Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, mà còn ảnh hưởng đến các mặt của đời sống hàng ngày, kinh tế và hệ thống xã hội trên toàn cầu (Addo và cộng sự, 2020; Donthu và Gustafsson, 2020; Sheth, 2020). Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hành vi của khách hàng (Donthu và Gustafsson, 2020), và mặc dù ở các nơi khác nhau trên thế giới có diễn tiến dịch bệnh khác nhau, nhưng hành vi của con người nhìn chung đều có những diễn tiến giống nhau khi đối diện với mối đe dọa dịch bệnh và hạn chế trong cuộc sống (Chae, 2021).
Thứ nhất, tình trạng phong tỏa và cách ly toàn xã hội được chính phủ ban bố buộc mọi người phải ở nhà và mọi hoạt động giao tiếp trực tiếp chuyển dần sang hình thức giao tiếp gián tiếp thông qua các phương tiện máy móc và truyền thông (Kohli và cộng sự, 2020). Người tiêu dùng chuyển qua mua sắm trực tuyến và tận dụng các cơ hội giao hàng tận nhà để hạn chế đi đến chỗ đông người (Sheth, 2020). Tại Việt Nam, các kênh giao dịch trực tuyến tăng đáng kể lượng truy cập (Trần Xuân Quỳnh và Nguyễn Lê Đình Quý, 2021).
Thứ hai, mối lo ngại về sức khỏe và an toàn cũng khiến cho người tiêu dùng thích ở những chỗ riêng tư hơn (Kim and Lee, 2020), gia tăng việc sử dụng các vật
dụng và các hoạt động liên quan đến sức khỏe (Addo và cộng sự, 2020; Głąbska và cộng sự, 2020) đồng thời mua sắm nhiều hơn các sản phẩm liên quan đến sự an toàn của bản thân (Clemens và cộng sự., 2020). Nhiều người tiêu dùng quan tâm hơn vấn đề sức khỏe hạnh phúc cá nhân và an ninh tài chính trong tương lai, tiết kiệm nhiều hơn. (Westbrook và Angus, 2021).
Thứ ba, người tiêu dùng tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch do bị ảnh hưởng nặng nề về điều kiện tâm lý, dẫn đến khan hiếm hàng hóa, giá cả tăng và gây lãng phí (Kohli và cộng sự, 2020; Westbrook và Angus, 2021). Trong thời gian đại dịch diễn ra, thị trường Việt Nam đã chứng kiến cơn sốt dữ trữ hàng thiết yếu, tập trung vào ba nhóm hàng hóa chính (Trần Xuân Quỳnh và Nguyễn Lê Đình Quý, 2021):
Nhóm đầu tiên là các sản phẩm vệ sinh cá nhân và diệt khuẩn. Xà phòng rửa tay, diệt khuẩn, khẩu trang cá nhân là những sản phẩm được khuyến cáo sử dụng thường xuyên để giảm thiểu khả năng lây truyền bệnh, do đó đã dẫn đến cơn sốt về dòng này.
Nhóm thứ hai là các sản phẩm tiện lợi và gia vị nấu, do con người phải ở nhà trong mùa dịch nên buộc dự trữ lương thực.
Nhóm thứ ba, các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng nhằm nâng cao sức khỏe. Theo các chuyên gia, ngoài các tác động tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng
Việt Nam, cuộc sống và xã hội, COVID-19 cũng đem lại các ảnh hưởng tích cực đến việc thúc đẩy một số xu hướng, tạo ra một thói quen tiêu dùng mới như sự tăng cường nhận thức về sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam, thị trường thương mại điện tử và giao hàng nhanh sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới do tính thuận tiện.