Singapore vừa có chế độ sở hữu nhà nước, vừa có chế độ sở hữu tư nhân về đất đai. Đất nông nghiệp ở Singapore chỉ chiếm khoảng 2% tổng diện tích đất tự nhiên, vì thế việc thu hồi đất nông nghiệp để chuyển sang mục đích khác là không đáng kể.
Ở Singapore, Nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất và người dân có trách nhiệm chấp hành quyết định thu hồi đất của Nhà nước. Nhưng việc thu hồi đất phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định, không tùy tiện. Trường hợp người bị thu hồi đất không thực hiện quyết định thu hồi đất thì sẽ bị cưỡng chế thu hồi hoặc bị phạt theo quy định của pháp luật.
Trong chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất của Singapore, mức bồi thường thực tế được áp dụng là giá trị hiện tại của bất động sản của chủ sở hữu. Trong quá trình bồi thường, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ tối đa về thiệt hại, tạo công ăn việc làm cho người nông dân sau khi bị thu hồi đất. Người dân có quyền chuyển nhượng đất nhưng phải thông qua Nhà nước chứ không được chuyển nhượng trực tiếp cho chủ đầu tư dự án. Một trong những điểm nổi bật về chính sách bồi thường của Singapore đó là việc người dân có quyền khiếu nại về giá trị bồi thường và có một cơ quan có thẩm quyền quyết định về vấn đề này. Trong trường hợp không đồng ý với giá bồi thường thì người dân có quyền khiếu nại ra Toà án thượng thẩm (Nguyễn Quang Tuyến, Nguyễn Ngọc Minh, 2010).
Qua những phân tích kể trên của Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore, ta có thể rút ra một số kinh nghiệm để Việt Nam hoàn thiện chế định bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp như sau:
Cần phải gắn quyền lợi với trách nhiệm của người sử dụng đất. Điều này có nghĩa là người nào sử dụng đất thì người đó có trách nhiệm bồi thường để có sự
công bằng trong việc thu hồi đất. Bên cạnh đó, khi quy định về số tiền bồi thường, Luật Đất đai của Việt Nam nên quy định rõ hai khoản tiền: lệ phí sử dụng đất phải nộp cho Nhà nước và các khoản phải trả cho người có đất bị thu hồi. Đây là quy định mà Trung Quốc đã áp dụng từ lâu và khá hiệu quả.
Ngoài ra, khi thực hiện công tác bồi thường cần chú trọng đến việc giải quyết các vấn đề xã hội trong thu hồi đất nông nghiệp. Ví dụ như trợ cấp cho nông dân, hay giải quyết vấn đề về việc làm cho người nông dân.