Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần nhau, có nhiều nét tương đồng về chính trị và văn hóa. Về chế độ sở hữu và sử dụng đất, Trung Quốc có chế độ sở hữu toàn dân và chế độ sở hữu tập thể. Theo quy định của luật quản lý Nhà nước về đất đai Trung Quốc năm 1998 thì Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân theo hình thức là cấp đất, xuất nhượng đất, cho thuê đất. Nhà nước giao đất cho các đối tượng theo những thời hạn nhất định, tùy vào thời hạn cụ thể. Trong trường hợp cần thu hồi đất vì mục đích quốc gia, lợi ích công cộng thì Nhà nước có chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người có đất bị thu hồi.
Tại Trung Quốc, thẩm quyền thu hồi đất thuộc về Quốc vụ viện và Chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quốc vụ viện có thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp có diện tích từ 35ha trở lên và 70ha trở lên với các loại đất khác. Còn dưới hạn mức này thì thẩm quyền thuộc về Chính quyền tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương.
Về trách nhiệm bồi thường, theo quy định của pháp luật Trung Quốc thì người nào sử dụng đất thì người đó có trách nhiệm bồi thường. Tiền bồi thường bao gồm: lệ phí sử dụng đất nộp cho Nhà nước và các khoản tiền trả cho người có đất bị thu hồi.
Về nguyên tắc bồi thường, pháp luật Trung Quốc quy định khoản tiền bồi thường cho giải phóng mặt bằng phải đảm bảo cho người có đất bị thu hồi những điều kiện bằng hoặc cao hơn điều kiện sống trước đó của họ (Nguyễn Quang Tuyến, Nguyễn Ngọc Minh, 2010).
Nhìn chung, ở Trung Quốc Nhà nước đã dành sự quan tâm đáng kể đến người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi, đảm bảo cho họ được hưởng những thành quả từ quá trình CNH, đô thị hóa.