BĐDT trong các nghiên cứu về CTV được xem xét như một yếu tố đại diện cho rủi ro kinh doanh của DN. Điều này cho thấy BĐDT là một yếu tố cần được cân nhắc khi đưa ra các quyết định tài chính nói chung và quyết định về CTV nói riêng. Xuất phát từ nhiều mục đích nghiên cứu khác nhau, các nghiên cứu lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm đã điều tra tác động của BĐDT đến CTV. Khi đó, BĐDT được đưa vào xem xét ảnh hưởng đến CTV như một biến kiểm soát trong mô hình. Ngoài ra, BĐDT được đưa vào các nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến CTV. Nhìn chung, các nghiên cứu coi BĐDT là yếu tố chính xem xét tác động đến CTV còn khá hạn chế (chi tiết xem mục 3.1).
Mặt khác, khi đo lường BĐDT, các nghiên cứu trước đây chủ yếu sử dụng phương pháp trung bình trượt mẫu (rolling-window) hoặc độ lệch chuẩn của DTHĐ. Song, chưa có nhiều nghiên cứu sử dụng phần dư hồi quy sự thay đổi của DTHĐ theo từng thời điểm nghiên cứu để làm rõ sự biến động của dòng tiền. Đặc biệt, theo tác giả tìm hiểu các nghiên cứu ở Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào sử dụng phương pháp này để xem xét sự biến động của dòng tiền.
Đồng thời, các nghiên cứu thực nghiệm trước đây mới nghiên cứu về sự tác động trực tiếp của BĐDT đến CTV mà chưa xem xét đến các điều kiện có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai yếu tố này. Cụ thể, chỉ có một số ít nghiên cứu kiểm tra đến ảnh hưởng của DTHĐ đến tác động BĐDT đến CTV (Santosuosso, 2015, Memon và cộng sự, 2018). Ngoài yếu tố về tình hình hoạt động của DN, các điều kiện về sở hữu của nhà nước (Memon và cộng sự, 2018), sở hữu nước ngoài và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính của người quản lý trực tiếp ảnh hưởng đến
mối quan hệ này nhưng vẫn còn là khoảng trống chưa được nghiên cứu ở trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, các lý thuyết dựa trên các khía cạnh về thông tin bất cân xứng dẫn đến rủi ro lựa chọn nghịch cho các DN. Điều này kéo theo việc các DN phải cân nhắc đánh đổi giữa lợi ích và chi phí của việc sử dụng vốn. Đây là cơ sở xem xét cho sự tác động về BĐDT tác động đến CTV. Dựa trên các lý thuyết nền đã có, các nghiên cứu thực nghiệm kiểm định lại và cụ thể hoá bằng các bằng chứng thực nghiệm tại một hoặc một số quốc gia trên thế giới. Nhìn chung, các lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm cho kết quả về mối quan hệ giữa BĐDT và CTV chưa rõ ràng. Các lý thuyết khẳng định BĐDT tác động đến ĐBTC của DN, nhưng chưa thống nhất về chiều hướng tác động. Trong khi các bằng chứng thực nghiệm vẫn chưa có kết quả rõ ràng. Một số bằng chứng chưa thấy tác động của BĐDT đến việc sử dụng nợ, một số bằng chứng khác thấy BĐDT tác động ngược chiều đến ĐBTC trong khi đó một số khác lại cho rằng BĐDT tác động thuận chiều đến ĐBTC.
Cuối cùng, chủ đề BĐDT – CTV được nghiên cứu nhiều tập trung ở các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, các nước Châu Âu hoặc các nước có nền kinh tế phát triển mạnh như Trung Quốc. Theo hiểu biết của tác giả, mối quan hệ giữa BĐDT và CTV ở quốc gia có nền kinh tế nhỏ, đang chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường như Việt Nam với hệ thống quản trị DN chưa được đồng bộ, thị trường vốn còn sơ khai, sở hữu của nhà nước vẫn chiếm đa số, sở hữu nước ngoài được khuyến khích xong vẫn chưa thực sự phát huy tác đụng vẫn chưa được tìm hiểu.
Với những khoảng trống nghiên cứu phát hiện ở trên là cơ sở để tác giả tiến hành nghiên cứu và dẫn ra các giả thuyết nghiên cứu dưới đây.