a. Những hạn chế
- Chất lượng sau đào tạo và bồi dưỡng không như mong muốn. Trình độ ngoại ngữ của nhân viên còn hạn chế. Trong khách sạn chỉ có nhân viên lễ tân thành thạo tiếng Anh và tiếng Hàn. Các ngoại ngữ khác phải thông qua nhà quản trị khách sạn. Bên cạnh đó nhân viên còn thiếu kiến thức về ngành du lịch, văn hóa, phong tục tập quán các quốc gia khác, khả năng nắm bắt nhu cầu của khách hàng còn hạn chế. Phong cách phục vụ chưa thực sự chuyên nghiệp. Khi tổ chức hội nghị, hội thảo, tiệc cưới, còn gặp phải phàn nàn của khách.
- Lựa chọn đối tượng và giáo viên đào tạo chưa phù hợp. Còn tình trạng ép buộc người lao động tham gia các khóa đào tạo và bồi dưỡng. Nhiều người lao động không muốn tham gia nhưng do lo ngại ảnh hưởng tới công việc nên tham gia một cách chống chế. Dẫn tới trong quá trình học, người lao động chưa thực sự chú tâm vào học tập, rèn luyện làm cho kết quả đạt được sau đào tạo và bồi dưỡng không cao. Đa số nhân viên được cử làm nhiệm vụ kèm cặp hướng dẫn không có nghiệp vụ sư phạm, làm ảnh hưởng tới khả năng tiếp thu của nhân viên.
- Bố trí và sử dụng nhân viên sau đào tạo và bồi dưỡng chưa hợp lý. Một số nhân viên có trình độ, tay nghề cao đã xin chuyển công tác tới các khách sạn khác. Nhân viên phải kiêm nhiệm nhiều công việc trong cùng một vị trí làm việc.
- Chi phí dành cho đào tạo và bồi dưỡng còn hạn chế. Ngoài nguồn tự có, khách sạn hầu như không có nguồn kinh phí nào khác dành cho công tác trên. Ban giám đốc khách sạn phải cân nhắc lựa chọn đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian đào tạo cũng như các chi phí khác liên quan tới giáo viên, cơ sở vật chất giảng dạy.. sao cho phù hợp với nguồn chi phí hiện có cho nên công tác đào tạo và bồi dưỡng nhân lực còn gặp nhiều khó khăn.
b. Nguyên nhân
- Do khách sạn mới đi vào hoạt động từ năm 2005 đến nay cho nên vấn đề đào tạo và bồi dưỡng nhân lực còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi cơ cấu lao động trong khách sạn đang trong quá trình hoàn thiện. Số lượng nhân viên các bộ phận chưa đủ để thay thế nhân viên khi tham gia đào tạo và bồi dưỡng.
- Do khách sạn chưa xây dựng được tiêu chuẩn xác định đối tượng được cử đi đào tạo và bồi dưỡng cho nên việc cử nhân viên đi học còn dựa vào ý kiến chủ quan của Ban giám đốc cũng như các Trưởng bộ phận. Ban giám đốc đã không có kế hoạch cụ thể dành cho người lao động khi tham gia đào tạo và bồi dưỡng như: Đào tạo và bồi dưỡng trong thời gian bao lâu? Lương, thưởng, thăng tiến sau đào tạo như thế nào?.. Đối tượng cần được đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên trong khách sạn là nhân viên bộ phận lễ tân. Tuy nhiên, chủ yếu khách sạn đào tạo và bồi dưỡng cho nhân viên mới được tuyển dụng do đối tượng này cần được đào tạo ngay để có thể nhanh chóng vào làm việc, công việc của nhân viên lễ tân trong khách sạn quá nhiều cho nên không thể bố trí cho nhân viên lễ tân đi học thường xuyên.
- Quá trình tuyển dụng nhân viên còn tuyển chọn nhân viên không đúng với chuyên ngành được tuyển dụng. Đa số nhân viên bộ phận buồng, bàn, bảo vệ là lao động phổ thông cho nên khả năng tiếp thu kiến thức khi tham gia đào tạo còn hạn chế. Bên cạnh đó, một bộ phận nhân viên chưa nhận thức rõ vai trò của công tác đào tạo và bồi dưỡng nhân lực. Dẫn tới kết quả sau đào tạo không như mong muốn của khách sạn. - Khách sạn không có nguồn quỹ dành riêng cho đào tạo và bồi dưỡng nhân lực mà được trích ra một phần như chi phí phát sinh trong kinh doanh. Trong khi nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng nhân lực tại khách sạn ngày một tăng cao do khách sạn mở rộng kinh doanh nên có yêu cầu ngày càng cao đối với đội ngũ lao động. Từ đó làm cho chí phí đào tạo và bồi dưỡng nhân lực còn hạn hẹp.