Các khuyến nghị thu hẹp khoảng cách hợp lý

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán báo cáo tài chính các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. (Trang 165 - 167)

7. Kết cấu của luận án

5.2.1. Các khuyến nghị thu hẹp khoảng cách hợp lý

Khoảng cách hợp lý (RG) xuất phát từ những kỳ vọng bất hợp lý của người sử dụng thông tin về những công việc mà họ cho rằng kiểm toán viên nên thực hiện. Do kỳ vọng bất hợp lý luôn tồn tại nên khoảng cách liên quan đến các kỳ vọng này được gọi là khoảng cách hợp lý. Chính vì vậy không thể loại bỏ hoàn toàn được khoảng cách hợp lý mà chỉ có thể thu hẹp ở mức độ nhất định. Kết quả nghiên cứu của luận án đã chỉ ra rằng, khoảng cách hợp lý hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng khoảng cách kỳ vọng, nên thu hẹp khoảng cách này đóng vai trò quan

trọng trong việc thu hẹp khoảng cách kỳ vọng nói chung. Bên cạnh đó, kết quả cũng cho thấy có ba nhân tố ảnh hưởng đáng kể tới khoảng cách hợp lý trong đó có hai nhân tố có ảnh hưởng thuận chiều gồm: kỳ vọng quá mức của người sử dụng thông tin về trách nhiệm của kiểm toán viên, kỳ vọng quá mức của người sử dụng thông tin về cảnh báo kiểm toán, và nhân tố giáo dục, đào tạo về kiểm toán của người sử dụng thông tin có ảnh hưởng nghịch chiều. Vì vậy, các khuyến nghị được đề xuất trên cơ sở các nhân tố này như sau:

Thứ nhất, đối với nhân tố kỳ vọng quá mức của người sử dụng thông tin về

trách nhiệm và về cảnh báo của kiểm toán. Để thu hẹp hoàn toàn các "mong muốn thái quá" của người sử dụng thông tin là không thể, tuy nhiên việc giảm các kỳ vọng này là có thể. Kết quả nghiên cứu của luận án đã chi ra rằng người sử dụng thông tin được khảo sát mong muốn kiểm toán viên kiểm tra 100% nghiệp vụ và số dư của khách hàng kiểm toán hay đưa ra các cảnh báo sớm về khả năng phá sản của khách hàng kiểm toán, đề xuất hệ thống cảnh báo nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận tại đơn vị được kiểm toán. Tuy nhiên, vì những hạn chế vốn có cũng như mục tiêu, chức năng của kiểm toán nên các kỳ vọng này là không hợp lý khiến cho khoảng cách kỳ vọng hợp lý nói riêng và khoảng cách kỳ vọng nói chung gia tăng. Để giảm các kỳ vọng bất hợp lý, cần có các giải pháp để gia tăng sự hiểu biết của người sử dụng thông tin về trách nhiệm của kiểm toán viên, những hạn chế của kiểm toán hay bản chất, ý nghĩa của các thông điệp được truyền tải qua báo cáo kiểm toán. Vì vậy, trước hết, cần đẩy mạnh việc giáo dục về kiểm toán cho người sử dụng thông tin thông qua cách thức đào tạo chính thức tai các trường đại học, cao đẳng hay các cách thức phi chính thức qua các phương tiện truyền thông như báo, đài, truyền hình… Các công ty kiểm toán cần đưa ra các điều khoản rõ ràng về trách nhiệm của kiểm toán viên và trách nhiệm của khách hàng kiểm toán trong các hợp đồng kiểm toán. Cơ quan ban hành chuẩn mực cũng cần xem xét để lựa chọn cách thức diễn đạt các thông điệp trong báo cáo kiểm toán rõ ràng, dễ hiểu hơn đối với người sử dụng.

Thứ hai, đối với nhân tố giáo dục, đào tạo về kiểm toán của người sử dụng

thông tin. Kết quả nghiên cứu của luận án đã cho thấy việc giáo dục người sử dụng thông tin về bản chất, hạn chế của kiểm toán có khả năng thu hẹp đáng kể khoảng cách hợp lý nói riêng cũng như khoảng cách kỳ vọng nói chung. Tuy nhiên, việc giáo dục, đào tạo sẽ khả thi hơn đối với người sử dụng thông tin thuộc về khách hàng kiểm toán như nhà quản lý, các cổ đông, nhân viên kế toán, kiểm toán viên nội

bộ và nhóm đối tượng sử dụng thông tin có lợi ích trực tiếp từ kiểm toán như nhân viên môi giới chứng khoán, nhân viên ngân hàng, các nhà đầu tư, nhà phân tích tài chính… Việc giáo dục cho công chúng nói chung là không cần thiết vì không phải tất cả các thành viên trong công chúng đều quan tâm và sử dụng thông tin được kiểm toán. Việc gia tăng sự hiểu biết của người sử dụng thông tin về bản chất và hạn chế của kiểm toán có thể được thực hiện bằng cách cung cấp các khóa học về kiểm toán trong các chương trình đào tạo của các trường Đại học, cao đẳng khối ngành kinh tế. Các khách hàng kiểm toán cũng cần chủ động hơn trong tổ chức thảo luận về mục đích, chức năng của kiểm toán trong các cuộc họp đại hội đồng cổ đông giúp người sử dụng thông tin hiểu rõ hơn về kiểm toán. Các kiểm toán viên trong quá trình thực hiện kiểm toán cần trao đổi rõ ràng về chức năng cũng như những hạn chế của kiểm toán nhằm nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, các kế toán viên, kiểm toán viên nội bộ, các cổ đông của khách hàng kiểm toán. Các cơ quan chuyên môn cần tổ chức nhiều hơn các cuộc hội thảo trao đổi về nghề nghiệp kiểm toán cho người sử dụng thông tin tài chính.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán báo cáo tài chính các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. (Trang 165 - 167)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)