Năm 2020, tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt của kinh tế-xã hội toàn cầu và ngành ngân hàng với vai trò huy động và cung ứng vốn cho nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Để hỗ trợ các thành phần trong nền kinh tế, NHNN đã ban hành 2 văn bản quan trọng là Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Chỉ thị 02/CT-NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiết giảm chi phí hoạt động, để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt;…Theo đó, từ đầu năm 2020, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành, là một trong các NHTW có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực.Theo đó, trần lãi suất tiền gửi giảm 0,6- 1,0%/năm, trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm. Tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/nắm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Mặc dù có dấu hiệu phục hồi vào 2 quý cuối năm 2020 nhưng do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch phù hợp, theo đó tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên,…: tín dụng cho xuất khẩu tăng 10,4%, tín dụng cho nông nghiệp tăng 9,8%, cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11%. Thêm vào đó, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát và giảm dần.
Không chỉ ảnh hưởng về cầu tín dụng, tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng tín dụng. Dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lên đến khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 26% tổng dư nợ hệ thống. Bên cạnh đó, có khoảng 45.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình mưa bão, lũ lụt ở miền Trung, tiềm ẩn rủi ro tăng nợ xấu tại các ngân hàng.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tác động tiêu cực đến mọi thành phần trong nền kinh tế, ngành ngân hàng cũng ghi nhận một số con số tích cực. Tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ ấn tượng. Đến cuối tháng 10/2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước). Hoạt động thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công được đẩy mạnh. Đến nay, 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 98,6% trên tổng số thu ngân sách nhà nước của cơ quan hải quan được thực hiện qua phương thức điện tử; doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%...
Hoạt động tín dụng năm 2020 tuy có tăng trưởng chậm lại ở 2 Quý đầu năm nhưng TTTD đến hết năm 2020 đạt tới 12,13%, một con số thể hiện sự nỗ lực của Chính Phủ, NHNN và các Tổ chức tín dụng trong nước. Điều này giúp chúng ta đặt nhiều kỳ vọng về TTTD trong tương lai khi một số dấu hiệu phục hồi tích cực xuất hiện từ việc điều chế thành công vaccine chống Covid-19 và đang bắt đầu triển khai tiêm cho người dân theo lộ trình. Nền kinh tế toàn cầu theo đó cũng dần dần phục hồi, tương quan với xu hướng phục hồi nền kinh tế của Việt Nam hiện nay. Theo đó, hoạt động thương mại, sản xuất, dịch vụ đặc biệt là du lịch có thể quay lại hoạt động bình thường sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tín dụng.
Dù nền kinh tế có phục hồi, nhưng vẫn còn nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng trong năm 2021. Tín dụng tuy khởi sắc, song chưa thể tăng cao trở lại. Bên cạnh đó, nợ xấu tiềm ẩn đang tăng lên rất nhanh, lợi nhuận của các ngân hàng cũng có nguy cơ giảm. Hơn thế nữa, một nhiệm vụ quan trọng của các ngân hàng trong tương lai vẫn là triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ và biến đổi khí hậu… và hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19. Chính vì vậy, nếu muốn ổn định tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, ngành ngân hàng cần phải nỗ lực rất nhiều để vừa triển khai được các nhiệm vụ quan trọng vừa hoàn thành chỉ
tiêu kinh doanh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế-xã hội phục hồi sau đại dịch Covid- 19. Định hướng năm 2021, ngành ngân hàng đặt ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch Covid được khống chế trên toàn cầu, nền kinh tế cần nhiều vốn hơn để phục hồi và tăng trưởng, khi đó NHNN sẽ mở rộng tín dụng cao hơn. Thêm vào đó, NHNN cũng sẽ thực hiện điều chỉnh TTTD khi cần thiết phải kiểm soát tín dụng để đảm bảo tỷ lệ lạm phát hài hòa chung. NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ (đặc biệt là lãi suất, tỷ giá) chủ động, linh hoạt phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt. Ngoài ra, NHNN cũng tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng. Đối với các tổ chức tín dụng, NHNN chỉ đạo tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Đáng lưu ý, ngành ngân hàng sẽ xây dựng và trình Chính phủ Đề án tổng thể cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025 và chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại của tổ chức mình để sớm triển khai trong thời gian tới. Ngoài ra, trong năm 2021, ngành ngân hàng sẽ coi trọng tập trung cho lĩnh vực công nghệ số, cung ứng dịch vụ thanh toán, thanh toán không dùng tiền mặt, coi đây là 1 trong những lĩnh vực trọng tâm. Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng các Bộ, Ngành sớm tạo hành lang pháp lý, cơ sở pháp lý đầy đủ, đáp ứng kịp thời sự phát triển nhanh của một số lĩnh vực công nghệ, ngân hàng... Các TCTD cần quyết liệt, khẩn trương, thích ứng với sự phát triển công nghệ 4.0, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán.
Các kết quả, thành tích đạt được của ngành ngân hàng các năm vừa qua đã tạo bước tiền đề vững chắc, góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển của ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, ngành ngân hàng phấn đấu đến cuối năm 2025: (i) từ 2-3 NHTM nằm trong Top 100 ngân hàng lớn
nhất (về tổng tài sản) khu vực Châu Á, 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài; (ii) tất cả các NHTM áp dụng Basel II phương pháp tiêu chuẩn, thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao; (iii) tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng/tổng thu nhập của các NHTM khoảng 16-17%; (iv) nợ xấu toàn hệ thống dưới 3%; (v) thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…; (vi) nâng cao vị thế Việt Nam tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế về tiền tệ ngân hàng. Để đạt được những mục tiêu này, NHNN cũng đặt ra chiến lược xây dựng và triển khai 03 dự án luật: Luật các hệ thống thanh toán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Ngân hàng nhà nước và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.