Thời hạn điều tra bổ sung

Một phần của tài liệu Trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố theo luật tố tụng hình sự việt nam (trên cơ sở thực tiễn địa bàn thành phố hà nội) (Trang 48 - 49)

Trong giai đoạn truy tố, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định trả hồ sơ để ĐTBS nếu có căn cứ. Thời hạn điều tra bổ sung là thời hạn do pháp luật quy định để điều tra bổ sung đối với vụ án khi có yêu cầu của Viện kiểm sát hoặc tòa án cấp sơ thẩm [23, tr326]. Tại khoản 2 Điều 174 BLTTHS năm 2015 quy định về thời hạn điều tra bổ sung như sau: “Trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng; nếu do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng. Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần. Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung”.

42

Theo đó thì thời hạn ĐTBS của CQĐT là không quá 02 tháng kể từ ngày CQĐT nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu ĐTBS. Trong thời hạn đó, CQĐT có nhiệm vụ ĐTBS những vấn đề mà VKS đã nêu trong “Quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung”. Ngoài ra tại khoản 3 Điều 245 BLTTHS năm 2015 quy định: “Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện đầy đủ yêu cầu nêu trong quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Viện kiểm sát; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản. Kết thúc điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra phải có bản kết luận điều tra bổ sung. Bản kết luận điều tra bổ sung phải ghi rõ kết quả điều tra bổ sung, quan điểm giải quyết vụ án. Nếu kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản kết luận điều tra trước đó thì Cơ quan điều tra phải ra bản kết luận điều tra mới thay thế”.

Pháp luật quy định Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Quy định này thể hiện sự chặt chẽ, tránh sự tùy tiện, lạm dụng việc trả hồ sơ vụ án để kéo dài thời gian giải quyết vụ án, đồng thời đòi hỏi Kiểm sát viên phải có trách nhiệm trong quá trình nghiên cứu vụ án và đưa ra yêu cầu điều tra bổ sung. Để tránh tình trạng đã trả hồ sơ vụ án để ĐTBS 02 lần mà vẫn chưa làm rõ được hết những vấn đề cần ĐTBS thì ngay từ khi nghiên cứu hồ sơ vụ án Kiểm sát viên cần nghiên cứu toàn diện, đầy đủ, đánh giá chứng cứ khách quan, chính xác. Trong trường hợp phát hiện vi phạm, thiếu sót trong giai đoạn điều tra thì Kiểm sát viên phải đưa ra những yêu cầu ĐTBS đầy đủ, nhằm giải quyết được tất cả những vấn đề cần làm rõ tại lần trả hồ sơ vụ án để ĐTBS lần thứ nhất. Chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết mới trả hồ sơ vụ án để ĐTBS lần thứ hai.

Một phần của tài liệu Trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố theo luật tố tụng hình sự việt nam (trên cơ sở thực tiễn địa bàn thành phố hà nội) (Trang 48 - 49)