học viên đào tạo cấp phân đội trong các học viện quân đội khu vực phía Bắc hiện nay
3.1.1. Mục tiêu tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho học viên đào tạo cấp phân đội trong các học viện quân đội khu vực phía Bắc hiện nay
Thứ nhất, chất lượng giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho học viên phải đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ giác ngộ yêu nước theo lập trường giai cấp công nhân, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Yêu nước theo lập trường của giai cấp công nhân là đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Nhưng hiện nay đặc trưng đó có nội dung, yêu cầu mới đòi hỏi giáo dục chủ nghĩa yêu nước trong các học viện, nhà trường quân đội phải quán triệt sâu sắc và đáp ứng đầy đủ. Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều biến động, trước sự chống phá quyết liệt nhưng rất tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch đối với độc lập dân tộc và CNXH thì yêu cầu về giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong quân đội nói chung và trong các học viện quân đội nói riêng phải hướng tới mục tiêu cơ bản phù hợp với tình hình mới.
Đồng thời, trình độ giác ngộ chủ nghĩa yêu nước của học viên quân sự không phải là một cái gì đó trừu trượng mà luôn gắn bó và biểu hiện rất cụ thể ở hành động của họ trong học tập, rèn luyện, trong các hoạt động, sinh hoạt tập thể... Vì vậy, mục tiêu của giáo dục chủ nghĩa yêu nước trong học viện, nhà trường quân đội hiện nay phải hướng tới đáp ứng yêu cầu tăng cường
giáo dục, đào tạo, NCKH, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nhà trường chính quy, góp phần đào tạo đội ngũ sĩ quan quân đội tương lai có đầy đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
Thứ hai, tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước nhằm làm cho học viên các nhà trường quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; luôn xác định tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện, không ngại khó, ngại khổ, khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
"Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" là truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam. Để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đó trong tình hình mới đòi hỏi mỗi học viên quân sự phải có nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về nhiệm vụ xây dựng quân đội đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Do vậy, việc tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước phải hướng tới mục tiêu làm cho mọi học viên xác định tốt nhiệm vụ trong học tập nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ nhiệm vụ hiện đại hóa quân đội trong tình hình mới. Đồng thời, tích cực trong rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, không ngại khó, ngại khổ, khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước phải làm cho mọi học viên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; tích cực tham gia đấu tranh trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
Đất nước ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới, đồng thời cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp tác động không nhỏ đến các lĩnh vực của đời sống
xã hội. Các thế lực thù địch ra sức thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", “bạo loạn lật đổ” nhằm thủ tiêu cách mạng nước ta, lái cách mạng nước ta đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa, trong đó chúng coi quân đội là một hướng đột phá chủ yếu. Do vậy, việc tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho học viên quân sự phải hướng tới nâng cao trình độ năng lực để nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng. Đó là cơ sở để mọi học viên có thể tuyên truyền vận động gia đình, bạn bè, người thân cũng như tích cực tham gia đấu tranh trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch trên internet, mạng xã hội.
3.1.2. Yêu cầu tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho học viên đào tạo cấp phân đội trong các học viện Quân đội khu vực phía Bắc hiện nay
Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước phải đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, NCKH, xây dựng nhà trường chính quy, mẫu mực.
Đây là yêu cầu mang tính nguyên tắc, luôn đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Hiện nay, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội… nhằm thúc đẩy “tự diễn biến” để chống phá cách mạng nước ta trên tất cả các lĩnh vực.
Trước tình hình đó, việc tăng cường công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị, trang bị cho học viên tri thức về truyền thống quý báu của dân tộc, của Đảng, của quân đội, các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, qua đó, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đồng thời, việc tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước phải gắn liền với nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, NCKH, xây dựng nhà trường chính quy, mẫu mực.
Thứ hai, tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.
Trước những yêu cầu mới, xây dựng QĐND đòi hỏi ngày càng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân gắn bó chặt chẽ với bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, vũ khí, khí tài ngày càng hiện đại yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội phải có trình độ cao, kỹ năng tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, giáo dục chủ nghĩa yêu nước trong các học viện quân đội khu vực phía Bắc hiện nay phải xây dựng được bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, có tinh thần cảnh giác cách mạng cho học viên. Từ đó, xác định rõ động cơ, thái độ, ý chí quyết tâm học tập, rèn luyện và NCKH nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, hiện đại hóa quân đội trong tình hình mới, phấn đấu trở thành người sĩ quan quân đội, người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ ba, thường xuyên đổi mới nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho học viên quân sự phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng; đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thức, hiệu quả”. Do vậy, cần tiếp tục đổi mới nội dung, vận dung linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp giáo dục chủ nghĩa yêu nước phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng đơn vị.
Thứ tư, nâng cao phẩm chất và năng lực của các chủ thể giáo dục chủ nghĩa yêu nước trong các nhà trường quân đội.
Chất lượng giáo dục chủ nghĩa yêu nước phụ thuộc rất lớn và trên một ý nghĩa nào đó mang tính quyết định bởi phẩm chất, năng lực làm công tác giáo dục của chủ thể giáo dục.
Phẩm chất, năng lực của chủ thể giáo dục (chủ thể giáo dục bao gồm cả về phương diện tổ chức như: tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, các đoàn thể... cả những con người cụ thể như: cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý ở các đơn vị, đội ngũ cán bộ nghiệp vụ chuyên môn ở các cơ quan và đội ngũ giáo viên) tác động trực tiếp đến chất lượng quá trình truyền thụ kiến thức khoa học cho đối tượng giáo dục. Hơn nữa, phẩm chất, năng lực của chủ thể giáo dục còn là tấm gương, tạo sự cảm hoá, động viên, khích lệ và định hướng tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện của đối tượng giáo dục.
Thứ năm, đối tượng giáo dục phải thường xuyên nâng cao tính chủ động, tự giác, tích cực, tự học, tự rèn, biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục.
Đây vừa là yêu cầu vừa là phương châm cơ bản của khoa học, nghệ thuật giáo dục nói chung, giáo dục chủ nghĩa yêu nước trong các học viện, nhà trường quân đội nói riêng. Bởi lẽ, sự hình thành và phát triển chủ nghĩa yêu nước trong mỗi học viên không phải là kết quả của quá trình tự phát, tiếp nhận mang tính áp đặt, gò ép của một lớp, một đợt học tập nào và không phải là những hành động yêu nước nhất thời mà là kết quả của quá trình giáo dục và tự giáo dục với tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục. Chính thông qua quá trình này, nhận thức về chủ nghĩa yêu nước được củng cố, nâng cao, phát triển và nhận thức đó được biến thành tình cảm, niềm tin, làm cho chủ nghĩa yêu nước trở thành truyền thống, thành một đặc trưng nổi bật của học viên trong các học viện, nhà trường quân đội hiện nay.