Modigliani and Miller (1958) khởi nguồn cho lý thuyết về CTV hiện đại với lý thuyết không có sự liên hệ giữa CTV và giá trị DN trong thị trường hoàn hảo. Trong lý thuyết này, CTV được xem như sự kết hợp giữa nợ và vốn chủ sở hữu. Myers (1984) coi CTV như sự điều chỉnh một tập hợp các nguồn vốn theo đúng cách hoặc theo một tỷ lệ so sánh mà công ty lựa chọn. Theo Pandey (2001) CTV của một DN đề cập đến thành phần của nguồn vốn trong DN, nó bao gồm toàn bộ nguồn vốn dài hạn của DN như cổ phiếu, trái phiếu, các khoản vay nợ và lợi nhuận giữ lại của DN. (Bringham and Ehrhardt, 2008) cho rằng CTV là sự kết hợp giữa nợ và vốn chủ sở hữu của DN. Các DN có thể tăng nguồn vốn từ các nguồn lực bên ngoài hoặc lợi nhuận giữ lại thay vì phân phối cho các cổ đông. CTV cũng có thể được hiểu là một cách DN quyết định phân bổ dòng tiền của mình thành hai phần chính: một phần cố định để hoàn trả các nghĩa vụ nợ và phần còn lại là thuộc về các cổ đông (Chandra, 2011). Như vậy, hầu hết các khái niệm về CTV hàm ý rằng nguồn vốn của DN có cấu phần từ nhiều nguồn khác nhau nhưng được chia thành hai thành phần chính là nợ và vốn chủ sở hữu trong một khoảng thời gian nhất định.
CTV thường được đại diện bằng ĐBTC của DN. ĐBTC được hiểu là tỷ lệ phần trăm các tài sản của DN được tài trợ bằng nợ thay vì bằng vốn chủ sở hữu (Bringham and Ehrhardt, 2008). ĐBTC hay việc sử dụng nợ của DN liên quan đến nghĩa vụ hoàn trả lãi gốc. Sử dụng ĐBTC đem lại lợi ích cho cổ đông khi lợi nhuận tạo ra từ khoản vay nợ lớn hơn chi phí vay nợ, mặc dù rủi ro gia tăng có thể bù đắp cho chi phí vốn nói chung. Việc sử dụng nợ sẽ dồn rủi ro kinh doanh của DN lên chính những chủ sở hữu DN do chủ nợ được ưu tiên thanh toán các khoản lãi định kỳ và gốc khi đến hạn nên không lo sợ rủi ro kinh doanh. Do đó, việc xem xét tác động của BĐDT đến CTV không chỉ được quan tâm bởi những nhà quản lý DN, mà bao gồm cả các cổ đông- người sở hữu DN.