Bệnh gỉ sắt lá Keo tai tượng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm phát sinh, gây hại của một số bệnh hại chính tại vườn ươm cây công ty lâm nghiệp Đồng Hỷ, Thái Nguyên. (Trang 37 - 40)

+ Đặc điểm chung của keo tai tượng (Acacia mangium Willd)

Keo tai tượng là cây gỗ trung bình, cao khoảng 20m, đường kính thân từ 25 - 35cm. Vỏ cây màu nâu nứt dọc, cây mầm dưới 1 tháng tuổi có lá kép lông chim 2 lần, cây khi trưởng thành có dạng lá đơn, mọc cách. Lá cây phát triển rộng nhiều nốt sần cố định đạm. Cây ưa sáng, mọc nhanh, khả năng tái sinh bằng hạt và chồi tốt, đặc biệt là ở những nơi đất ẩm nhiều ánh sáng cây mọc rất tốt.

Cây có tác dụng che phủ và cải tạo đất, có khả năng cố định đạm, là cây được sử dụng làm nguyên liệu giấy, đồ gia dụng…

Ở giai đoạn vườn ươm keo tai tượng thường hay mắc các bệnh như gỉ sắt, phấn trắng, cháy lá, vàng lá. Khi giai đoạn cây ra lá giả vào mùa đông lạnh cây thường bị bệnh phấn trắng rất nặng. Ở rừng trồng cây đã lớn thường hay mắc các bệnh khảm lá, hoa lá, gỉ sắt và bồ hóng.

+ Bệnh gỉ sắt lá Keo

- Triệu chứng: Điển hình là lúc đầu trên mặt lá hình thành các đốm bột màu vàng nâu phân bố rải rác rồi sau lan dần cả mặt lá. Lúc đầu xuất hiện ở những lá phía dưới rồi dần dần lan lên cả những lá phía trên. Ở những cây bị nặng trên mặt lá không chỉ có những lớp bột màu vàng mà còn xuất hiện các đốm màu nâu như gỉ sắt. Cây ở giai đoạn nhỏ thì tỷ lệ bị bệnh càng cao hơn ở những cây lớn.

- Tác hại của bệnh: Cây bị bệnh gỉ sắt thường không chết ngay mà bệnh làm cho cây sinh trưởng phát triển kém, cây còi cọc, bệnh nặng làm cho lá cây rụng sớm, cây có thể khô dần và chết.

- Phân biệt cây khoẻ và cây bệnh: Những cây khoẻ sinh trưởng và phát triển bình thường lá xanh không thấy xuất hiện những triệu chứng trên.

- Nguyên nhân gây bệnh: Do nấm gỉ sắt đơn bào Olivea acaciae, là loại nấm chuyên ký sinh thuộc ngành phụ nấm đảm gây ra.

Hình 4.1. Ảnh bệnh gỉ sắt lá Keo tai tượng

Bảng 4.1. Mức độ hại của bệnh gỉ sắt Keo tai tượng qua các lần điều tra TT lần điều tra Ngày điều tra Nguyên nhân gây bệnh R% Đánh giá mức độ gây hại 1 11/03/2018 Nấm 34,55 Hại vừa 2 01/04/2018 Nấm 17,00 Hại nhẹ 3 01/05/2018 Nấm 6,73 Hại nhẹ

Hình 4.2. Biểu đồ biểu diễn mức độ hại của bệnh gỉ sắt lá Keo tai tượng qua các lần điều tra

Qua biểu đồ cho thấy mức độ gây hại của bệnh gỉ sắt lá Keo tai tượng có xu hướng giảm xuống qua các lần điều tra. Lần điều tra đầu tiên vào ngày 11/05/2018 thấy mức độ bệnh hại cao nhất là 34,55% là mức hại vừa. Thời tiết trong những ngày này âm u, mưa phùn kéo dài và trời lạnh, nhiệt độ trung bình thấp và độ ẩm trung bình cao nên đây là điều kiện thuận lợi để nấm gỉ sắt phát triển, xâm nhiễm và lây lan.

Những lần điều tra sau bệnh giảm xuống dần. Bệnh giảm vì thời gian bước vào tháng 3 và tháng 4 nhiệt độ tăng cao dần và độ ẩm giảm, trời bớt lạnh, cường độ chiếu sáng mạnh hơn, số ngày nắng nhiều hơn.Cùng với việc theo dõi thường xuyên kết hợp với vệ sinh loại bỏ những cây sinh trưởng kém, đảo bầu, bón phân làm cho cây sinh trưởng tốt hơn và hạn chế được sự phát triển của mầm bệnh, nguồn lây nhiễm nên mức độ hại của bệnh đã giảm xuống rất nhiều chỉ còn 6,73% là mức hại nhẹ ở lần điều tra cuối cùng.

Qua đó ta thấy được mức độ hại của bệnh gỉ do nhiều yếu tố gây nên, trong đó yếu tố thời tiết là ảnh hưởng nhiều và kèm theo đó là công tác vệ sinh vườn ươm không đảm bảo cũng làm cho mầm bệnh tăng lên.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm phát sinh, gây hại của một số bệnh hại chính tại vườn ươm cây công ty lâm nghiệp Đồng Hỷ, Thái Nguyên. (Trang 37 - 40)