7. Kết cấu của luận án
2.1.5. Lý thuyết cảnh sát (policeman theory)
Theo Hayes và cộng sự (2005), đây là lý thuyết chi phối kiểm toán cho đến những năm 1940. Lý thuyết này cho rằng một kiểm toán viên đóng vai trò như một người cảnh sát. Kiểm toán viên đặt trọng tâm công việc vào tính chính xác về mặt toán học của thông tin, việc ngăn chặn và phát hiện các gian lận trong các tổ chức. Nói cách khác, lý thuyết này yêu cầu kiểm toán viên hành động như một người cảnh sát với mục tiêu theo dõi và bảo vệ các nguồn lực của đơn vị để các bên có liên quan có thể đạt được những lợi ích chung. Tuy nhiên, sau các vụ gian lận báo cáo tài chính tại Soce Generale, Satyam, Akeep, Enron… đã có sự thay đổi trong mô hình kiểm toán. Theo Egbunike và Egbunike (2017), các tranh luận về trách nhiệm của kiểm toán viên ở cả cấp độ bên trong và bên ngoài đơn vị về việc phát hiện và công bố các gian lận đang ngày càng gia tăng.
Lý thuyết này được liên kết với nghiên cứu về khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán vì những người sử dụng thông tin tài chính vẫn tin rằng vai trò cơ bản của kiểm toán viên là ngăn chặn và phát hiện gian lận mà không phải là xác minh tính trung thực, hợp lý của thông tin trình bày trên báo cáo tài chính. Điều này tạo ra sự khác biệt giữa kỳ vọng của người sử dụng thông tin với nhận thức của kiểm toán viên về vai trò nghề nghiệp của họ. Lý thuyết cảnh sát không thể giải thích được sự thay đổi từ phát hiện gian lận sang xác minh tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính, do đó vẫn đóng góp vào khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán. Như vậy, lý thuyết cảnh sát đã không còn phù hợp với sự thay đổi trong nghề nghiệp kiểm toán hiện nay, tuy nhiên lý thuyết này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích sự tồn tại những kỳ vọng bất hợp lý từ phía người sử dụng thông tin.