Tính độc lập của kiểm toán viên

Một phần của tài liệu LATS_Nguyen Thu Hoai_NCS31A (Trang 49 - 50)

7. Kết cấu của luận án

1.2.4. Tính độc lập của kiểm toán viên

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tính độc lập của kiểm toán viên là một trong những nhân tố chính ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán như nghiên cứu của, Swift và Dando (2002), Shaikh và Talha (2003), Enofe và cộng sự (2013), Kamau (2013), Alani (2014), Albeksh (2017), Fulop (2017), Akther và Xu (2020).

Sự độc lập của kiểm toán viên được coi là nền tảng của nghề kiểm toán vì nó cũng là nền tảng cho niềm tin của công chúng (Nelson, 2006). Độc lập có hai khía cạnh khác nhau: độc lập trong thực tế và độc lập trong biểu hiện. Độc lập trong thực tế là thái độ, tinh thần không thiên vị của kiểm toán viên. Độc lập về biểu hiện là bên quan sát cho rằng kiểm toán viên không có mối quan hệ nào khác với khách hàng kiểm toán có thể gây ra xung đột lợi ích. Tuy nhiên, tính độc lập trong thực tế lại không thể quan sát được (Beattie và cộng sự, 1998).

Thực tế là kiểm toán viên vừa phải thực hiện công việc kiểm toán của mình vừa phải duy trì việc kinh doanh và thu phí kiểm toán của khách hàng, vì vậy họ có thể không muốn làm bất cứ điều gì gây nguy hại cho khoản thu nhập này. Bên cạnh đó, kiểm toán viên có thể cung cấp các dịch vụ phi kiểm toán và tạo ra xung đột trong vai trò của họ, các xung đột này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới việc kiểm toán viên thực hiện kiểm toán một cách khách quan. ISA 210 đòi hỏi kiểm toán viên phải xác nhận mức độ độc lập trước khi chấp nhận ký hợp đồng. Nếu không đảm bảo tính độc lập, ý kiến đánh giá của kiểm toán viên có thể không còn khách quan và

điều này khiến cho công việc kiểm toán không đáp ứng được kỳ vọng của người sử dụng thông tin.

Rabinowitz (1996) đã nghiên cứu sự gia tăng trách nhiệm, tính độc lập của kiểm toán viên và nhận thấy một số thiếu sót liên quan đến độc lập của kiểm toán viên trong quy trình kiểm toán đã làm suy giảm niềm tin của công chúng vào nghề nghiệp kiểm toán. Akther và Xu (2020) cũng tin rằng nhận thức của kiểm toán viên về tính độc lập có thể làm giảm khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán thông qua việc làm gia tăng sự hài lòng của các bên có liên quan đối với kết quả kiểm toán. Hơn nữa, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy vai trò của giám sát kiểm toán từ một bên độc lập có thể đóng vai trò tích cực trong việc duy trì sự độc lập của kiểm toán viên nhằm thu hẹp khoảng cách kỳ vọng. Tuy nhiên, nghiên cứu thực nghiệm của Awuor (2018) lại cho thấy không có mối quan hệ đáng kể về ý nghĩa thống kê giữa tính độc lập của kiểm toán viên và khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán (giá trị p > 0,05) mặc dù kết quả cho thấy tính độc lập của kiểm toán viên có khả năng thu hẹp khoảng cách này (giá trị Beta < 0).

Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của Adeyemi và Uadiable (2011) khi nghiên cứu này cho rằng kiểm toán viên có thể không đưa ra đánh giá khách quan cho người sử dụng thông tin khi họ là những cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp có thu phí. Nghiên cứu của Kamau (2013) tại Keynia cũng cho kết quả tương tự của Awuor (2018) khi cho thấy bản chất của mối quan hệ nghịch giữa tính độc lập của kiểm toán viên và khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán và mức ý nghĩa của nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tính độc lập của kiểm toán không phải là nhân tố có ảnh hưởng đáng kể về ý nghĩa thống kê tới khoảng cách kỳ vọng.

Nhìn chung, tính độc lập của kiểm toán viên giúp thu hẹp khoảng cách kỳ vọng cho dù mức độ ảnh hưởng này có thể là đáng kể hoặc không đáng kể trong các nghiên cứu thực nghiệm khác nhau.

Một phần của tài liệu LATS_Nguyen Thu Hoai_NCS31A (Trang 49 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(176 trang)
w