1.1.1.1. Xuất khẩu hàng hoá
Theo A. Smith, phân công lao động xã hội dẫn đến chuyên môn hóa sản xuất để tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Theo học thuyết lợi thế so sánh của D. Ricardo khi một quốc gia sản xuất và đem trao đổi những mặt hàng có lợi thế so sánh của mình với một quốc gia khác thì cả hai quốc gia đều thu được lợi nhuận. Như vậy, xuất khẩu hàng hóa là một hoạt động tất nhiên xảy ra khi phân công lao động xã hội đạt được một trình độ nhất định. Bởi thế, có nhiều cách hiểu khác nhau về xuất khẩu hàng hóa như:
Như vậy có thể hiểu xuất khẩu là hoạt động kinh doanh với phạm vi vượt ra khỏi biên giới quốc gia hoặc là hoạt động buôn bán của một nước với nước khác trên phạm vi quốc tế. Đây không phải là hành vi mua bán đơn lẻ mà là cả hệ thống các quan hệ mua bán phức tạp có tổ chức cả bên trong lẫn bên ngoài nhằm thúc đẩy hàng hóa phát triển ổn định đem lại lợi ích cho quốc gia.
Hay xuất khẩu hàng hóa là hoạt động đưa hàng hóa ra khỏi một nước (từ quốc gia này sang quốc gia khác) để bán trên cơ sở dùng tiền làm phương tiện thanh toán hoặc trao đổi lấy một hàng hóa khác có giá trị tương đương. Một cách khái quát có thể hiểu, xuất khẩu là việc đưa hàng hóa ra nước ngoài nhằm thực hiện giá trị sử dụng và giá trị của hàng hóa.
Theo quy định tại Điều 28, Luật Thương mại năm 2005, xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật. Đến nay, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 nhưng vẫn tiếp tục sử dụng định nghĩa nêu trên của Luật Thương mại năm 2005.
1.1.1.2. Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá
Thông qua quá trình nghiên cứu về hoạt động xuất khẩu, tác giả nhận thấy, đẩy mạnh xuất khẩu là các biện pháp nhằm tăng cường các hoạt động trao đổi hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia với các quốc gia khác dưới hình thức mua bán thông qua quan hệ thị trường nhằm khai thác lợi thế của một quốc gia trong phân công lao động quốc tế. Đây là hoạt động diễn ra trên mọi lĩnh vực, trong mọi điều kiện kinh tế, từ xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng cho đến tư liệu sản xuất, máy móc thiết bị, công nghệ kỹ thuật cao. Tất cả các hoạt động đó đều nhằm đem lại lợi ích cho quốc gia.
Đẩy mạnh xuất khẩu diễn ra trên phạm vi rộng cả về không gian và thời gian. Nó có thể diễn ra trong một thời gian ngắn hoặc có thể kéo dài hàng năm. Đồng thời, nó có thể được tiến hành trên phạm vi một quốc gia hay nhiều quốc gia khác nhau. Ngày nay, các quốc gia trên thế giới dù là những nước lớn hay những quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì đẩy mạnh xuất khẩu vẫn là việc làm cần thiết. Bởi lẽ, đẩy mạnh xuất khẩu sẽ góp phần tăng tổng sản phẩm kinh tế quốc dân, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân và tăng tiềm lực về an ninh quốc phòng. Do đó, đẩy mạnh xuất khẩu là việc làm hết sức quan trọng, có ý nghĩa trước mắt và lâu dài đối với một quốc gia.