Công nghệ thiết kế ngược (Reverse Engineering) cũng được hiểu là công nghệ chép mẫu hay công nghệ chế tạo ngược là một công nghệ ra đời dựa trên nhu cầu sản xuất thực tế. Thiết kế ngược là quy trình thiết kế lại mẫu, mô hình vật lý cho trước thông qua số hóa bề mặt mẫu bằng thiết bị đo tọa độ, và xây dựng mô hình thiết kế từ dữ liệu số hóa.
Công nghệ này là sử dụng các loại máy đo 3D để số hóa hình dáng chi tiết sau đó kết hợp với phần mềm CAD/CAM thích hợp để xử lý dữ liệu số hóa nhằm tạo được mô hình chi tiết có độ chính xác cao để tái tạo lại bản vẽ thiết kế dưới dạng số hoá của một sản phẩm có sẵn để tối ưu hoặc đưa vào gia công trên các máy tự động CNC.
Mục đích của thiết kế ngược là để cho phép một hoạt động thiết kế lại để cải tiến nhằm phát triển thành sản phẩm mới hay sửa chữa nhằm khôi phục mô hình CAD cho chi tiết hoặc cập nhật một phần cơ khí nhất định. Thiết kế ngược phát hiện càng nhiều thông tin càng tốt về các ý tưởng thiết kế đã được sử dụng để tạo ra một sản phẩm thực tế.
Kỹ thuật thiết kế ngược - Reverse Engineering (RE) là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong thời gian gần đây. Tuy nhiên việc sử dụng RE trong phát triển sản phẩm đã được bắt đầu từ vài thập kỷ trước. RE được khái niệm là quá trình nhân bản một vật thể, một bộ phận hoặc một sản phẩm hoàn chỉnh có sẵn mà không có sự trợ giúp của bản vẽ, tài liệu hay mô hình máy tính.