của Chương trình. Bao gồm:
– Từ vựng: thành ngữ và tục ngữ: đặc điểm và chức năng; thuật ngữ: đặc điểm và chức năng; nghĩa của một số yếu tố Hán Việt thông dụng và nghĩa của những từ có yếu tố Hán Việt đó; ngữ cảnh và nghĩa của từ trong ngữ cảnh.
– Ngữ pháp: số từ, phó từ: đặc điểm và chức năng; các thành phần chính và thành phần trạng ngữ trong câu: mở rộng thành phần chính và trạng ngữ bằng cụm từ; công dụng của dấu chấm lửng.
– Hoạt động giao tiếp: biện pháp tu từ nói quá, nói giảm nói tránh: đặc điểm và tác dụng; liên kết và mạch lạc của VB: đặc điểm và chức năng.
– Sự phát triển của ngôn ngữ và các biến thể ngôn ngữ: ngôn ngữ của các vùng miền; phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ: hình ảnh, số liệu.
b. Mục tiêu của việc dạy học tiếng Việt trong Ngữ văn 7 tương tự Ngữ văn 6 là trang bị cho HS công cụ để đọc hiểu, chứ không nhằm cung cấp kiến thức lí thuyết theo logic của khoa học nghiên cứu về ngôn ngữ.
Các đơn vị, hiện tượng tiếng Việt không được tập hợp để tạo thành một “phân môn” riêng mà tích hợp kiến thức Ngữ văn vào bài học lấy VB làm trung tâm.
Do mục tiêu là vận dụng kiến thức tiếng Việt để thực hành, qua đó phát triển kĩ năng giao tiếp, nên ngoài kiến thức mới đưa vào bài học, Ngữ văn 7 còn thiết kế nhiều bài tập đòi hỏi HS vận dụng kiến thức đã học trước đó để tìm hiểu, khám phá các đặc điểm ngôn ngữ, ví dụ các bài tập về từ láy; về biện pháp tu từ so sánh, nhân hoá, ẩn dụ,… Thực hiện đúng phương châm: Học tiếng Việt để vận dụng chứ không phải chỉ để ghi nhớ các khái niệm.
GV có thể hình thành kiến thức mới cho HS bằng cách sử dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ: đi từ ngữ liệu thực tế để HS tìm hiểu và rút ra khái niệm (phương pháp quy nạp); hoặc sử dụng phương pháp thông báo, giải thích: đưa khái niệm, định nghĩa về đơn vị, hiện tượng ngôn ngữ và lấy ví dụ để minh hoạ (phương pháp diễn dịch).