7. Tổng quan nghiên cứu liên quan đến luận văn
1.4.2. Bài học rút ra đối với tỉnh Đắk Nông trong giảm nghèo hiện nay
Một là, Những địa phương có tốc độ XĐGN nhanh, bền vững, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt là do có sự chỉ đạo sát sao, kiên quyết của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể và sự nỗ lực lớn của chính người nghèo. Coi công tác XĐGN là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, của tổ chức, đơn vị.
Hai là, Biết phát huy nội lực của địa phương, đồng thời tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút đầu tư phát triển. Tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình, dự án đầu tư, tạo thêm niềm tin cho người dân.
Ba là, Ban chỉ đạo XĐGN các cấp chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc xây dựng, củng cố và biết phát huy vai trò của bộ phận chuyên trách rất quan trọng, đặc biệt là bố trí công việc ổn định, tập huấn nâng cao nghiệp vụ đảm bảo chất lượng, chế độ tiền lương, phụ cấp cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, nhất là cán bộ cấp cơ sở, làm cho lực lượng này trở thành nòng cốt đưa chủ
trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người nghèo, người lao động, đồng thời giúp BCĐ các cấp tiếp cận với thực tế, tăng tính năng động trong quản lý, điều hành.
Bốn là, Những chính sách, hỗ trợ của các cấp, các ngành chỉ là điều kiện đủ, điều kiện cần để xoá đói giảm nghèo bền vững chính là sự nỗ lực của bản thân người nghèo, hộ nghèo... Bởi khi người dân không có khát vọng làm giàu, tinh thần quyết tâm học hỏi thì sự hỗ trợ, đầu tư bên ngoài cũng khó phát huy tác dụng. Do đó, để công cuộc XĐGN thành công chính là sự nỗ lực từ chính bản thân mỗi người nghèo. Khi họ đã có ý thức vươn lên thoát nghèo thì những cơ chế, chính sách hỗ trợ sẽ là nền tảng để họ vươn lên bằng chính khả năng của mình.
Năm là, Muốn thực hiện tốt công tác XĐGN phải tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Có nhận thức tốt sẽ có được sự đồng tâm hiệp lực, sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp trong thực hiện chương trình, đây là chìa khoá cho sự thành công.
Qua 5 năm (2010-2015) thực hiện Chương trình XĐGN, đời sống của người nghèo và hạ tầng vùng nghèo được cải thiện rõ rệt, vị thế của người nghèo từng bước được nâng lên, đã chứng tỏ được rằng chương trình XĐGN là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đã khơi dậy và làm phong phú thêm truyền thống nhân đạo của dân tộc ta. Cũng chính từ Chương trình này, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và đoàn thể nhân dân được củng cố, tình cảm trong cộng đồng dân cư được gắn bó sâu sắc hơn, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Trong chương 1, luận văn đã tập trung trình bày cơ sở lý luận về giảm nghèo. Trong đó luận văn đã làm rõ khái niệm hộ nghèo, giảm nghèo; Tiêu chí xác định hộ nghèo; Ý nghĩa của vấn đề giảm nghèo. Trong chương này luận văn cũng đã trình bày nội dung về giảm nghèo cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến giảm nghèo. Trong đó nội dung của giảm nghèo bao gồm những vấn đề như : Hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề; Cho vay tín dụng để giảm nghèo; Hỗ trợ Y tế, giáo dục và cơ sở vật chất khác cho hộ nghèo, huyện nghèo; Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn và khuyến Nông Lâm Ngư. Các nhân tố ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo bao gồm: Nhóm nhân tố thuộc về điều kiện tự nhiên; Nhóm nhân tố thuộc về điều kiện xã hội; Nhóm nhân tố thuộc về điều kiện kinh tế. Kết thúc chưong 1 luận văn đã trình bày kinh nghiệm giảm nghèo ở Quảng Trị và Hà Tĩnh có thể nghiên cứu vận dụng trong công tác giảm nghèo ở tỉnh Đắk Nông.
Việc nghiên cứu những vấn đề cơ sở lý luận ở Chương 1 đặt nền tảng, hình thành khung lý luận vững chắc để nghiên cứu Chương 2 và Chương 3 của luận văn.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO Ở TỈNH ĐẮK NÔNG
2.1. KHÁI QUÁT ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ XÃ HỘI ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO Ở TỈNH ĐẮK NÔNG