giấc mơ của Nguyễn Thị Thu Huệ là một trường hợp điển hình cho vô vàn những bức vẽ về vẻ đẹp của khao khát yêu đương, khao khát hạnh phúc như thế: “Hai bên vú cương lên và nhức nhối. Tôi vật vã suốt đêm và không thể ngủ lại được nữa. Những người hàng xóm bảo bà tôi. Dạo này con Thảo nhà cụ dậy thì, đẹp ra đáo để. Trông nó như cái nụ hoa ấy, xem có đám nào gả nó đi cụ ạ, để yên tâm cái tuổi già. Tôi soi gương. Khuôn mặt bầu bĩnh ra hơn. Hai má ửng hồng. Hai bầu vú thây lẩy, núm vú hồng sưng cứng lên”

[207;198]. Những trang viết miêu tả vẻ đẹp đầy sức sống như thế có thể bắt gặp trong Chờ rằm dưới gốc cây cổ thụ, I am đàn bà, Người đàn bà đứng trước gương,

Tự của Y Ban; Đàn sẻ ri bay ngang rừng, Biển cứu rỗi, Vườn yêu, Con dại của đá

của Võ Thị Xuân Hà; Bóng đè, Vu quy của Đỗ Hoàng Diệu; Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư;… Trong truyện ngắn của các nhà văn nữ, thân hình, vóc dáng người phụ nữ đẹp thường được tả bằng các từ: mỡ màng, nảy nở, uyển chuyển, nở bung, mẩy mang, ăm ắp, rừng rực, nở nang, lẳn, đầy đặn, cong lằn, mềm mại,… Không phải ngẫu nhiên mà trong sự mô tả vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ, các hình ảnh như (ngực), eo, hông, mông thường được tô đậm với những đường nét vừa tả thực, vừa giàu tính tượng trưng. Những hình ảnh đó đẹp trong tính thiêng của những bộ phận gắn với chức năng sinh sản và gợi dục. Nói về thì: hừng hực sức sống, tràn trề sinh lực, trắng nõn, nở, mẩy mang, căng phồng, vun đầy, tròn căng,

cong vểnh, thây lẩy,… Nói về eo: tròn, thon chắc, tròn lẳn, thắt lại, thắt đáy lưng ong,… Nói về hông, mông: mượt mà, bung toả, phình ra, tròn trịa,… Nhận thức về cái đẹp của người phụ nữ là vấn đề văn hóa lâu đời, nhưng trong vòng kiềm tỏa của tư tưởng “khắc kỉ phục lễ”, niềm tự hào và những khát khao thầm kín trở thành sự lo âu thân phận tàn phai. Trong ca dao của người Việt, nơi lưu giữ nguồn mạch âm thầm ấy, chúng ta thấy có cả một khu vực thể hiện rõ cái nhìn khắc khoải than phận như thế: Thân em như tấm lụa đào, Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai; Hỡi cô tát nước bên đàng, Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?; Huê tàn bướm chẳng vãng lai, Tình thương đã phụ, trúc mai kể gì!; Còn duyên kẻ đón người đưa, Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng; Tiếc thay hạt gạo trắng ngần, Đã vo nước đục lại vần than rơm; Lẳng lơ chết cũng ra ma, Chính chuyên chết cũng khiêng ra ngoài đồng ;… Ở vào một giai đoạn lịch sử, văn hoá cụ thể của thời đương đại, những mạch ngầm ấy đã tuôn trao mạnh mẽ, trở thành sức mạnh của sự tự ý thức, của khao khát hạnh phúc trong cuộc sống, trong tình yêu - hôn nhân - gia đình. Phô diễn vẻ đẹp thân thể với khát khao tính dục, truyện ngắn nữ đã thực sự có đóng góp quan trọng trong hành trình đổi mới thể loại truyện ngắn nói riêng, văn xuôi nói chung trên hành trình đầy nhọc nhằn nhưng rạng rỡ hào quang của tinh thần nhân văn.

Bên cạnh việc khắc họa vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ, các cây bút truyện ngắn nữ đã thực sự thắp sáng ngọn lửa thường hằng của tính dục, bởi nói như Beauvoir: “Người phụ nữ có thể đảm nhận giới tính của mình một cách vẻ vang: sự xúc động, khoái cảm, ham muốn không còn là một trạng thái mà là một sự dâng

hiến, thân thể của họ không còn là một vật thể, mà là một bài ca, một ngọn lửa. Lúc đó họ có thể phó thác mình một cách say đắm cho sự cám dỗ của tình dục” [20;324]. Trong thế giới nghệ thuật truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại, người đọc bắt gặp rất nhiều câu chuyện tình yêu - hôn nhân - gia đình được xây dựng trên hạt nhân là bản năng tính dục. Không chỉ là sự miêu tả dưới góc nhìn ngoại quan, ở đây tính dục đã thực sự trở thành phương thức sáng tạo, là yếu tố quan trọng quyết định số phận của con người trong tình yêu - hôn nhân - gia đình. Đó là những cảm xúc khi khám phá và tận hưởng, chiêm nghiệm về tính dục, về những hành động, sắc thái đa dạng, khi trần trụi, mãnh liệt, khi nhẹ nhàng, êm dịu,... Sẽ còn có những ý kiến khác nhau về hiệu ứng thẩm mĩ và chiều sâu tư tưởng trong thể nghiệm tính dục trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, có thể khẳng định, vấn đề tính dục đã thực sự trở thành vấn đề quan trọng, một thành tố then chốt khi thể nghiệm câu chuyện tình yêu - hôn nhân - gia đình trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại. Đó vừa là khát vọng kiếm tìm, vừa là khởi đầu của mọi ảo vọng cuồng si, vừa là chất keo gắn kết, vừa là nguyên do của thất vọng bi thương,...

Điều đáng nói nhất khi thể nghiệm tính dục trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình là các tác giả đều đặt vấn đề từ chính sự nếm trải mang tính cá nhân. Đó thực sự là cuộc săn đuổi bản thể đầy mê đắm mà cũng rất đỗi nhọc nhằn. Câu chuyện tình dục đã thực sự trở thành đối tượng

Một phần của tài liệu Vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. (Trang 86 - 92)

w