Mọi trẻ em đều tiềm ẩn năng lực sáng tạo, nhưng sáng tạo của trẻ em không giống người lớn, sự sáng tạo chính là khi trẻ bắt đầu tái tạo, bắt chước mô phỏng một điều gì đó và thường không có tính chủ đích. Sự sáng tạo của trẻ phụ thuộc vào xúc cảm, vào tình huống và thường kém bền vững. Sự sáng tạo của trẻ em bao giờ cũng xuất phát từ nhu cầu trước, một nhu cầu cấp bách tự nhiên và là điều kiện tồn tại của trẻ. Trẻ không bao giờ sáng tạo cái gì nó chưa biết, không hiểu hoặc không hứng thú.
Sáng tạo của trẻ không mang tính chất tổng hợp lĩnh vực trí tuệ, tình cảm, ý chí và đặc biệt là tưởng tượng sáng tạo. Trẻ có thể sáng tạo đột nhiên, có cách làm việc tự do, không cần thật nhớ, không cần bắt chước, bất kì chỗ nào thiếu trí nhớ, những gì trẻ nhớ chỉ còn lại yếu tố rời rạc thì óc tưởng tượng sẽ móc ghép theo cách riêng. Thế là sáng tạo.
Chúng ta thấy rằng, so với người lớn thì thì tri thức và kinh nghiệm của trẻ còn ít, trí tưởng tượng nghèo nàn, hứng thú đơn giản hơn. Nhưng do sự dễ dãi, sự mộc mạc của trí tưởng tượng nên trẻ sống trong thế giới tưởng tượng và tin vào sản phẩm của tượng tượng nhiều hơn. Trẻ có thể hiện bất cứ một tưởng tượng nào của mình thành hình tượng và hành động sinh động. Khi sáng tác trẻ ít nghiền ngẫm lâu về tác phẩm của mình, phần lớn trẻ sáng tác liền một mạch. Trẻ giải quyết nhu cầu sáng tạo của mình nhanh chóng và triệt để những tình cảm tràn ngập trong lòng của nó. Sản phẩm sáng tạo của trẻ có thể không sáng tạo nhưng ưu thế là chúng nảy sinh trong quá trình sáng tạo của trẻ.
Trẻ mầm non nói chung trẻ 5 - 6 tuổi nói riêng đó là lứa tuổi tràn ngập cảm xúc, phát triển trí tò mò, trí tưởng tượng bay bổng, khả năng liên tượng
mạnh. Vì vậy đây là giai đoạn tối ưu, là mảnh đất mầu mỡ nhất để gieo “mầm” sáng tạo.
Trí tưởng tượng và trí nhớ trực quan của trẻ 5 - 6 tuổi đã dần dần phát triển, bước đầu hình thành tư duy có phân tích. Trẻ quan sát chủ đích có tập trung, nhận thức phong phú đã tạo cơ sở diễn tả được những gì trẻ thấy và những gì trẻ thích thú. Sáng tạo có vai trò rất quan trọng trong hoạt động tạo hình nói chung và hoạt động chắp ghép nói riêng trên con đường chinh phục tri thức và hoàn thiện nhân cách.
- Trẻ có tính sáng tạo luôn có động lực muốn tìm tòi, hiểu biết mọi thứ xung quanh một cách tích cực.
- Sáng tạo đi cùng tưởng tượng phong phú là nguồn sáng tác vô cùng to lớn để tạo ra những điều độc đáo, hấp dẫn. Sáng tạo có vai trò rất lớn đối với trẻ trong hoạt động chắp ghép giúp trẻ có những suy nghĩ ý tưởng mới lạ, độc đáo khi tham gia vào hoạt động.
Tiểu kết chương 1
Qua quá trình nghiên cứu về lý luận của việc tổ chức hoạt động chắp ghép nhằm phát huy tính sáng tạo cho trẻ 5 – 6 tuổi, chúng tôi rút ra kết luận sau:
Đối với trẻ mầm non sự sáng tạo của trẻ không chỉ được xem xét ở kết quả, trong sản phẩm sáng tạo mà còn được nhìn nhận trong bản thân quá trình sáng tạo. Điều quan trọng không hẳn là ở cái trẻ tạo ra, mà là trẻ đang được sáng tạo, đang được bộc lộ và rèn luyện trong quá trình sáng tạo đó. Đặc biệt khả năng sáng tạo của trẻ rất quan trọng, việc tổ chức hoạt động chắp ghép nhằm phát huy tính sáng tạo cho trẻ cần phải có quy trình cụ thể. Vì vậy cần phải hiểu một số khái niệm có liên quan đến đề tài như: Khái niệm sáng tạo, khái niệm hoạt động, khái niệm quy trình tổ chức hoạt động...Và đặc biệt cần phải hiểu việc tổ chức hoạt động là hệ thống các bước cần phải tuân theo.
Đối với trẻ lứa tuổi mầm non, nhất là ở độ 5 - 6 tuổi, việc nâng cao mức độ sáng tạo của trẻ thông qua hoạt động tạo hình nói chung và HĐCG nói riêng là vấn đề mang ý nghĩa thực tiễn cao. Trẻ phải được sống trong môi trường, được hướng dẫn, tổ chức các hoạt động và được thể hiện những ước mơ, suy nghĩ của mình một cách sáng tạo. Đó cũng là một đóng góp nhỏ trong công cuộc góp phần xây dựng thế hệ tương lai cho đất nước. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về HĐCG và khả năng sáng tạo trong HĐCG của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi là rất hiếm, vì vậy chúng tôi hy vọng đề tài của mình bên cạnh việc khảo sát mức độ sáng tạo của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi, góp phần tìm ra phương pháp tổ chức có hiệu quả đối việc với nâng cao mức độ sáng tạo cho trẻ.
Từ những vấn đề trên, chúng tôi thiết nghĩ việc tổ chức hoạt động chắp ghép nhằm phát huy tính sáng tạo cho trẻ 5 – 6 tuổi phải dựa vào các giai đoạn với các bước rõ ràng sẽ tạo ra điều kiện cho giáo viên thuận lợi hơn trong việc thực hiện kế hoạch tổ chức hoạt động chắp ghép.
Chương 2: CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA VẤN ĐỀ