Dựa vào kết quả nghiên cứu, để kích thích hành vi mua sắm các sản phẩm CSVSCN của người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hóa mỹ phẩm cần chú trọng thúc đẩy các nhân tố ảnh hưởng đến ý định và hành vi mua sắm như thái độ đối với hành vi, chuẩn chủ quan, nhận thức kiểm soát hành vi, nỗi sợ COVID-19 và giá trị sức khỏe.
Về “Nhận thức kiểm soát hành vi”, doanh nghiệp cần mở rộng các kênh phân phối bán hàng, ngoài các kênh bán hàng truyền thống như tại các siêu thị, cửa hàng mỹ phẩm, cửa hàng chính hãng thì ngày nay, các thương hiệu còn cần phải phát triển mạnh các kênh bán hàng trực tuyến như các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada,…và thương mại trên mạng xã hội như Facebook, Instagram,…để tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận mua hàng khi có nhu cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khi các điều kiện đi lại, tiếp xúc trực tiếp bị hạn chế.
Về “Nỗi sợ COVID-19”, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, các thông tin tích cực lẫn tiêu cực về đại dịch COVID-19 không ngừng được đưa tin trên các phương tiện truyền thông. Đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn tiến phức tạp, tâm lý sợ hãi lo lắng về dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn, mặc dù việc kích thích các cảm xúc này sẽ giúp thúc đẩy hành vi mua sắm của người tiêu dùng, các doanh nghiệp không nên chỉ tập trung vào thúc đẩy kinh doanh bằng việc kích thích vào nỗi sợ COVID-19 trong xã hội. Thay vào đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị các chiến lược để kiểm soát các cảm xúc tiêu cực này bằng cách đề ra các chiến lược để xây dựng lòng tin trong lòng người tiêu dùng, có như vậy thương hiệu sẽ có giá trị bền vững hơn, và cũng thu hút khách hàng thông qua việc tác động đến thái độ của họ
đối với sản phẩm của thương hiệu mình để họ tin rằng việc mua các sản phẩm CSVSCN là một việc làm cần thiết và đem lại lợi ích thiết thực.
Về “Thái độ”, doanh nghiệp có thể tăng cường các hoạt động truyền thông để tuyên truyền sự cần thiết đảm bảo vệ sinh, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đồng thời phổ biến về tính năng, hiệu quả của sản phẩm một cách sự trung thực, chính xác, đầy đủ, đúng đắn. Có thể kết hợp với các tổ chức y tế, cơ quan nhà nước để tổ chức các chiến dịch cộng đồng hay các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ để nâng cao nhận thức về dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa.
Về “Chuẩn chủ quan”, doanh nghiệp không chỉ tập trung quảng bá sản phẩm đến người mua hàng mà còn tăng cường hoạt động truyền thông nhằm tiếp cận đến các nhóm chuẩn chủ quan này, đồng thời xây dựng chiến lược gia tăng lòng trung thành của các khách hàng hiện có để họ trở thành “nhóm chuẩn chủ quan” tiếp tục lan tỏa và chia sẻ về sản phẩm của thương hiệu đến những người xung quanh. Các đề xuất như giới thiệu các combo sản phẩm dành cho cả gia đình; mời các nhân vật có tầm ảnh hưởng làm đại sứ thương hiệu; mời những người có chuyên môn y tế nói về sản phẩm của thương hiệu, có các chính sách ưu đãi, chăm sóc khách hàng để tạo thiện cảm và gia tăng lòng trung thành của khách hàng hiện tại.
Về “Giá trị sức khỏe”, doanh nghiệp cần đầu tư vào việc phát triển sản phẩm theo hướng tập trung vào tính năng và hiệu quả của sản phẩm như “kháng khuẩn”, “bảo vệ” với chất lượng đảm bảo, giá thành với nhiều phân khúc, đa dạng về mẫu mã.