Thực trạng ứng dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam

Một phần của tài liệu Xu hướng chuyển đổi số và ảnh hưởng của công nghệ thông tin đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: thực chứng từ Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel. (Trang 65 - 68)

Trước những thay đổi nhanh chóng từ thị trường và đối thủ, cũng như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có những bước chuyển mình và dành sự quan tâm đúng mực đối với chuyển đổi số. Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (2020), các doanh nghiệp quan tâm nhất đến mục tiêu gia tăng hiệu quả quản lý, sản xuất, kinh doanh (64%), kế đến là mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng và xây dựng, triển khai các mô hình kinh doanh mới. Khảo sát của VCCI (2020) thì đi sâu vào cụ thể hơn, khi thực hiện khảo sát cụ thể về các lĩnh vực và giải pháp mà doanh nghiệp đang áp dụng chuyển đổi số, nổi bật là: quản trị nội bộ, mua hàng, sản xuất, marketing và bán hàng.

Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2020), các hệ thống hội nghị trực tuyến, công cụ điện toán đám mây và hệ thống quản lý công việc và quy trình là các ứng dụng của chuyển đổi số được sử dụng nhiều nhất. Theo sau đó là các công cụ ít được sử dụng hơn như hệ thống quản lý nhân sự từ xa, hệ thống phê duyệt nội bộ và học trực tuyến.

Hình 4.2 Thực trạng ứng dụng chuyển đổi số trong quản trị nội bộ của doanh nghiệp

Nguồn: Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2020)

Cũng theo khảo sát này, đối với lĩnh vực mua hàng, công cụ nổi bật được áp dụng là thanh toán điện tử, với 52.2% số doanh nghiệp đã sử dụng trước khi Covid- 19 xảy ra, 14.5% số doanh nghiệp bắt đầu áp dụng công cụ này từ khi có Covid-19. Theo sau đó là hoạt động trao đổi dữ liệu điện tử với 31% doanh nghiệp sử dụng.

Theo khảo sát của VCCI (2020), trong lĩnh vực sản xuất, rất nhiều công cụ hiện đại đã được áp dụng nhằm tăng năng suất, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp như: hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP, hệ thống điều hành sản xuất nhà máy, thiết bị IoT và rô bốt/dây chuyền tự động hóa.

Hình 4.3 Thực trạng ứng dụng chuyển đổi số trong trong sản xuất

Nguồn: Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2020)

Lĩnh vực marketing và bán hàng được coi là không gian cho doanh nghiệp thể hiện sự sáng tạo và đổi mới, khi khảo sát của VCCI (2020) ghi nhận rất nhiều nhiều công cụ chuyển đổi số được sử dụng như: thương mại điện tử, mạng xã hội, hệ thống hội nghị trực tuyến, thanh toán điện tử và trao đổi dữ liệu điện tử.

Từ khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2020), có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam về cơ bản đã áp dụng chuyển đổi số vào tương đối đa dạng các lĩnh vực kinh doanh của họ. Việc áp dụng chuyển đổi số cũng đã mang lại một số thành công cụ thể cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Một trong những trường hợp doanh nghiệp chủ động chuyển đổi số và đạt được thành công có thể kể tới là Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Công ty Rạng Đông ứng dụng công nghệ sản xuất sản phẩm thông minh từ năm 2011. Nhận thấy cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, từ 2017 Công ty đã phát triển các sản phẩm Smart LED; kết nối, liên hoàn, số hóa và thực hiện ISO – Online một số dây chuyền; thực hiện phần mềm ứng dụng ERP ở một xưởng sản xuất, nhằm tiếp cận, thử nghiệm Chuyển đổi số. Với những chuyển đổi tích cực, tháng 10/2020, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc công ty Rạng Đông cho biết, 9 tháng đầu doanh nghiệp đã vượt qua mọi khó khăn, tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt 13.2%, lợi nhuận thực hiện tăng gấp hai lần 28.1% so với cùng kỳ. Công ty cũng thể hiện sự cam kết đầu tư, coi chuyển đổi số là động lực chủ yếu với mục tiêu đến 2025 doanh thu gấp 4 lần 2019, hoàn thành khâu sản xuất thông minh với 70- 80% dữ liệu được kết nối, tự động xử lý và phân tích trong một hệ thống thống nhất. Công ty cổ phần viễn thông FPT - FPT Telecom cũng là một trường hợp thành công khác khi áp dụng chuyển đổi số. Với mô hình chiến lược vận hành số, theo ông Hoàng Việt Anh (2020), giám đốc điều hành FPT Telecom, công ty đã mạnh dạn triển khai nền tảng phân công tối ưu dựa trên nền tảng AI cho 6.500 nhân viên kỹ thuật. Cụ thể, FPT Telecom thực hiện công công việc tối ưu dựa vào năng lực, thời gian, vị trí địa lý của từng nhân viên bằng Core AI engine. Sau 12 tháng, giải pháp này giúp

công ty tiết kiệm 65 tỷ đồng chi phí vận hành và nhân sự, tăng 27.6% năng suất lao động.

Hay tại chính Viettel, Tổng công ty viễn thông Viettel Telecom đã áp dụng chuyển đổi số để triển khai chương trình chăm sóc khách hàng Viettel ++ thông qua ứng dụng My Viettel, phục vụ 100% (gần 70 triệu) khách hàng của mình. Chương trình của Viettel được khách hàng đánh giá cao, khi mà chỉ số đo lường sự hài lòng (Net Promoter Score) - đạt 63 điểm (tăng 9%), với 83% khách hàng hài lòng với Viettel++ sau khi sử dụng, đồng thời giúp Viettel trở thành doanh nghiệp viễn thông duy nhất nằm trong 10 thương hiệu có trải nghiệm khách hàng tốt nhất (theo báo cáo của KPMG, 2020).

Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu có sự quan tâm và đầu tư cho chuyển đổi số, đặc biệt một số doanh nghiệp đã đạt được những thành công ấn tượng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý những vấn đề còn tồn tại như tính đồng bộ trong triển khai, việc lựa chọn công cụ

- nhà cung cấp dịch vụ phù hợp, cũng như lưu ý những nhược điểm tiềm ẩn của công cụ mới như tính bảo mật, tính ổn định,... để đảm bảo hiệu quả chuyển đổi số ở mức cao nhất.

Một phần của tài liệu Xu hướng chuyển đổi số và ảnh hưởng của công nghệ thông tin đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: thực chứng từ Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel. (Trang 65 - 68)