Phân loại ứng phó với stress trong học tập

Một phần của tài liệu Báo cáo ứng phó với stress trong học tập của sinh viên (Trang 25 - 27)

Ngoài vấn đề về khái niệm và cách tiếp cận, các nghiên cứu vềứng phó còn có hạn chế do thiếu thống nhất trong việc phân loại ứng phó (Compas và c.s., 2001). Nghiên cứu của Skinner và c.s. (2003) đã tìm ra 100 hệ thống phân loại ứng phó khác nhau với hơn 400

cách ứng phó. Trong đó, cách phân loại ứng phó phổ biến nhất là của Lazarus và Folkman (1984). Cụ thể, các cách ứng phó được phân chia thành hai kiểu hay hai chiến lược là ứng phó tập trung vào vấn đề và ứng phó tập trung vào cảm xúc. Ứng phó tập trung vào vấn đề là những nỗ lực thay đổi nhận thức, cảm xúc và hành vi của cá nhân nhằm giải quyết vấn đề đã gây ra stress. Chiến lược ứng phó này được sử dụng khi cá nhân đánh giá là tình huống gây stress có thể thay đổi được. Chẳng hạn, lập kế hoạch giải quyết hay tìm kiếm sự trợ giúp. Trong khi đó, ứng phó tập trung vào cảm xúc lại hướng đến việc điều chỉnh lại cảm xúc của bản thân khi đối mặt với tình huống căng thẳng mà cá nhân cho là không thể thay đổi hay kiểm soát. Ví dụ, chia sẻ cảm xúc với người khác, hay dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn. Một cách phân loại phổ biến khác là chia ứng phó thành ứng phó chủ động và ứng phó né tránh (Roth & Cohen, 1986). Trong đó, ứng phó chủ động là những nỗ lực làm thay đổi nguồn gây stress hoặc thay đổi cách cá nhân nghĩ về nó. Ngược lại, ứng phó né tránh là những cách thức giúp con người không phải đối mặt trực tiếp với vấn đề, làm giảm stress hoặc lo âu trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên nhiều tác giả nhận định cả hai cách phân loại này đều không hiệu quả vì một số cách ứng phó có thể thuộc vào cả hai kiểu ứng phó (Abraham và c.s., 2016; Skinner và c.s., 2003). Chẳng hạn việc cá nhân tìm cách tạm thời tách ra khỏi một vấn đề có thể là để lấy lại bình tĩnh về mặt cảm xúc nhằm giải quyết vấn đề đó tốt hơn. Cụ thể, tiểu thang tìm kiếm chỗ dựa xã hội của Bảng Hỏi Các Cách Ứng Phó (Ways of Coping Questionnaire) của Folkman & Lazarus, 1985 được coi là vừa thuộc chiến lược ứng phó tập trung vào vấn đề, vừa thuộc chiến lược ứng phó tập trung vào cảm xúc. Để khắc phục tình trạng này, các

nhà nghiên cứu thường xây dựng và sử dụng những thang đo trong đó các cách ứng phó được phân loại thành những chiến lược cụ thể hơn.

Connor-Smith, Compas, Wadsworth, Thomsen, và Saltzman (2000) cho rằng ứng phó có thể chia thành mười chiến lược bao gồm giải quyết vấn đề, điều hòa cảm xúc, bộc lộ cảm xúc, chấp nhận, sao nhãng, thay đổi nhận thức, suy nghĩ tích cực, chối bỏ, né tránh, và mong ước. Trong đó, các chiến lược ứng phó giải quyết vấn đề, điều hòa cảm xúc, bộc lộ cảm xúc thuộc nhóm ứng phó gắn kết kiểm soát sơ cấp, được cá nhân sử dụng khi vấn đề gây stress vẫn có thể thay đổi được. Các chiến lược ứng phó chấp nhận, sao nhãng, thay đổi nhận thức và suy nghĩ tích cực thuộc nhóm ứng phó gắn kết kiểm soát thứ cấp, được cá nhân sử dụng khi vấn đề chưa thể thay đổi, hoặc sẽ không thể thay đổi được. Cuối cùng, các chiến lược ứng phó chối bỏ, né tránh và mong ước thuộc nhóm ứng phó tách khỏi, được sử dụng khi cá nhân không dám đối diện với tình huống khó khăn. Ưu điểm của cách phân loại này đó là đã phối hợp được cả hai cách phân loại chính và hạn chế được sự chồng lấn giữa các cách ứng phó. Thêm vào đó, cách phân loại này cũng phản ánh được quan điểm tình huống mà theo đó cách cá nhân ứng phó với một sự kiện hay tình huống sẽ liên tục thay đổi, tùy thuộc vào thẩm định của cá nhân về mối quan hệ giữa bản thân và môi trường, có thể bắt đầu từ ứng phó gắn kết kiểm soát sơ cấp, sau đó là ứng phó gắn kết kiểm soát thứ cấp và cuối cùng là ứng phó tách khỏi.

Một phần của tài liệu Báo cáo ứng phó với stress trong học tập của sinh viên (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)