Phối hợp với các tổ chức địa phương

Một phần của tài liệu Sáng kiến phòng tránh tai nạn thương tích tiểu học (Trang 37 - 40)

III. MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH TAI NẠN THƯƠNG TÍCH

6.3. Phối hợp với các tổ chức địa phương

Giáo dục không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà nó còn là trách nhiệm của gia đình và xã hội. Vì vậy, để làm tốt công tác giáo dục học sinh, đặc biệt là việc phòng chống tai nạn thương tích cho các em thì cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức địa phương. Để đảm bảo công tác an toàn giao thông, an toàn thực phẩm hay phòng tránh tai nạn đuối nước,phòng tránh xâm hại cho các em thì địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, quản lí, xử lí các vi phạm xảy ra ở trên địa bàn. Chẳng hạn như khi xuất hiện các quán hàng bán rong, đồ ăn vặt trước cổng trường vào các thời điểm trước hoặc sau giờ học, với những thực phẩm không rõ nguồn gốc có nguy cơ dẫn đến ngộ độc, mất vệ sinh và gây mất trật tự giao thông vào những thời điểm trước và sau giờ học. Với chức năng, quyền hạn của nhà trường, của giáo viên không thể nghiêm cấm việc làm trên mà chỉ có sự vào cuộc của chính quyền địa phương mới giải quyết được những hoạt động mua bán trên. Và trên thực tế, nhờ sự phối hợp tốt với chính quyền mà năm học này không còn hiện tượng các quán hàng tập trung buôn bán

trước cổng trường vào các giờ tan học của các em.

Ngoài ra, trong các hoạt động ngoại khóa, trường còn phối hợp với các tổ chức địa phương như: tổ chức phụ nữ, ban môi trường, công an, trạm y tế,… Tuyên truyền các nội dung như “An toàn thực phẩm”; Phòng tránh tai nạn giao thông, Pháo nổ, bom mìn, đuối nước,… cho giáo viên và học sinh. Phối hợp tốt với trạm y tế, nhân viên y tế trong việc sơ cứu ban đầu cho học sinh khi thương tích xảy ra.

Lễ phát động phong trào khuyến khích, vận động học sinh tham gia học bơi

Phối hợp với các lực lượng trong và ngoài trường học là biện pháp giáo dục quan trọng trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức, rèn luyện kĩ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh. Trong công tác phối hợp đó có những việc làm tôi tham gia với vai trò trực tiếp nhưng cũng có những việc tham gia gián tiếp thông qua tổ chức nhà trường, công đoàn, đoàn thanh niên hay tổ chức đội. Dù ở phương diện nào tôi cũng nhận thấy đây là một việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay. Tất cả vì sự an toàn cho thế hệ tương lai của đất nước.

Biện pháp 7: Thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử trong nhà trường, tránh xúc phạm thân thể học sinh.

Trong những năm gần đây, bạo lực học đường nổi lên như là một điểm đen của nền giáo dục nước nhà. Cô đánh trò, trò đánh thầy, trò đánh trò...những hành động mang lại nhiều bức xúc, lo ngại cho xã hội nói chung và những người làm giáo dục nói riêng. Khi sự việc xảy ra, người ta có muôn vàn lí do để giải thích, song dù là lí do gì thì việc xúc phạm thân thể học sinh là một việc làm vi phạm quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp. Giáo viên phải là người mẫu mực trong mọi lời nói và việc làm. Đặc biệt, đối tượng của chúng ta là những học sinh đang trong độ tuổi phát triển mạnh cả về sinh lí lẫn tâm lí. Những việc làm không hay của giáo viên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm của các em. Dẫu rằng trong quá trình dạy học, giáo dục giáo viên phải chịu nhiều áp lực từ học sinh, phụ huynh, nhà trường, gia đình và xã hội. Song chúng ta phải biết tiết chế cảm xúc của mình để đặt lợi ích của học sinh lên trước. Trong nhiều năm dạy học, có lúc tôi cảm thấy bất lực trước một số học sinh, thấy buồn và muốn buông xuôi khi có em dù có giảng mãi, bằng mọi phương pháp vẫn không thể tiến bộ trong học tập hay có những học sinh cá biệt, bướng bỉnh không chịu hợp tác. Xã hội càng phát triển, quan điểm “Thương cho roi cho vọt” không còn thích hợp. Chính vì vậy, thay vì nóng giận, dọa nạt, thậm chí phạt vọt thì người giáo viên cần tìm ra những phương thức giáo dục phù hợp. Với bản thân tôi, để làm tốt công tác giáo dục tôi đã thực hiện một số nguyên tắc sau:

- Gần gũi, quan tâm đến mọi học sinh. Đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, những học sinh cá biệt về tính cách, hạn chế về học tập để tìm phương pháp giáo dục phù hợp.

- Với mỗi sai phạm của HS, tôi chưa vội trách mắng mà tìm hiểu nguyên nhân, sau đó để các em tự nói ra suy nghĩ của mình. Chẳng hạn như học sinh trêu nhau, đánh nhau đều xuất phát từ hai phía, chúng ta không nên thấy bạn khóc là bạn làm đúng, còn người đánh là sai. Bằng những câu hỏi nhẹ nhàng như “Em có cảm thấy mình có lỗi trong sự việc này không”. Hay “Em biết vì sao cô trách phạt em không”? Phân tích nguyên nhân, hậu quả của việc các em làm để các em hiểu ra lỗi lầm mà khắc phục. Thể hiện đúng quan điểm “vừa nhu vừa cương” trong giáo dục học sinh.

- Giáo viên phải là một “bao thanh thiên” công bằng đối với tất cả học sinh trong mọi tình huống, hoàn cảnh. Không bao che, dung túng cho những việc làm sai. Không vì thành tích của lớp mà dấu diếm những sai phạm của các em.

- Xây dựng lớp học thân thiện gần gũi, tôn trọng, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm, biết cách giải quyết xung đột không bằng bạo lực.

Bằng tình thương và trách nhiệm, đạo đức của người nhà giáo và với những phương thức, cách thức giáo dục phù hợp, sáng tạo, linh hoạt tôi tin rằng chúng ta đã góp phần quan trọng trong việc tạo dựng một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh để trường học mãi là ngôi nhà thứ hai của các em học sinh thân yêu.

Một phần của tài liệu Sáng kiến phòng tránh tai nạn thương tích tiểu học (Trang 37 - 40)