Các nhân tố tác động đến tăng trưởng tín dụng các NHTM

Một phần của tài liệu NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG-1906030257-TCNHK26A (Trang 26)

Hoạt động tín dụng ngân hàng liên quan đến nhiều chủ thể trong nền kinh tế, chính vì tầm ảnh hưởng sâu rộng của nó mà các chủ thể, các công cụ và toàn bộ hệ sinh thái nền kinh tế có nhiều tác động đến tốc độ tăng trưởng tín dụng ngân hàng. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng khối lượng tín dụng của các NHTM là việc phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khối lượng tín dụng mà các NHTM có thể cung ứng và nhu cầu vốn vay ngân hàng của các chủ thể trong nền kinh tế. Vì vậy, ta có thể phân loại các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng theo 4 nhóm nhân tố: nhóm nhân tố từ phía chính sách tiền tệ (CSTT), nhóm nhân tố thuộc về bản thân các NHTM, nhóm các nhân tố thuộc về các khách hàng của ngân hàng (đặc biệt là các doanh nghiệp) và nhóm các nhân tố khác.

a. Nhóm nhân tố vĩ mô

Nhóm nhân tố từ phía chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ là một trong những nhân tố vĩ mô có tác động mạnh đến tăng trưởng tín dụng. Các động thái trong điều hành CSTT của NHTW như sử dụng các công cụ hoạt động trên thị trường mở, công cụ dự trữ bắt buộc, công cụ lãi suất,...đều tác động đến cung-cầu tín dụng và cả sự sẵn sàng cho vay của hệ thống ngân hàng, và do vậy ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Tùy vào mục tiêu điều tiết nền kinh tế trong từng thời kỳ mà NHTW sử dụng CSTT theo hai xu hướng khác nhau là thắt chặt và mở rộng CSTT, theo đó nó cũng có tác động đến TTTD theo hai xu hướng. Khi sử dụng CSTT mở rộng, cung tiền tăng lên, lãi suất giảm để đưa cầu tiền phù hợp với cung tiền mới cao hơn. Kết quả của việc điều tiết này sẽ kích thích đầu tư, thúc đẩy nhu cầu vay vốn, tái sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm các khoản tín dụng tăng lên.

Đối với trường hợp CSTT thắt chặt khiến lượng dự trữ trong hệ thống ngân hàng giảm xuống và do đó giảm khả năng cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Về lý thuyết, các ngân hàng có thể bù đắp sự sụt giảm về dự trữ thông qua việc bán hoặc phát hành các công cụ nợ. Tuy nhiên trên thực tế, việc phát hành các

công cụ nợ và cổ phiếu để bù đắp thiếu hụt của dự trữ là không dễ dàng và bán chứng khoán nắm giữ chỉ mang tính chất tạm thời (Kashyap và Sten, 1993).

Tình trạng ngân sách nhà nước

Theo lý thuyết, mối liên hệ giữa thâm hụt NSNN và TTTD vẫn chưa được chỉ ra một cách rõ ràng, mà chủ yếu thông qua sự ảnh hưởng của CSTT và lãi suất. Quan hệ giữa thâm hụt ngân sách và lãi suất thường là quan hệ thuận chiều khi xét theo cung cầu quỹ cho vay. Thâm hụt ngân sách tăng thì lãi suất cũng tăng. Thâm hụt tăng đồng nghĩa với nhu cầu huy động vốn của chính phủ tăng. Nếu như một phần số vốn bù đắp cho thâm hụt được lấy từ thị trường nợ trong nước thì cầu vốn trong nước sẽ tăng, qua đó sẽ tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất trong nước. Theo đó, để giảm sức ép gia tăng về lãi suất, NHTW có thể phải sử dụng chính sách tiền tệ mở rộng, khi đó cung tiền tăng và tín dụng cũng tăng trưởng. Như vậy, theo cách gián tiếp, có thể trong trường hợp này, thâm hụt NSNN thúc đẩy TTTD của nền kinh tế nói chung và hệ thống NHTM nói riêng.

Ngược lại khi NHTW không can thiệp như trên thì áp lực lên lãi suất vẫn tồn tại. Lãi suất tăng làm giảm nhu cầu vay vốn của các chủ thể khác trong nền kinh tế, đồng nghĩa với việc TTTD của các NHTM giảm. Như vậy, có thể thấy tác động của bội chi NSNN đến TTTD của các NHTM là không đồng nhất.

Chu kỳ kinh tế

Trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng và ổn định, thu nhập của người dân được đảm bảo, dẫn tới lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng đồng nghĩa với khả năng cung ứng tín dụng của các NHTM tăng. Nhiều cơ hội đầu tư sinh lời dẫn đến tăng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi nền kinh tế phát triển, tỷ lệ thất nghiệp thấp, thu nhập bình quân đầu người cao sẽ làm tăng nhu cầu tiêu dùng, thay đổi thói quen tiêu dùng của dân cư tạo cơ hội cho vay tiêu dùng của ngân hàng. Ngược lại, khi nền kinh tế lâm vào tính trạng suy thoái, thu nhập của người dân thấp, lòng tin của khách hàng vào sự ổn định của đồng nội tệ giảm thì lượng tiền dân cư gửi vào hệ thống ngân hàng giảm sút, có nguy cơ bị rút ra. Về phía doanh nghiệp, khi nền kinh tế suy thoái, kinh doanh khó khăn sẽ giảm nhu cầu vay vốn.

Lạm phát

Tỷ lệ lạm phát là một chỉ số đo lường mức giá cả chung của nền kinh tế và nó cũng có những tác động đáng kể đến tăng trưởng tín dụng. Khi lạm phát tăng, giá cả tăng, nhu cầu nắm giữ tiền giảm do chi phí nắm giữ tiền tăng, do vậy kênh gửi tiết kiệm cũng không phát huy nhiều tác dụng khi người dân có xu hướng đầu tư vào các công cụ khác ngoài tiền. Trước tình hình đó, các NHTM sẽ phải tăng lãi suất huy động để thu hút đầu tư, đồng thời sẽ phải tăng lãi suất cho vay khiến lượng tín dụng được cấp cũng giảm đi.

Ngoài hai nhân tố trên, môi trường pháp lý và môi trường cạnh tranh cũng ảnh hưởng đáng kể đến TTTD của các NHTM. Trong nền kinh tế thị trường, mọi thành phần kinh tế đều có quyền tự chủ về hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Những quy định của pháp luật nếu rõ ràng, đồng bộ thì sẽ giúp các Ngân hàng giảm bớt các tranh chấp xảy ra, tăng cường hoạt động cho vay cũng như huy động vốn của mình.

b. Nhóm nhân tố thuộc về phía bản thân các NHTM

Nhóm các nhân tố nội tại, sẵn có, thuộc về bản thân các NHTM có tác động trực tiếp và sâu rộng đến tình hình tín dụng của ngân hàng như khả năng và tính sẵn sàng trong việc cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng. Các yếu tố này phụ thuộc vào khả năng huy động vốn, cơ cấu huy động vốn, mức độ đầy đủ vốn và chất lượng tài sản của ngân hàng.

Quy mô và phạm vi hoạt động của Ngân hàng

Quy mô và phạm vi hoạt động là những chỉ tiêu quan trọng khi đánh giá mức độ lớn mạnh của một ngân hàng và có tác động không nhỏ đến TTTD. Trước hết, quy mô hoạt động được thể hiện qua quy mô vốn của ngân hàng. Cũng giống như các doanh nghiệp kinh doanh khác, vốn cũng là điều kiện tiên quyết để một ngân hàng thành lập và đi vào hoạt động, là tiền đề để ngân hàng tổ chức các hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, quyết định quy mô của hoạt động tín dụng và các hoạt động khác của ngân hàng. Hoạt động của Ngân hàng dựa trên hai nguồn vốn chủ yếu là vốn tự có và vốn huy động. Trong đó, phạm vi và quy mô

hoạt động của ngân hàng phụ thuộc vào quy mô vốn tự có do vốn tự có là cơ sở tính toán các giới hạn bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng như: tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; giới hạn huy động vốn, giới hạn cho vay khách hàng, các đối tượng ưu đãi; giới hạn tối đa góp vốn đầu tư, liên doanh liên kết, mua cổ phần;...Như vậy, nếu vốn tự có càng lớn, khả năng được phép huy động vốn cũng như đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án càng cao, và các ngân hàng càng dễ dàng hơn trong các quyết định hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt là hoạt động tín dụng.

Phạm vi hoạt động của ngân hàng cũng thể hiện qua mạng lưới hoạt động của ngân hàng. Mạng lưới hoạt động của ngân hàng càng lớn thì khả năng tiếp cận khách hàng của ngân hàng càng cao, khả năng huy động và cho vay dễ dàng hơn nên điều này sẽ làm tăng khối lượng tín dụng của các NHTM.

Quy mô và chất lượng tài sản của ngân hàng

Với đặc thù kinh doanh chuyên biệt, tài sản của ngân hàng chủ yếu là các khoản tín dụng, do vậy chất lượng tài sản của ngân hàng trước hết thể hiện ở quy mô và tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu của ngân hàng. Khi nợ quá hạn, nợ xấu phát sinh khiến cho lượng vốn để tiếp tục quay vòng cho vay giảm xuống, chất lượng tài sản của ngân hàng thấp. Tình hình này đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn, làm giảm lợi nhuận của ngân hàng, xấu nhất có thể gây ra lỗ. Khi đó, đa phần các ngân hàng lựa chọn việc củng cố tình hình thanh khoản, điều chỉnh lại cơ cấu tín dụng, tập trung xử lý nợ xấu, giám sát các khoản tín dụng đang còn dư nợ thay vì cấp tín dụng mới, do vậy cũng ảnh hưởng lớn đến lượng cung tín dụng và TTTD của ngân hàng.

Bên cạnh các khoản tín dụng, tài sản của ngân hàng còn có các danh mục đầu tư chứng khoán, ngoại tệ, vàng. Chất lượng của các tài sản này thường thể hiện ở cơ cấu, trạng thái ngoại hối, chất lượng và trạng thái của danh mục đầu tư. Các khoản mục này ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh lời, tính thanh khoản của ngân hàng, và do vậy ảnh hướng đến khả năng cung ứng tín dụng của các NHTM.

Chiến lược kinh doanh của ngân hàng và chính sách tín dụng

Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp kinh doanh vì vậy chiến lược kinh doanh đóng vai trò quan trọng, có tính quyết định tới hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Dựa vào chỉ tiêu được giao về hoạt động huy động vốn, sử dụng vốn và các hoạt động khác của NHTW cũng như tình hình thực tế của từng ngân hàng, các ngân hàng phải xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp, trong đó chiến lược phát triển quy mô và chất lượng nguồn vốn đóng vai trò quan trọng, vì vậy các ngân hàng lên cân đối giữa huy động vốn và sử dụng vốn.

Chính sách tín dụng bao gồm các yếu tố giới hạn mức cho vay đối với một khách hàng, kỳ hạn của các khoản vay, lãi suất cho vay, phương thức cho vay, mức phí áp dụng, xử lý các khoản vay có vấn đề,... có tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng tín dụng của các NHTM. Chính sách tín dụng đúng đắn, phù hợp đem đến cho ngân hàng một danh mục cho vay hiệu quả, đạt được nhiều mục tiêu như tăng cường khả năng sinh lời mà vừa đảm bảo được chất lượng tín dụng vừa đáp ứng được các yêu cầu từ các cơ quan quản lý.

Chính sách lãi suất

Lãi suất là giá cả của quyền sử dụng vốn nên khi đi vay hay gửi tiền các cá nhân và tổ chức kinh tế đều tham khảo đầu tiên. Chính vì vậy, chính sách lãi suất là một trong những chính sách quan trọng quyết định TTTD của các NHTM và nó tác động đến cả hai phía cung và cầu tín dụng. Ngân hàng sử dụng hệ thống lãi suất như một công cụ quan trọng trong việc huy động và thay đổi quy mô nguồn vốn, đặc biệt là quy mô tiền gửi. Để thu hút được nguồn vốn, ngân hàng phải ấn định mức lãi suất cạnh tranh, triển khai ưu đãi về lãi suất cho khách hàng lớn, có mối quan hệ kinh doanh lâu dài. Quyết định đưa ra một mức lãi suất nào đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tương quan giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, thời gian đáo hạn của khoản tiền gửi, khoản vay; khả năng chuyển hoán giữa các kỳ hạn; các quy định của nhà nước, quy định của NHTW,... Lãi suất càng cao thì càng hấp dẫn người gửi tiền nhưng lãi suất huy động cao phải tương xứng với lãi suất cho vay thì ngân hàng kinh doanh mới có lãi.

Ngoài các yếu tố cơ bản nêu trên, cơ cấu nguồn thu nhập của ngân hàng cũng ảnh hưởng đến TTTD của ngân hàng. Ngân hàng có cơ cấu nguồn thu nhập đa dạng, không phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng sẽ tránh được các rủi ro khi thu nhập từ hoạt động tín dụng giảm. Còn khi ngân hàng có cơ cấu nguồn thu chủ yếu từ hoạt động tín dụng thì khi thu nhập tín dụng giảm ngân hàng sẽ không có đủ nguồn thu để bù đắp cho dự phòng rủi ro gia tăng và do đó lợi nhuận hoạt động tín dụng suy giảm sẽ buộc phải thu hẹp quy mô tín dụng của ngân hàng.

c. Nhóm nhân tố thuộc về các khách hàng của ngân hàng

Nhóm các nhân tố từ phía khách hàng gốm 2 đối tượng chính: Khách hàng cá nhân và Khách hàng doanh nghiệp.

Nhóm khách hàng cá nhân

Nhóm khách hàng cá nhân dần trở thành mảnh đất màu mỡ cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Xét trong mối quan hệ với tăng trưởng tín dụng của các NHTM, các nhân tố tác động thuộc nhóm khách hàng này về cơ bản bao gồm thói quen tiêu dùng, tiết kiệm và thu nhập. Các nhân tố này vừa ảnh hưởng đến cung vừa tác động đến cầu tín dụng.

Thói quen tiêu dùng và tiết kiệm của dân cư

Tâm lý, thói quen tiêu dùng và tiết kiệm của dân cư trước hết ảnh hưởng đến việc huy động vốn của ngân hàng, từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung ứng tín dụng. Vì vậy, ngân hàng phải nắm bắt được nhu cầu của nhóm khách hàng cá nhân để có chiến lược kinh doanh phù hợp. Ví dụ như ở các quốc gia phát triển, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng của dân cư trở nên phổ biến, trong khi ở các nước chậm phát triển, tâm lý không dùng tiền mặt lại khá phổ biến. Bên cạnh đó, mức độ chấp nhận rủi ro của dân cư và thói quen tích lũy ảnh hưởng đến quyết định của các cá nhân trong xã hội về xu hướng tiêu dùng và tiết kiệm: lựa chọn giữ tiền ở nhà hay gửi ngân hàng hoặc đầu tư vào chứng khoán, bất động sản. Tất cả đều ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn của các ngân hàng.

Không chỉ tác động đến TTTD thông qua ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của các ngân hàng, thói quen tiêu dùng và tiết kiệm của dân cư còn tác động

trực tiếp đến TTTD thông qua ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vốn hay cầu tín dụng. Điều này được thể hiện rõ nét ở nhu cầu vay tiêu dùng của bộ phận cá nhân, hộ gia đình. Hoạt động cho vay tiêu dùng cho phép các cá nhân, gia đình tiêu dùng trước, chi trả sau bằng nhiều hình thức đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân, gia đình khi tại thời điểm đó chưa đủ năng lực tài chính để trang trải nhu cầu. Vì vậy, hình thức cho vay tiêu dùng giúp đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người dân, tăng khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân và kích cầu tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế.

Thu nhập của dân cư

Khi thu nhập dân cư có xu hướng tăng lên đồng nghĩa với việc đời sống được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng ngày càng nâng cao. Thêm vào đó, thu nhập tăng cũng dẫn đến sự gia tăng các khoản tiết kiệm công chúng. Khi cả các khoản tiết kiệm và nhu cầu sử dụng vốn cho tiêu dùng, sản xuất kinh doanh của dân cư tăng, do đó tác động thuận chiều đến cả cung và cầu tín dụng của các NHTM.

Nhóm khách hàng doanh nghiệp

Nhóm khách hàng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tín dụng tại mỗi ngân hàng, do vậy sức tác động của nhóm khách hàng này đến tăng trưởng tín dụng là vô cùng mạnh mẽ. Các nhân tố cơ bản về phía doanh nghiệp có ảnh hưởng mạnh đến TTTD của hệ thống ngân hàng bao gồm quy mô vốn, hiệu quả sản xuất kinh doanh, và hiệu quả sử dụng vốn vay của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG-1906030257-TCNHK26A (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)