Bối cảnh nền kinh tế

Một phần của tài liệu NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG-1906030257-TCNHK26A (Trang 47 - 51)

Giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2019, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm.

Sau khi gia nhập Tổ chức kinh tế thế giới WTO năm 2007, nền kinh tế Việt Nam bước sang trang mới, đón nhận nhiều cơ hội đầu tư từ hội nhập kinh tế quốc tế. Song hành cùng với cơ hội, nền kinh tế cũng đón nhận nhiều thử thách từ các tác động tiêu cực, không lành mạnh. Chính phủ phải sử dụng rất nhiều biện pháp, công cụ can thiệp để ổn định và phát triển kinh tế. Tuy nhiên không thể phủ nhận kể từ giai đoạn đó đến giờ, nền kinh tế nói chung và ngành tài chính ngân hàng nói riêng đang dần chuyển hóa để bắt kịp với xu thế chung của nền kinh tế thế giới.

Đến cuối năm 2007 và năm 2008, khủng hoảng trên toàn bộ nền kinh tế thế giới bùng nổ, và Việt Nam cũng không đứng ngoài. Nền kinh tế và xã hội trong nước có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Lạm phát ở Việt Nam có xu hướng tăng mạnh. Năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu chính thức khiến nhiều nền kinh tế lớn suy thoái, kinh tế thế giới suy giảm; thiên tai, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi xảy ra liên tiếp; do vậy nền kinh tế trong nước đương đầu với vô vàn khó khăn, thử thách: FDI giảm mạnh (từ 11,5 tỷ USD xuống 10 tỷ USD), sức sản xuất của nền kinh tế cũng tuột dốc không phanh.

Nhờ sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Đảng và Chính Phủ cũng như mọi cố gắng nỗ lực và chủ động khắc phục khó khăn của các thành phần tham gia nền kinh tế, năm 2009 và 2010 nền kinh tế Việt nam đã có dấu hiệu khởi sắc với những kết quả tích cực. Sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực đều tăng nhẹ. Xuất khẩu hàng hóa đạt kim ngạch cao hơn, cán cân thanh toán được cải thiện, hoạt động du lịch phát triển, đầu tư nước ngoài được nâng cao.

Tuy nhiên đến cuối năm 2010, nền kinh tế lại có dấu hiệu suy giảm khi lạm phát lại gia tăng lên đến 11,75%. Năm 2011 lại chứng kiến sự quay trở lại của những khó khăn, thử thách: nền kinh tế đối mặt với bất ổn; lạm phát vẫn leo thang

lên tới 18,68%; tỷ giá hối đoái biến động bất thường, sức sản xuất ngày càng eo hẹp.

Biểu đồ 4.1: Diễn biến GDP, lạm phát và thất nghiệp 2008-2019

Nguồn: GSO

Trong 4 năm 2008 – 2011, nền kinh tế Việt Nam hứng chịu không ít những tổn thất nặng nề. GDP năm 2008 giảm xuống còn 6,31%, thấp nhất vào năm 2009 là 5,23%, đến năm 2011 chỉ đạt 5,89%. Từ năm 2009 lạm phát tăng cao liên tục qua các năm, đến năm 2011 lạm phát đã tăng lên 18,82%, Việt Nam là một trong những nước có mức lạm phát cao nhất thế giới trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam cũng ở mức cao, sức sản xuất eo hẹp. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn có nhiều triển vọng phát triển vào giai đoạn sau.

Giai đoạn 2012-2019 nền kinh tế dần phục hồi sau khủng hoảng với nhiều chuyển biến tích cực.

Nếu năm 2011 nền kinh tế đối diện với thách thức tái cơ cấu kinh tế trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng suy giảm thì năm 2012 nền kinh tế lại rơi vào tình trạng trì trệ chưa từng có. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2012 đạt 5,03% - tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2000. Trong khi nhiều nền kinh tế phát triển, mới nổi đang dần lấy đà tăng trưởng từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-

2009 thì Việt Nam giai đoạn này vẫn đang bị trì kéo bởi những khó khăn nội tại khiến cho tăng trưởng kinh tế thấp hơn cả 2009 – năm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính. CPI tháng 12/2012 tăng 0,27% so với tháng trước, và tăng 6,81% so với tháng 12/2011.

Năm 2013 tuy tăng trưởng vẫn dương và không rơi vào suy thoái nhưng nền kinh tế có sự trì trệ, không dễ dàng phục hồi. Tăng trưởng đạt mức 5,42% trong năm 2013, lạm phát khá thấp 6,04%, lãi suất thị trường giảm nhẹ và ổn định, cán cân thương mại được cải thiện, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa đạt được nhiều thành tựu tích cực. Đây là những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, báo hiệu triển vọng phục hồi sau khi trải qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế.

Khép lại năm 2014 với sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì vững chắc, tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ nét đạt 5,98% so với năm 2013. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 4,09% sức mua của dân chúng tăng khá ổn định, đặc biệt tỷ lệ lạm phát được kiểm soát chặt chẽ giảm xuống chỉ còn 1,84%. Có thể nói, kinh tế Việt Nam năm 2014 được ghi nhận như một năm bản lề chuyển sáng rõ rệt và tích cực hơn từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới.

Năm 2015 Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực về tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh và phát triển kinh tế đối ngoại trong bối cảnh có nhiều biến động phức tạp toàn cầu. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014, cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2014, cho thấy nền kinh tế phục hồi rõ nét. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2015 ước tính lần lượt đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014 và 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2014. Đáng chú ý là mức lạm phát ở Việt Nam trong năm 2015 đã xuống thấp đến mức kỷ lục 0,63%. Như vậy, với các thành tựu nêu trên, có thể thấy rằng nền kinh tế Việt Nam được phục hồi và phát triển đáng kể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 đã được hoàn thiện, tạo đà phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Nối tiếp năm 2015, năm 2016 nền kinh tế Việt Nam cũng đón nhận nhiều thành tựu tích cực. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2016 ước tính khoảng

6,21% so với năm 2015; mức tăng trưởng tuy thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu đề ra 6,7% nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường diễn biến phức tạp thì đạt được mức tăng trưởng trên là một thành công. Chỉ tiêu lạm phát tăng nhẹ 1,83% so với bình quân năm trước. Cán cân thương mại quốc tế có sự cải thiện đáng kể; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 173,3 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2015.

Năm 2017 cùng với xu thế chung của nền kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định về mặt vĩ mô. Trong đó, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2016. Đặc biệt mức tăng trưởng trong 2 Quý cuối năm lên tới hơn 7%. CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với bình quân năm 2016. Hơn thế nữa, các cơ hội đầu tư vào Việt Nam có dấu hiệu tích cực khi “xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc (từ 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế); chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc (từ 60 lên 55/137 nền kinh tế).”- Theo Tổ chức xếp hạng Moody.

Tiếp nối năm 2017, năm 2018 cũng là một năm khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam khi tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước tăng 7,08% là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây với chất lượng tăng trưởng kinh tế ngày càng cải thiện. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,54%, sức mua hàng hóa ngày càng mạnh. CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với năm 2017, dưới mục tiêu Quốc Hội đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2018 tăng 1,48% so với bình quân năm 2017 (Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê GSO). Có thể thấy tình hình kinh tế Việt Nam năm 2018 tương đối khả quan và đang trên đà phát triển.

Tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả nổi bật. GDP đạt con số ấn tượng với tốc độ tăng 7,02% vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6%-6,8%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011. Cũng theo Tổng cục thống kê, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và các vấn đề địa chính trị càng làm gia tăng đáng kể tính bất ổn của hệ thống

thương mại toàn cầu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin kinh doanh, quyết định đầu tư và thương mại toàn cầu thì mức tăng trưởng trên là một thành tựu nhờ sự chỉ đạo kịp thời và hiệu quả của Đảng và Nhà nước và nỗ lực không nhỏ của đại bộ phận công chúng. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79% so với bình quân năm 2018, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra, mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua. Năm 2019 còn đánh dấu một năm của du lịch Việt Nam khi Việt Nam vẫn giữ vững danh hiệu “Điểm đến hàng đầu Châu Á” do Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) 2019 bình chọn. Như vậy, có thể thấy năm 2019 là năm bứt phá để phấn đấu thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.

Một phần của tài liệu NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG-1906030257-TCNHK26A (Trang 47 - 51)