1. Đối thủ cạnh tranh sản phẩm Snetfone.
- Đối thủ cạnh tranh trong nước:
Trong nước hiện đang có 3 nhà cung cấp thẻ điện thoại internet là SPT, NetNam và VDC. Trong đó, thị phần của SPT chiếm 70% của 3 nhà cung cấp này. Song vấn đề đáng nói ở đây là thị phần của 3 nhà cung cấp này chỉ chiếm 20% thị phần tiêu thụ, còn 80% là thị phần dành cho thẻ lậu. Nhìn chung, tất cả các đối thủ cạnh tranh hiện nay đều trong tình trạng làm công tác marketing còn kém, số lượng khách hàng đến với công ty còn hạn chế. Việc đương đầu với thẻ lậu là một bài toán rất hóc búa. Các doanh nghiệp muốn đứng vững và phát triển cần phải tuyên chiến với thẻ lậu. Sự đa dạng hoá sản phẩm, hạ giá thành, nâng cao chất lượng cuộc gọi, đặc biệt là vấn đề hạ giá thành kết hợp với công tác
marketing là hai yếu tố quyết định sự thắng hay thua trên chiến trường chống hàng lậu. Trong thời gian qua, các công ty kinh doanh thẻ đã liên tục hạ giá cước để cạnh tranh đẩy lùi thẻ lậu. Chẳng hạn, với hướng gọi đi Mỹ thẻ Fone VNN của công ty điện toán và truyền số liệu VDC là 389 đồng/phút, thẻ của NetNam là 363 đồng/phút, thẻ Snetfone của SPT là 273 đồng/phút. Trong khi đó thẻ lậu Skype là 384 đồng/phút, thẻ YMVoice là 320 đồng/phút. Như vậy, chúng ta có thể thấy các doanh nghiệp trong nước đã cố gắng hạ giá cước thậm chí còn rẻ hơn cả thẻ lậu song một thực tế đáng buồn là thẻ lậu vẫn chiếm phần lơn trên thị trường. Điều này đặt ra cho các doanh nghiệp phải nâng cao công tác marketing để khách hàng có cơ hội tiếp xúc và hiểu về mình.
- Đối thủ cạnh tranh là các doanh nghiệp quốc tế:
Hiện nay chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào chính thức cung cấp thẻ điện thoại internet ở Việt Nam. Song do sự đa năng của thẻ điện thoại internet của các nhà cung cấp nước ngoài có thể gọi đi bất cứ nước nào ở bất cứ nơi đâu (trong khi đó thẻ điện thoại internet của Việt Nam bị chặn hướng gọi từ nước ngoài về Việt Nam và hướng gọi đi liên tỉnh và di động), sự buông lỏng quản lý của nhà nước và sự sính dùng hàng ngoại của người Việt nên thẻ lậu đã tràn ngập thị trường Việt Nam. Trong tương lai, do sự hội nhập của Việt Nam nên các doanh nghiệp nước ngoài có thể chính thức tham gia vào thị trường thẻ điện thoại internet ở Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài hiện tại chưa chính thức tham gia kinh doanh thẻ điện thoại internet ở Việt Nam song sản phẩm và dịch vụ của họ đã có mặt ở Việt Nam từ rất lâu theo con đường mua bán trên mạng và những người này khi có được mã số thẻ cùng mã pin sẽ tự in thủ công để bán cho khách hàng. Và thị trường này đã chiếm khoảng 80% thị phần thị trường thẻ điện thoại internet ở Việt Nam ( theo nguồn: điều tra thị trường năm 2007 của công ty SPT).
2. Khách hàng tiêu thụ.
Khách hàng tiêu thụ sản phẩm Snetfone tập trung ở miền Nam nhiều hơn ở các miền khác. Số lượng khách hàng tiêu thụ đang có xu hướng tăng lên do
Trung tâm IP đã mở rộng mạng lưới kênh phân phối ra khắp các tỉnh thành trong nước, giá cả giảm đi cạnh tranh với thẻ lậu, và sự mất lòng tin của một số khách hàng đã sử dụng thẻ lậu. Theo con số thống kê nghiên cứu thị trường của SPT thì có khoảng 80% doanh nghiệp nước ngoài sử dụng thẻ điện thoại internet. Các doanh nghiệp nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam thường có xu hướng mua các loại thẻ chính thống của các công ty sản xuất trong nước vì chất lượng cuộc gọi được bảo đảm, cước phí tính đúng và khách hàng có thể yêu cầu sự trợ giúp cũng như được hưởng sự chăm sóc khách hàng. Nhưng các khách hàng trong nước lại hay sử dụng thẻ lậu mà không biết rằng mình sẽ phải chịu rất nhiều rủi ro nếu như chất lượng cuộc gọi kém, đang gọi bị out, số phút gọi không đủ mà không thể thắc mắc, khiếu kiện vì những người bán sẽ phủ nhận tất cả và nói rằng có thể do khách hàng không biết sử dụng thẻ và họ không chịu bất cứ trách nhiệm nào về chất lượng cuộc gọi cũng như thắc mắc của khách hàng.
Khách hàng sử dụng thẻ Snetfone do tập trung ở khu vực phía Nam mà khách hàng này thường là những khách hàng rất nhạy cảm với giá, họ rất nhạy bén. Họ sẵn sàng thay đổi nhà cung cấp nếu họ nhận thấy họ có lợi hơn từ việc thay đổi này. Cho nên để duy trì lượng khách này, Trung tâm phải có chính sách tiếp tục hạ giá thành cước gọi và chăm sóc khách hàng để xây dựng lòng tin nơi khách hàng đồng thời thu hút thêm khách hàng mới sử dụng dịch vụ của Trung tâm. Cùng với sự lớn mạnh của công ty nên trong những năm qua Trung tâm đã mở rộng mạng lưới phân phối của mình ra khu vực phía Bắc. Hiện nay, Trung tâm đã xây dựng được mạng lưới của mình trên cả 64 tỉnh thành trong nước, quảng bá sản phẩm được mở rộng. Song một thực tế là mạng lưới này vẫn còn rất mỏng, chưa thật sự lớn mạnh để có thể tạo ra một bước nhảy vọt cho Trung tâm. Trung tâm cũng đã xây dựng được một hệ thống khách hàng tiềm năng thân thiết ở khu vực phía bắc. Công tác chăm sóc khách hàng được đánh giá khá tốt cộng với tâm lý của khách hàng ở phía Bắc là chung thuỷ, ít thay đổi nên nếu Trung tâm có chính sách chăm sóc khách hàng tốt sẽ hứa hẹn một khối lượng khách hàng lớn ở khu vực này.
3. Nhà cung ứng.
Trung tâm IP có đủ năng lực để tự sản xuất và kinh doanh. Mối quan hệ với nhà cung ứng ở đây là theo tính chất hợp tác cùng có lợi chứ không phải là mối quan hệ phụ thuộc. Điều này giúp cho Trung tâm tự chủ được trong quá trình kinh doanh, thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của môi trường kinh doanh mà không bị lệ thuộc vào ai. Hệ thống đường truyền và cáp quang của Trung tâm không những đáp ứng được nhu cầu gọi quốc tế mà còn cho phép mở rộng hướng gọi từ quốc tế về cũng như gọi trong nước, kết nối gọi thẻ internet với điện thoại di động và cố định trong nước với giá rẻ. Các nhà cung ứng này được đánh giá là có trình độ công nghệ ở bậc khá của trình độ thế giới, cũng như năng lực tốt, đều là những doanh nghiệp có tiếng ở nước ngoài. Đây sẽ là một lợi thế trong tương lai của Trung tâm tạo thế chủ động trong hợp tác kinh doanh cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh, liên doanh liên kết.
4. Áp lực sản phẩm thay thế.
Sản phẩm thay thế của Snetfone là tất cả các loại thẻ điện thoại internet. Áp lực lớn ở đây không phải là các sản phẩm chính ngạch mà là hàng lậu. Áp lực này rất lớn vì thẻ lậu đang chiếm khoảng 80% thị phần. Các sản phẩm thay thế này không bị giới hạn hướng gọi như thẻ internet của Việt Nam. Thẻ internet phone của Việt Nam chỉ được gọi từ Việt Nam đi quốc tế, không được di chuyển theo hướng quốc tế gọi về Việt Nam. Trong khi đó các thẻ lậu có thể gọi ở đi bất cứ nơi đâu, di chuyển rộng khắp. Điều này giải thích tại sao thẻ lậu dễ dàng tràn vào Việt Nam trong thời gian qua. Do đó, Trung tâm phải không ngừng hạ giá thành, tăng cường công tác marketing. Với cơ sở hạ tầng hiện có Trung tâm có thể mở rộng hướng gọi với giá thành thấp song việc này đòi hỏi phải có sự cho phép của bộ bưu chính viễn thông cũng như sự chấp thuận của chính phủ.
5. Mối đe doạ từ các doanh nghiệp mới gia nhập.
Do thẻ lậu đang chiếm thị phần lớn khiến cho 3 nhà cung cấp trong ngành đã phải rút lui nên gần như các doanh nghiệp có khả năng gia nhập ngành cũng rất ngại tham gia thị trường. Do đó có thể khẳng định mối đe doạ từ các doanh
nghiệp mới gia nhập là không đáng kể. Với thẻ lậu đang chiếm ưu thế trên thị trường song chúng ta phải nhìn nhận rằng các thẻ lậu này không phải là hàng giả mà là cách chúng thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Thông qua con đường mua bán trên mạng, thanh toán qua thẻ tín dụng các loại thẻ này vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch nên không phải chịu thuế do đó mà hoa hồng cao nên các đại lý đã chấp nhận bán thẻ lậu mà ít quảng bá cho sản phẩm chính ngạch. Trong xu hướng hội nhập, các doanh nghiệp nước ngoài có thể chính thức cung cấp dịch vụ internet phone trên thị trường Việt Nam cũng không phải là một mối đe doạ quá lớn đối với Trung tâm IP. Vì khi họ chưa tham gia chính thức vào thị trường thì Trung tâm IP đã phải đối mặt với họ thì khi họ tham gia chính thức tức là họ cũng sẽ chịu những điều chỉnh chung của pháp luật, chính sách chung nên sẽ tạo lợi thế bình đẳng trong cạnh tranh.