Qua 4 tuần quan sát, đàm thoại và dự giờ chơi lắp ghép, xây dựng của trẻ mẫu giáo lớn ở trường mầm non Hùng Vương, tôi đi đến một vài nhận xét sau:
a. Ưu điểm
- Ở trường mầm non đã chú ý tổ chức và hướng dẫn trò chơi lắp ghép, xây dựng theo kế hoạch cho từng tuần, từng tháng, từng chủ đề và phù hợp cho từng lứa tuổi.
- Trước khi cho trẻ chơi, giáo viên đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho từng giờ chơi của trẻ: đồ dùng, đồ chơi, chỗ chơi, thời gian chơi… là điều kiện rất quan trọng khi tổ chức trò chơi lắp ghép, xây dựng cho trẻ.
- Trong khi chơi giáo viên đã quan sát trẻ, rèn luyện kỹ năng chơi cho trẻ, giúp trẻ biết phản ánh hiện thực vào trò chơi.
- Giáo viên đặc biệt chú ý rèn cho trẻ thói quen như: phải biết bảo quản và giữ gìn đồ dùng, đồ chơi, biết nhường nhịn bạn không tranh giành nhau khi chơi. - Lựa chọn và sử dụng một số biện pháp nhằm thực hiện mục đích giáo dục của mình.
b. Hạn chế:
- Trong quá trình tổ chức trò chơi lắp ghép, xây dựng, giáo viên nhiều khi còn áp đặt trẻ chơi theo những vật liệu mà giáo viên lựa chọn. Giáo viên vẫn là người phân nhóm chơi, vai chơi cho trẻ và vẫn còn tình trạng “chuyên môn hóa” ở các nhóm chơi. Trẻ không lĩnh hội được một cách đầy đủ những chuẩn mực đạo đức của xã hội trong khi chơi. Vì vậy, trẻ không tự điều khiển được hành vi của mình.
- Trong quá trình cho trẻ chơi, giáo viên ít chú ý thay đổi vai, vật liệu chơi. - Nhận xét sau khi chơi còn mang tính chung chung, chưa cụ thể, chủ yếu giáo viên tập chung vào việc nhận xét kỹ năng, nề nếp chơi của trẻ.
- Giáo viên chưa chú ý tạo ra cho trẻ các tình huống chơi “có vấn đề” để gây hứng thú cho trẻ khi tham gia lắp ghép, xây dựng.
- Đồ dùng, đồ chơi còn thiếu thốn nên chưa cuốn hút được trẻ.
- Giờ tổ chức trò chơi lắp ghép, xây dựng cho trẻ còn hạn chế, còn bị cắt xén… tổ chức buổi chơi còn diễn ra một cách máy móc, đơn điệu và khô cứng.
- Giáo viên chưa quan tâm đến việc xử lý các mâu thuẫn, xung đột nảy sinh trong quá trình chơi của trẻ, hoặc nếu có thì chưa khéo léo.